Phần I: Tuyên Xưng - Kinh Tin Kính
BÀI 6
THIÊN CHÚA DUY NHẤT
(x. SGLC từ 200 đến 231)
"Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em". (Ðnl. 6,4-5) "Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác... Trước mặt Ta, mọi người sẽ quỳ gối và mở miệng thề rằng: Chỉ nhờ Ðức Chúa mới có thể làm điều công chính và mới có sức mạnh". (Is. 45,22-24)
Khi chúng ta tuyên xưng: "Tôi tin kính một Thiên Chúa", là chúng ta tin vào Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Thiên Chúa đã mặc khải danh Người cho ông Môsê, và là Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô.
I. Thiên Chúa duy nhất
Chúng ta tin nhận rằng Thiên Chúa chỉ có một, là Chúa duy nhất, bởi vì "nếu Thiên Chúa không duy nhất thì không phải là Thiên Chúa" (Tertuliano). Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất bắt đầu từ trong Cựu ước. Khi Thiên Chúa kêu gọi và chọn Ít-ra-en làm dân riêng và thiết lập giao ước. Người tỏ cho dân thấy: Người là Thiên Chúa duy nhất, ngoài ra không có Chúa nào khác và phải phụng thờ một mình Người (Ðnl 4,39). Trong giao ước Xi-nai (Mười điều răn) điều răn thứ nhất thật rõ ràng: "Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta" (Xh 20,3).
- Mỗi lần Ít-ra-en đi theo thần khác, các ngôn sứ đều nhắc nhở và kêu gọi họ trở về với Chúa là Thiên Chúa duy nhất (xls 45,22-24). Vào thời Ðức Giêsu, tất cả các người Ít-ra-en đều đọc mỗi ngày những lời sau đây: "Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em" (Ðnl 6,4-5).
- Niềm tin của Cựu Ước vào Thiên Chúa duy nhất, đã được chính Ðức Giêsu xác nhận cách chính thức, khi dạy phải yêu mến Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất "hết lòng hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (Mc 12,30). Và Tân Ước cũng tái xác nhận niềm tin này khi phải đối đầu với đa thần giáo của dân ngoại (x.1 Cr 8,4; Ep. 4,6..)
II. Thiên Chúa mặc khải tên Người
Nói tên mình cho người khác là muốn có tiếp xúc trao đổi để hiểu biết thông cảm. Tên chỉ người, một con người độc đáo mà người khác có thể gọi đích danh và trở nên gần gũi - Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân Ít-ra-en và cho biết tên của Người. Thiên Chúa có một tên gọi: Người có thể nói với chúng ta và chúng ta có thể nói với Người. Người không phải là một Thiên Chúa câm nín, nhưng là Thiên Chúa tự bộc lộ ra và người ta có thể tiếp xúc với Người.
- Thiên Chúa tỏ mình cách tiệm tiến và với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng việc Thiên Chúa mặc khải cho ông Môsê nơi bụi gai rực cháy, được coi là mặc khải căn bản nhất trong Cựu Ước và Tân Ước "Ta là Ðấng Hiện Hữu" (YHWH) (Xh 3,13-15). Tên gọi nầy của Thiên Chúa cũng mầu nhiệm như chính Thiên Chúa: đó vừa là ý Chúa muốn tỏ mình cho ta, vừa là từ chối không cho biết Người. Thật ra Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì con người có thể hiểu biết hay diễn tả, nhưng đồng thời Người cũng rất gần gũi con người.
Người là Thiên Chúa hằng sống, đã từng kêu gọi và hướng dẫn các tổ phụ. Người là Thiên Chúa trung thành với các lời đã hứa, là Thiên Chúa giải thoát Ít-ra-en khỏi cảnh nô lệ và đưa vào đất hứa. Người là Thiên Chúa luôn có mặt với dân Người đã chọn, nhận lời họ kêu cầu, bảo vệ và giải thoát khỏi các thù địch, vì Người là "Ðấng Hiện Hữu". Dân Ít-ra-en đã bất trung với Chúa và phản bội giao ước, nhưng "Ðấng Hiện Hữu" vẫn trung thành mãi mãi, "giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ". (Xh 34,7) vẫn là "Thiên Chúa giàu lòng thương xót" (Ep 2,4), "đến nổi đã ban Con Một" (Ga 3,16): Ðức Giêsu đã quả quyết rằng: Người cũng mang tên gọi thần linh, khi hiến mình giải thoát chúng ta trên thập giá: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu" (Ga 8,28). Cuối cùng Thánh danh: "Ðấng Hiện Hữu" còn quả quyết rằng: chỉ mình Thiên Chúa hiện hữu, bất biến, không có khởi đầu và không có tận cùng. Ngoài ra "muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người" (Rm 11,36), và "chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu" (Cv 17,28).
III. Thiên Chúa là chân lý và tình yêu.
Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân Ít-ra-en là Thiên Chúa "giàu nhân nghĩa và thành tín" (Xh 34,6). Ðây là hai đặc tính căn bản nói lên tất cả những nét phong phú của danh Thiên Chúa. Trước hết Thiên Chúa là chân lý. Người không thể lừa dối, luôn trung thành thực hiện các lời đã hứa. Con người có thể hoàn toàn tin cậy vào tính chân thực và lòng trung thành của Chúa trong lời nói cũng như việc làm của Người. Tội lỗi của ông bà nguyên tổ chính là nghi ngờ về tính chân thật và lòng trung thành của Thiên Chúa. "Căn nguyên lời Ngài là chân lý Mọi quyết định công minh của Ngài tồn tại muôn năm" (Tv 118,160) "Lạy Chúa Thượng là Ðức Chúa, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán là chân lý" (2 Sm 7,28) "Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán Ðầy yêu thương trong mọi việc Người làm" (Tv 145,13) Con Thiên Chúa xuống thế gian làm người "là để làm chứng cho sự thật" (Ga 18,37). "Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật" (1 Ga 5,20). Thiên Chúa không chỉ là chân lý mà còn là tình yêu. Trải qua dòng lịch sử. Ít-ra-en đã khám phá ra rằng: họ được Thiên Chúa mặc khải và tuyển chọn, hoàn toàn là vì tình yêu nhưng không của Người. Cũng chính tình yêu đó đã không ngừng giải thoát và tha thứ những bất trung của dân được chọn. Ðó là tình yêu của cha đối với con (x.Hs 11,1), tình yêu của chồng đối với vợ (x.Is 62, 4-5) bất chấp phản bội (x.Ed 16; Hs 11). Tình yêu đó đi tới tột đỉnh khi Thiên Chúa trao ban Con Một cho chúng ta (x.Ga 3,16). "Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình thương của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi" (Is 54,10). "Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương" (Gr 31,3). Nhưng mặc khải Tân Ước đã đi xa hơn, đi tới ngọn nguồn khi xác quyết: "Thiên Chúa là tình yêu" (1 Ga 4,8: 16). Bản thân Thiên Chúa là tình yêu trao đổi giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Người muốn và ban khả năng cho ta thông phần vào tình yêu nầy, nên đã sai Con Một và Thánh Thần tình yêu đến với ta.
IV. Sống niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất.
Thiên Chúa duy nhất, Ðấng hiện hữu làm cho mọi vật được hiện hữu. Tất cả đều lệ thuộc vào Thiên Chúa và Người làm chủ mọi loài mọi vật trên trời dưới đất.
1. Ðứng trước Thiên Chúa cao cả và bí nhiệm, con người khám phá và nhận ra mình bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi. Nhưng sự cao cả siêu việt của Thiên Chúa không đè bẹp con người mà nâng họ dậy, làm cho họ tin tưởng, và mời gọi họ thông phần vinh quang với Người. Ông Môsê được lệnh phải cởi dép ra khi đến với Thiên Chúa chí thánh, và dù thấy mình bất tài, ông vẫn được sai đi để trở thành vị cứu tinh của Dân được chọn (x.Xh 3,1-12). Trước vinh quang thánh thiện Thiên Chúa, ngôn sứ I-sai-a phải kêu lên và hốt hoảng vì sự ô uế của mình, nhưng rồi ông đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa (x.Is 6,18). Ông Phêrô đã nhận ra sự yếu hèn trước Ðấng Thánh của Thiên Chúa (Lc 1,35): "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi", nhưng sau đó, ông đã cùng với các bạn đi theo Người làm môn đệ (x.Lc 5,8-11). Thái độ căn bản và thường xuyên của người tín hữu Kitô là khiêm tốn. Khiêm tốn là ân huệ Chúa ban, để con người nhận ra và sống bản chất đích thực của mình mà tôn thờ Thiên Chúa duy nhất cho phải đạo, nhưng thái độ và tâm tình khiêm tốn chỉ có được tùy ở mức độ con người gặp gỡ, hiện diện với Thiên Chúa. Nếu loài người được Chúa yêu thương (x.Lc 2,14), thì những người khiêm nhường bao giờ cũng là những người đầu tiên đón nhận tình thương nầy (x.GLCG 725) (x.lPr 5,6).
2. Thiên Chúa cao cả vô song đã đoái thương tỏ mình ra cho con người, cho biết danh thánh của Người, ngỏ lời với họ như với bạn hữu (MK 2). Trước tấm lòng ưu ái và ân cần của Thiên Chúa nhân lành, tâm tình hợp lý và chính đáng của con người phải là tri ân và cảm tạ. "Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Ðức Kitô Giêsu" (1 Tx 5,18).
3. Tin rằng Thiên Chúa đã mặc khải chính mình, đã đối thoại với con người (x.Br 3,38) và hằng lắng nghe con người, nhất là qua Người Con Một là Ðức Giêsu Kitô, nên chúng ta có thể tín thác vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, kêu cầu Người trong mọi lúc. "Khi tôi kêu, Chúa đã nghe lời" (TV 4,4) "Con kêu lên Ngài lạy Thiên Chúa. Vì Ngài đáp lời con. Xin lắng tai và nghe tiếng con cầu" (TV 16,6).
Bài 7
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN
(x. SGLC. từ 0232 đến 0260)
"Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô. Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em" (Lời chào đầu lễ). (x.2 Co 13,13). "Cùng với Con Một Cha và Chúa Thánh Thần. Cha là Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Tể duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể". (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi).
Ðời Kitô hữu được bắt đầu với bí tích Thánh tẩy. Trước khi lãnh nhận bí tích, người tín hữu được mời gọi tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần; sau đó họ chịu phép Rửa "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Bí tích Thánh tẩy là nền tảng cho đức tin và là cánh cửa khai mở đời sống Kitô hữu. Cũng thế, mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần là nền tảng, suối nguồn của mọi mầu nhiệm Kitô giáo và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy.
I. Thiên Chúa tỏ mình qua Ðức Giêsu
"Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18). Chỉ nhờ Ðức Giêsu Kitô, ta mới biết được Thiên Chúa trong ánh sáng chan hòa và huyền nhiệm khôn dò của Người. Thiên Chúa ấy là Thiên Chúa DUY NHẤT. Trong giáo huấn của mình, Ðức Giêsu tiếp tục rao giảng niềm tin độc thần đã cắm rễ sâu trong Cựu ước. Khi được hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?" Ðức Giêsu trả lời: "Ðiều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Ít-ra-en, Ðức Chúa Thiên Chúa chúng ta là Ðức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi" (Mc 12, 28-30). Ðồng thời, Ðức Giêsu lại tỏ ra cho ta biết Thiên Chúa là CHA, không phải theo nghĩa thường gặp trong nhiều tôn giáo khi khẩn cầu Thiên Chúa như một người Cha, nhưng theo nghĩa sâu xa đặc biệt: Cha chỉ là Cha trong tương quan với Người Con duy nhất và ngược lại, Con chỉ là Con trong tương quan với Cha. Vì thế, Ðức Giêsu nói "Không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho" (Mt 11,27). Ngoài ra, trước khi bước vào cuộc tử nạn. Ðức Giêsu loan báo với các môn đệ là Ngài sẽ gởi đến Ðấng Bảo Trợ khác "Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26). Như thế, Ðức Giêsu tỏ cho ta biết Thiên Chúa là Ðức Chúa duy nhất, nhưng đồng thời Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần. Cha và Thánh Thần hằng hiện diện và hoạt động nơi Con. Khi Con xuống thế làm người, sứ thần loan báo cho Mẹ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà... Vì thế, Người Con sinh ra sẽ là Thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35). Và khi Ðức Giêsu chịu phép Rửa - biến cố mở đầu cuộc sống công khai - Ngài "thấy Thần Khí tựa chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con" (Mc 1,10-11).
II. Ðịnh tính của Hội Thánh.
Là nền tảng, suối nguồn và ánh sáng chiếu soi tất cả đời sống Kitô hữu, nên mầu nhiệm Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần đã ghi dấu ấn rất đậm nét trong công thức rửa tội "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần", trong văn bản của các tông đồ "Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em". Ðồng thời trong cử hành phụng vụ, lời khẩn cầu của Hội Thánh luôn luôn là "Nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Cha và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời". Và lời ngợi khen trọn vẹn nhất là "Chính nhờ Ðức Kitô, cùng với Ðức Kitô và trong Ðức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều qui về Cha là Thiên Chúa toàn năng, đến muôn thuở muôn đời". Cũng vì mầu nhiệm ấy là nền tảng cho tất cả đời sống Hội Thánh, nên ngay từ những thế kỷ đầu tiên, Hội Thánh đã không ngừng suy niệm, vừa để đào sâu mầu nhiệm vừa để bảo vệ đức tin tinh tuyền khỏi những quan niệm lệch lạc. Những suy niệm ấy dẫn đến định tín được hình thành trong các Công đồng đầu tiên, với sự cộng tác đắc lực của các giáo phụ và cảm thức đức tin của Dân Chúa. Nhằm trình bày mầu nhiệm cách sâu sắc và chính xác. Hội Thánh đã mượn lấy những ý niệm về ngôn từ triết học đương thời để tuyên xưng "Thiên Chúa duy nhất, không phải trong một ngôi đơn độc, nhưng trong Ba Ngôi cùng một bản thể. Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau". (Kinh tiền tụng lễ Chúa Ba Ngôi). Kế hoạch và công trình cứu độ là của chung Ba Ngôi, vì Ba Ngôi chỉ có một bản thể như nhau nên cũng chỉ có một công việc như nhau. Tuy nhiên, mỗi Ngôi thực hiện công trình chung theo biệt tính của mình. Chính vì thế trong Kinh Tin Kính, người tín hữu tuyên xưng một Chúa Duy Nhất là Cha toàn năng, Ðấng Tạo Thành, Là Ðức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ loài người là Thánh Thần Ðấng ban sự sống.
III. Ánh sáng cho cuộc đời.
1. Bắt đầu ngày sống và trước mỗi công việc, người tín hữu có thói quen làm dấu Thánh giá "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Làm việc gì nhân danh ai, phải đặt công việc đó trong đường hướng và ý muốn của người mình nhân danh. Ước gì ngày sống và mọi công việc chúng ta làm được thực hiện trong tâm tình và theo đường hướng của Chúa Ba Ngôi, Chúa Tình Yêu.
2. Thiên Chúa được tỏ ra trong Ðức Giêsu Kitô không phải là Thiên Chúa đơn độc, nhưng là cộng đồng Ba Ngôi, trong đó mỗi Ngôi hướng về hai Ngôi khác bằng tất cả tình yêu trao ban và đón nhận. Mầu nhiệm ấy trở thành ánh sáng và động lực thúc đẩy cuộc sống của ta trên bình diện cá nhân, gia đình cũng như xã hội.
Bài 8
THIÊN CHÚA LÀ ÐẤNG SÁNG TẠO VÀ QUAN PHÒNG
(x SGLC từ 0268 đến 0314)
"Lạy Ðức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu". (Tv 8,2) "Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa. Không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, Ðêm này kể lại với đêm kia Chẳng một lời một lẽ Chẳng nghe thấy âm thanh Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển" (Tv 18,2-5)
Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần, là Ðấng Toàn Năng đã lấy khôn ngoan và tình thương mà sáng tạo muôn vật hữu hình và vô hình "để ban cho chúng đầy tràn ơn phúc và cho nhiều thọ tạo được vui hưởng ánh sáng huy hoàng" (Kinh Tạ Ơn IV), và Người còn luôn chăm sóc hướng dẫn mọi thụ tạo. Vì thế Chúa Kitô mời gọi ta tín thác nơi Thiên Chúa quan phòng với tình con thảo (x.Mt 6,26-34). Còn thánh Phêrô nhắn nhủ: "mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em" (1 Pr 5,7)
I. Giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo rất quan trọng cho cả đời người.
Con người ở mọi thời mọi nơi đều vẫn thắc mắc mình từ đâu đến, đi về đâu, mình bắt nguồn từ đâu, mục đích đời người là gì, mọi vật hiện hữu bởi đâu đến và đi về đâu... Trí tuệ con người chỉ có thể giải đáp một phần, nhưng rất thiếu sót và chưa thỏa đáng. Thế mà việc biết đúng nguồn cuội và cùng đích đời người lại là hai việc tối quan trọng không thể tách rời nhau, vì chung quyết định về ý nghĩa và hướng đi cho cuộc đời cũng như mọi hành động của con người. Vì thế Thiên Chúa đã mặc khải dần dần qua lịch sử cứu độ, khi tuyển chọn dân tộc Ít-ra-en và ký kết giao ước với họ (x. ba chương đầu của Sách Sáng Thế). Sau cùng Chúa Kitô đã đến mặc khải trọn vẹn và dứt khoát để giúp ta hiểu rằng nguồn cuội và cùng đích đời người cũng như vũ trụ vạn vật chính là Thiên Chúa.
II. Thiên Chúa sáng tạo trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.
Kinh Tin Kính tuyên xưng "Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng Tạo Thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình": Thế giới hữu hình: Tất cả mọi tạo vật hữu hình đều do Thiên Chúa sáng tạo, mỗi vật đều "có sự vững chãi, chân thực và tốt lành, cùng với trật tự và những định luật riêng" (MV 36); mỗi vật đều phản ánh một phần sự khôn ngoan và tốt lành của Thiên Chúa; không vật nào có thể tự mãn, nhưng phải tùy thuộc lẫn nhau, để bổ túc và phục vụ cho nhau; mỗi vật ở một cấp bậc khác nhau từ kém đến hoàn hảo hơn, nhưng con người là chóp đỉnh của tạo thành, vì được tạo dựng riêng biệt (x.St 1,26). Thế giới vô hình: gồm các vật thuần thiêng, không có thể xác, Kinh Thánh gọi là thiên thần. Ðó là các tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Các ngài có trí tuệ, ý chí, ngôi vị và bất tử, vì thế hoàn hảo hơn các thụ tạo hữu hình. Các ngài được dựng nên để phục vụ suốt dòng lịch sử cứu độ: từ việc đóng cửa Vườn Ðịa Ðàng (x.St 3,24) qua biến cố báo tin Chúa Kitô xuống thế làm người (Lc 1,26) đến việc "phúc âm hóa muôn dân" (x.Lc 2,10) sau cùng là tập họp muôn dân từ bốn phương lại để Chúa Kitô phán xét chung (x.Mt 24,31). Trong thánh lễ, Hội Thánh hiệp với các thiên thần để ca tụng Thiên Chúa chí thánh. Và trong cuộc sống "mỗi tín hữu đều có một thiên thần hộ mệnh để bảo trợ và hướng dẫn đến sự sống đời đời" (Thánh Ba-xi-li-ô). "Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra: rất là tốt đẹp" (St 1,31).
III. Sáng tạo là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ðấng toàn năng và quan phòng. Ta thường nghĩ rằng Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa, vì Kinh Tin Kính tuyên xưng như vậy. Thực ra, toàn bộ kế hoạch của Thiên Chúa bao gồm sáng tạo, cứu độ và thánh hóa, đều là công trình chung của cả Ba Ngôi, Thiên Chúa đã sáng tạo "để làm vinh quang danh Người và tạo nên hạnh phúc cho chúng ta" (TG 2). Thiên Chúa là Ðấng Toàn Năng: "Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì Chúa làm nên" (Lc 1,113B,3); "không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37); "Ðấng làm cho kẻ chết được sống, và khiến những gì không có hóa có" (Rm 4,17). Người đã tạo dựng muôn vật từ hư vô, không cần gì vật có trước, không cần trợ giúp (x.DS 3022). Thiên Chúa còn là Cha (x.Mt 6,9) nên sau khi sáng tạo Người vẫn tiếp tục chăm sóc và điều khiển mọi thụ tạo (Mt 6,32) "một cách cụ thể và trực tiếp", để tất cả mọi người mọi vật từ tình trạng tốt lành và hoàn hảo ban đầu có thể tiến hóa dần dần đến mức hoàn hảo như ý Người muốn. Hội Thánh gọi công việc đó là việc Thiên Chúa quan phòng.
IV. Tại sao có sự xấu, sự dữ?
Thiên Chúa toàn năng đầy khôn ngoan và giàu tình thương đã sáng tạo muôn vật đều tốt lành nhưng chưa toàn hảo, vì Người muốn chúng còn "ở trong tình trạng hành trình" qua dòng thời gian, để liên đới bổ túc cho nhau mà tiến hóa tới mức toàn hảo sau cùng. Trong quá trình tiến hóa đó, có vật trở nên tốt hơn, có vật xấu hơn và bị đào thải. Do đó cùng với sự tốt thể lý, cũng có sự xấu thể lý. Còn thiên thần và con người là thụ tạo có trí tuệ và tự do, cũng phải tiến tới cùng đích của mình bằng cách chọn lựa cho mình trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Và thực sự họ đã chọn lựa sai lầm để phạm tội. Do đó, sự xấu luân lý đã nhập vào thế gian. Như thế, sự xấu, sự dữ luân lý đều không do Thiên Chúa muốn, dầu là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên Người để chúng xảy ra, vì Người tôn trọng tự do của thụ tạo, và vì Người có thể rút từ sự xấu, sự dữ ấy ra sự lành còn tốt đẹp hơn gấp bội nữa (x.St 45,8; 50,20; Rm 5,20) Ðây là một huyền nhiệm, huyền nhiệm về sự xấu, sự dữ mà chỉ một mình Chúa Kitô, Ðấng đã chịu chết và sống lại mới mặc khải được, và chỉ tới ngày được giáp mặt với Thiên Chúa ta mới hiểu hết được. (x.1 Cr 13,12)
V. Thiên Chúa sáng tạo và cuộc sống con người hôm nay.
Người Việt Nam rất quen thuộc với Trời, gặp chuyện tốt xấu may rủi đều kêu trời, coi trời như Tạo Hóa: ngẫm hay muôn sự tại trời; trời sinh voi, trời sinh cỏ; cha mẹ sinh con, trời sinh tính... Nhiều người còn lập bàn thờ "ông Thiên" để tỏ lòng hiếu thảo với Trời. Người Việt Nam cùng khao khát hạnh phúc và luôn cầu Trời cho mình được "Phúc Lộc Thọ" và gặp mọi sự may mắn. Vì thế, giáo lý về Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng không xa lạ với ta, trái lại giúp ta hiểu sâu sắc hơn; Trời chính là Thiên Chúa, là chủ trời đất, là Cha Toàn Năng yêu thương. Giáo lý ấy phải giúp ta có thái độ đúng đắn hơn.
1. Ðối với Thiên Chúa: Biết Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, còn ta là con và là thụ tạo của Người, nên ta không lo Người bất lực, bất trung, không sợ Người làm mất phẩm giá và tự do của ta. Trái lại, ta yêu mến tôn thờ Người trên hết mọi sự với tình con thảo. Biết Thiên Chúa quan phòng chăm sóc điều khiển mọi vật mọi loài, nên ta nghe lời Chúa Kitô dạy để hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa quan phòng (Mt 65,31-33), cứ lo chuyên cần lao động và phát minh... theo khả năng của ta, Người sẽ giúp ta thành tựu theo chương trình của Người: mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên.
2. Ðối với mọi người mọi vật: Biết mọi người mọi vật đều là thụ tạo như nhau, nên ta không sợ hãi hoặc tôn thờ bất cứ ai hay vật gì. Mỗi người mỗi vật lại đều phản ánh sự khôn ngoan và tình thương của Thiên Chúa, nên ta không k?hị, không gây ô nhiễm cho môi sinh, không hủy diệt chúng vô cớ. Trái lại, ta tuân giữ "điều răn mới về tình yêu của Chúa Kitô, đó là luật căn bản để kiện toàn con người, và do đó để cải tạo thế giới", nghĩa là "biến cải cuộc sống mình trở nên nhân đạo hơn, và quy phục trái đất" (Mv 38) về một đích là "trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị" (2 Pr 3,13).
3. Ðối với sự xấu, sự dữ: Biết Thiên Chúa đã sáng tạo mọi loài vật tốt đẹp, và sự xấu sự dữ không do Thiên Chúa, nên ta không bất mãn với Thiên Chúa, hoặc tuyệt vọng trước sự dữ. Trái lại, ta noi gương Chúa Kitô để cùng Người chống lại sự dữ dưới mọi hình thức, và cố gắng sống và làm nhiều việc tốt lành để hòa giải những sự dữ với niềm tin tưởng rằng: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người" (Rm 8,28).
Bài 9
THIÊN CHÚA TẠO DỰNG CON NGƯỜI
(x.SGLC từ 0355 đến 0379)
Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, có nam có nữ. Con người có vị trí ưu việt trong công trình sáng tạo và được tham dự vào đời sống thân mật với Thiên Chúa. Không có câu hỏi nào gay gắt cho bằng câu hỏi con người đặt ra về chính mình: "Con người đã và còn đang đưa ra nhiều quan niệm về chính mình, những quan niệm khác nhau và đôi khi trái nghịch nhau" (MV 12) và chính quan niệm ấy dẫn lối cho cuộc sống. Chính vì thế, câu hỏi về con người có tầm quan trọng đặc biệt, và Hội Thánh "được Thiên Chúa là Ðấng mặc khải dạy dỗ, có thể đem lại câu giải đáp cho những khó khăn ấy, nhờ đó diễn tả được thân phận đích thực của con người, giãi bày những yếu hèn, đồng thời có thể nhìn nhận xác đáng phẩm giá và thiên chức của con người" (MV 12).
I. Con người là hình ảnh Thiên Chúa
Trong biết bao nhiêu câu trả lời về con người, Kinh Thánh đưa ra định nghĩa đơn sơ mà sâu sắc "Con người là hình ảnh Thiên Chúa" (St 1,24). Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người mang phẩm giá đặc biệt, vượt trên vạn vật, đến nỗi tác giả Thánh Vịnh phải kêu lên: "Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, Muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân" (Tv 8,4-7) Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người có khả năng đặc biệt, khả năng nhận biết và yêu mến (x. MV 12), nhờ đó con người có thể đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa và bước vào giao ước yêu thương với Ngài. Là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người là đỉnh cao của tạo thành và Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự là cho con người "Trời và đất, biển khơi và mọi tạo vật là để cho con người" (Thánh Gioan Kim Khẩu). Nhưng đồng thời, con người không thể quên rằng họ được tạo nên để phụng sự, yêu mến Thiên Chúa, và phải hiến dâng tất cả tạo thành cho Ngài. Phẩm giá cao cả nầy chỉ hiểu được trọn vẹn nhờ Ðức Giêsu, vì "Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể" (MV 22). Chính giáo huấn, cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ðức Giêsu bày tỏ tất cả nghĩa cao cả của bản thân và cuộc sống con người.
II. Con người là xác và hồn
Bằng ngôn ngữ biểu tượng, Kinh Thánh mô tả "Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật" (St 2,7). Như thế, nơi con người có cả yếu tố vật chất và yếu tố tinh thần, và cả hai tạo nên bản tính duy nhất, liên kết chặt chẽ với nhau: con người duy nhất xác hồn. "Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất" (MV 14), nhưng tổng hợp vật chất ấy lại được linh động hóa bởi nguyên lý tinh thần là hồn thiêng. Vì thế, "con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất, và không chỉ coi mình như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật" (MV 14). Hồn thiêng ấy do Thiên Chúa trực tiếp tạo nên và ban tặng, chứ không do cha mẹ tạo nên. Ðồng thời, hồn thiêng mang tính bất tử, không bị tiêu diệt, kể cả khi hồn lìa khỏi xác trong giờ chết, nhưng sẽ kết hợp lại với thân xác trong cuộc phục sinh sau cùng.
III. Con người là nam và nữ
"Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam và có nữ" (MV 12; St 1,27), nghĩa là có sự khác biệt nhưng đồng thời lại bình đẳng với nhau: khác biệt về phái tính cùng với những nét độc đáo của mỗi phái, nhưng bình đẳng về phẩm giá, vì cả hai đều là hình ảnh của Thiên Chúa, phản ánh sự khôn ngoan và tốt lành của Ngài. Họ được tạo dựng để sống với nhau và cho nhau. Kinh Thánh mô tả: "Ðức Chúa là Thiên Chúa phán: con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó" (St 2,18). Nhưng bởi vì giữa bao nhiêu thú vật, chim trời và dã thú, người nam vẫn không tìm được một trợ tá tương xứng, nên "Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ người nam, làm thành một người đàn bà" và lúc ấy người nam reo lên "Ðây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (St 1,22-23), tiếng reo của khám phá, của tình yêu và thông hiệp. Và cả hai kết hợp với nhau "thành một xương một thịt" (St 2,24). Sự liên kết giữa họ và tạo nên cộng đoàn đầu tiên giữa người với người (MV 12), trong đó hai người nam nữ vừa bình đẳng, vừa bổ túc cho nhau. Nhờ đó, họ "cộng tác đặc biệt vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa, Ngài đã chúc lành cho họ, và phán: Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều" (MV 50). Sự liên kết ấy còn diễn tả bản tính thâm sâu của con người "là một hữu thể có tính xã hội và nếu không liên lạc với người khác, sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình" (MV 12).
IV. Con người trong vườn địa đàng.
Con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh địa đàng, nơi con người sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15). Hội Thánh gọi tình trạng đó là tình trạng công chính nguyên thủy, và con người "được tham dự đời sống thần linh" (GH 2). Trong hạnh phúc nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không chịu sự thống trị của dục vọng, không phải đau khổ và chết chóc, lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, hạnh phúc nguyên thủy ấy đã bị mất đi khi con người sa ngã trong Adam. (x. GH 2).
V. Sống ơn gọi làm người
Mặc khải của Thiên Chúa về phẩm giá con người phải trở thành ánh sáng soi lối cho cuộc sống người Kitô hữu, trong cuộc sống của bản thân cũng như trong mọi mối quan hệ đời sống.
1. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Phẩm giá cao quý ấy được bộc lộ trọn vẹn nơi Ðức Giêsu, Ðấng Thiên Chúa làm người, và đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ, hèn mọn nhất. Chính vì thế, con người trở thành con đường của Hội Thánh, và người Kitô hữu phải biết trân trọng con người, những con người cụ thể ta gặp trong cuộc sống, dù là trẻ thơ hay già cả, giàu có hay nghèo hèn, mạnh khỏe hay yếu đau, bạn hay thù... vì tất cả đều là hình ảnh của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đang hiện diện trong họ (x. Mt 25,40).
2. Ý thức về con người duy nhất xác hồn giúp người Kitô hữu ý thức bản chất và vận mạng cao cả của mình, để biết ngẩng đầu lên và hướng lòng đến những sự trên trời. Phát triển kinh tế và những tiện nghi vật chất là điều cần thiết và hữu ích, nhưng chúng ta cũng dễ bị cám dỗ để quên mất rằng "Nhân linh ư vạn vật" và "mang trong lòng những khát vọng vô biên, được mời gọi tới một cuộc sống cao cả hơn" (MV 10). Vì thế, phải hướng đến việc phát triển con người toàn diện, chứ không chỉ về thân xác và vật chất mà thôi.
Bài 10
CON NGƯỜI SA NGÃ
(x. SGLC từ 385 đến 412)
"Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5,18-19).
Thiên Chúa vô cùng tốt lành đã tạo dựng mọi sự thật tốt đẹp, nhưng thực tế thường ngày lại cho thấy những giới hạn và bất toàn của thiên nhiên, những bất công và xấu xa trong xã hội ; và những con người gian ác. Niềm tin Kitô giáo giải thích như thế nào ? Những thắc mắc của ông Gióp về đau khổ và của thánh vịnh gia về những người gian ác (Tv 72,3-12) chỉ được giải đáp nơi Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhờ Người, "mầu nhiệm của sự gian ác" (2Tx 2,7) được sáng tỏ dưới ánh sáng của "mầu nhiệm của đạo thánh" (1Tm 3,16). Khi từ cõi chết sống lại, Ðức Giêsu Kitô đã đổ tràn ân sủng trên thế giới tội lỗi (Rm 5,21) bởi vì Người là Ðấng duy nhất chiến thắng sự ác (Lc 11,21-22 ; Ga 16,11 ; 1Ga 3,8) "Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm" (MV 22).
I. Tội lỗi và ân sủng
Ngày nay người ta có khuynh hướng giải thích tội lỗi như là sự thiếu trưởng thành, sự yếu đuối của tâm hồn, là sự lầm lẫn, là hậu quả đương nhiên của hoàn cảnh xã hội. Thật ra con người phạm tội, vì đã lạm dụng tự do Chúa ban, mà không vâng phục lệnh truyền của Người, từ chối tình yêu của Người. Tội lỗi là từ khước Thiên Chúa và đặt mình đối nghịch với Người. Nên muốn hiểu tội lỗi là gì, cần phải đặt tội lỗi trong tương quan với Thiên Chúa - Ðặt mình trước mặt Thiên Chúa, con người không những nhận ra tội lỗi của mình, mà còn cảm nhận được lòng nhân từ hay tha thứ của Thiên Chúa, để quay về với Người và dấn bước theo Người (Lc 5,8-11 ; Ga 8,11). Tội lỗi đã xuất hiện từ buổi đầu của lịch sử nhân loại. "Ðược thiết lập trong sự công chính, tuy nhiên ngay từ đầu lịch sử, con người nghe theo Thần Dữ nên đã lạm dụng tự do của mình khi nổi dậy chống lại Thiên Chúa và muốn đạt tới cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13). Sách Sáng Thế (3,1-15) đã nói đến việc sa ngã của con người đầu tiên, nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện sa ngã chỉ được bày tỏ trọn vẹn nơi Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại, để trở thành Cứu Chúa duy nhất của toàn thể nhân loại (Cv 4,12). Tin nhận Chúa Kitô, Adam mới, là nguồn mạch ân sủng của sự sống, thì sẽ nhận ra Adam là nguồn mạch tội lỗi đưa đến cái chết.
II. Ma quỷ gây ra tội lỗi
Con người phạm tội, nhưng con người không phải là tạo vật đầu tiên chống lại Thiên Chúa. Con người phạm tội, vì đã nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, "vì ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu" (1Ga 3,8), ma quỷ có tên là Xa-tan. Xa-tan cùng với đồng bọn đều là những thiên thần tốt lành được Thiên Chúa dựng nên tốt lành, nhưng đã trở nên xấu xa, vì đã chống lại Thiên Chúa cách dứt khoát. Họ đã từ chối Thiên Chúa cách vĩnh viễn và trở thành thù địch với con người, nhằm mê hoặc con người vào con đường xấu xa giống như họ. Nhưng Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm người, để trợ giúp và giải thoát con người khỏi áp lực của ma quỷ. "Sở dĩ Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ" (1Ga 3,8). Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoành hành trên thế giới cho đến ngày tận thế, nhưng những ai tin vào Ðức Giêsu Kitô đều chiến thắng ma quỷ (1Ga 5,5). Ðức Giêsu Kitô không những mạnh hơn ma quỷ (x.Lc 11,22) thống trị chúng (qua các lần trừ quỷ mà Tin Mừng kể lại), nhưng nhờ cái chết và cuộc sống lại của Người, ma quỷ đã bị đánh bại (x.Ga 12,31) để chờ ngày "Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài" (1Gr 15, 25; x.Tv 110, 1).
III. Tội Nguyên Tổ
1. Con người bị thử thách và sa ngã Ðược dựng nên cách Thánh Thiện để sống hòa hợp với Thiên Chúa và với vạn vật, con người đã lạm dụng tự do để làm theo ý mình mà không theo ý Chúa, muốn coi mình hơn Thiên Chúa mà mất tin tưởng và không vâng phục Người. Ðó là tội đầu tiên của con người. Tội đầu tiên này sẽ lôi kéo theo muôn vàn tội lỗi của mọi người qua các thời đại. Khi phạm tội từ bỏ Thiên Chúa. Ðấng duy nhất tốt lành (x.Mt 19,17), con người tự ý nhận lấy mọi hậu quả xấu xa của tội lỗi.
2. Hậu quả tội nguyên tổ. Sau khi sa ngã, ông bà nguyên tổ mất quân bình khi thấy mình trần truồng (x.St 3,7), chạy trốn Thiên Chúa (x.St 3,8), tương quan giữa hai người không còn bình đẳng hòa hợp như trước (x.St 3,16), đất đai đã chống lại con người, và con người phải vất vả cực nhọc mới chinh phục được thiên nhiên. Cuối cùng, thì con người phải trở về bụi đất (x.St 3,18-19). Như vậy, hậu quả đầu tiên của tội nguyên tổ là mất tình nghĩa với Thiên Chúa (ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy). Ðánh mất sự hòa hợp với Thiên Chúa, con người bị chia rẽ và xáo trộn nơi chính bản thân mình, mất hòa bình với người khác và xung khắc với vạn vật. Và hậu quả bi đát nhất là : con người phải chết. Cái chết đã đến với con người, nên làm người ai cũng phải chết (x.ra 5,12). Và từ tội đầu tiên này, tội lỗi đã lan tràn và thống trị khắp thế giới. "Nhìn sâu tận đáy lòng mình, con người cũng khám phá ra rằng, mình đã hướng về sự dữ và đã ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ là những điều không thể xuất phát từ Ðấng Tạo Hóa tốt lành của mình. Nhiều khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình, và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thọ tạo (MV 13).
3. Tội nguyên tổ truyền lại cho con cháu. Con người đầu tiên là Adam đã phạm tội mất tình nghĩa với Thiên Chúa, nên tất cả con cháu thuộc dòng giống loài người, đều sinh ra trong tình trạng tội lỗi của Adam. Bởi vì Adam đã nhận được ơn Thánh thiện và công chính ban đầu, không chỉ cho một mình ông, nhưng cho toàn thể nhân loại. Vậy một khi Adam đã đánh mất đặc ân đó vì tội mình, thì nhân loại sinh ra từ Adam cũng không còn được ở trong tình nghĩa hòa hợp với Thiên Chúa. Tình trạng mất ơn nghĩa với Chúa của mọi người sinh ra ở đời này, ta gọi là tội tổ tông truyền. "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội" (Rm 5,12). Nhưng nếu tội lỗi và sự chết xâm nhập mọi người, thì ân sủng và sự sống của Chúa Kitô cũng tràn ngập tất cả nhân loại. ( Rm 5,18 )
4. Bản tính con người bị tổn thương do tội lỗi. Chính vì mọi người sinh ra trong tình trạng mất ơn Thánh Thiện và Công Chính ban đầu, nên bản tính con người đã bị tổn thương, suy yếu và hướng về điều xấu. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô ban qua Thánh Tẩy, xóa sạch tội lỗi, đưa ta vào trong ơn nghĩa thân tình với Chúa, nhưng tính suy yếu và nghiêng chiều về sự ác vẫn tồn tại nơi bản tính con người. Như vậy, và con người phải luôn sẵn sàng chiến đấu để thắng vượt tội lỗi.
IV. Lời Hứa Ban Ơn Cứu Ðộ
Thiên Chúa là Ðấng toàn Năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn tìm đến với con người (x.St 3,8), và kêu gọi họ tin tưởng là sự ác sẽ bị đánh bại (x.St 3,15) và con người sẽ lại được phục hồi phẩm giá. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã phục hồi phẩm giá con người cách k?iệu hơn cả phẩm giá lúc được sáng tạo (x. Lời nguyện nhập lễ, Lễ giáng Sinh ngày). Thật ra tội lỗi con người không làm hỏng chương trình của Thiên Chúa, mà là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mệt mỏi của Người, hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình là : sự sống muôn đời, "Thế Giới ấy, người Kitô hữu tin là đã được tình yêu của Ðấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì ; thế Giới ấy đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn" (MV 12). Chiến thắng tội lỗi do Chúa Kitô thực hiện, đã mang lại cho chúng ta những lợi ích lớn lao hơn là những lợi ích mà tội đã làm mất đi. "Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội" (Rm 5,20) - "Ôi ! Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Ðấng Cứu Tinh cao cả dường này" (Bản công bố Tin Mừng Phục Sinh, canh thức vượt qua).
V. Hệ Luận Mục Vụ.
"Có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra bao nhiêu là bất hòa lớn lao trong xã hội" (MV 10) "Mọi sinh hoạt hằng ngày của con người đang lâm nguy vì kiêu ngạo, và lòng ích kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô" (MV 37). Như vậy tất cả mọi người đều chịu ảnh hưởng xấu xa của tội lỗi. Cuộc sống con người trên trần gian trở thành cuộc chiến đấu chống lại sự ác dưới mọi hình thức, nơi bản thân cũng như nơi xã hội, để đạt tới sự tốt lành như Thiên Chúa muốn. Trong cuộc chiến khốc liệt và kéo dài suốt đời này, luôn có Chúa Kitô đồng hành và trợ giúp con người. "Vì chúng ta chiến đấu, không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao" (Ep 6,12). Nên chúng ta "hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỉ" (Ep 6,11).
Bài 11
ĐỨC GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA
(x. SGLC từ 0422 đến 0451)
Đức Giêsu lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,15-16). "Ngôi lời đã trở nên người phàm... là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1,14). "Và này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu" ( Lc 1,31).
I. ĐỨC GIÊSU LÀ ĐẤNG KITÔ
Sinh ra làm người ai cũng có một tên gọi. Tên gọi chỉ tính cá biệt của mỗi người. Nhưng trong kinh Thánh, tên gọi thường bao hàm một sứ mạng. Trong ngày truyền tin, Sứ Thần loan báo cho Đức Maria: "Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu" (Lc 1,31). Trong ngôn ngữ Do Thái, từ Giêsu có nghĩa là: "Thiên Chúa Cứu Độ" như lời Thiên Thần nói với Giuse: "Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1,21). Với biến cố Phục Sinh, danh Thánh Đức Giêsu được tôn vinh và tỏ ra quyền năng cao cả trên hết "muôn ngàn danh hiệu" (x.Pl 2,9-10). Danh Thánh Đức Giêsu còn được đặt ở trung điểm của lời cầu nguyện Kitô Giáo. Vì thế ta xin bất cứ điều gì, cùng Thiên Chúa Cha cũng phải nhân danh Chúa Kitô (x.Ga 15,16).
Đức Giêsu cũng được gọi là Đấng Kitô, Kitô là từ Hy lạp bởi từ Do Thái là Messia, nghĩa là Đấng được xức dầu. Theo truyền thống Do Thái, những người được Thiên Chúa tuyển chọn, trao sứ mạng như các Vua (x.IV 1,39), Tư Tế (x.Xh 29,7; Lv 8,12), Ngôn Sứ (x.IV 19,16) đều được xức dầu nhân danh Thiên Chúa, và Đức Giêsu đã xác nhận lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Ngài là Đấng mà ngay từ đầu "Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian" (Ga 10,36). Và khi Gioan làm phép rửa cho Ngài "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người" (Cv 10, 38). Sau này chính Đức Giêsu đã công khai tuyên bố sứ mạng của mình mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: Ngài được Thần khí Thiên Chúa xức dầu để trở thành Ngôn sứ, Tư Tế, Vương Đế đích thực của Thiên Chúa: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi... Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh" (Lc 4,18-21). Ý nghĩa đích thực và hoàn hảo của Danh Kitô tỏ hiện sau khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại như Phêrô tuyên xưng: "Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô" (Cv 2,36).
II. ĐỨC GIÊSU "CON MỘT THIÊN CHÚA"
Đức Giêsu là Con Một duy nhất của Thiên Chúa, mà Hội Thánh hằng tuyên xưng: Tôi tin kính một Đức Giêsu Kitô Con một Thiên Chúa (Kinh Tin Kính). Chính Phêrô cũng tuyên xưng Đức Giêsu là: "Đấng Kitô con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16) và Đức Giêsu cho Phêrô biết đó là mặc khải từ Cha Ngài. (x.Mt 16,17) Sau khi trở lại, Phaolô cũng tuyên xưng và rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x.Gl 1,15-16; Cv 9,20). Chính Đức Giêsu đã xác định lại lời tuyên xưng của các Tông Đồ khi người ta tố cáo Ngài: "Ông là con Thiên Chúa sao?" Đức Giêsu đã trả lời: "Đúng như các ông nói chính Tôi đây" (Lc 22,70) và là "Con một của Thiên Chúa" (Ga 3,16). Đàng khác, khi chịu phép rửa ở sông Giodan, và biến mình trên núi Tabo, Chúa Cha đã long trọng tuyên bố Đức Giêsu là "Con yêu dấu". Cuối cùng, viên bách quản cũng thốt lên khi nhìn Đức Giêsu trên thập giá: "Quả thật, người này là con Thiên Chúa" (Mc 15,39).
Nhưng tước hiệu là "Con Thiên Chúa" của Đức Giêsu vượt trên tước hiệu "Con Thiên Chúa" mà Cựu Ước gán cho các Thiên Thần, cho dân Ít-ra-en, cho các vua Ít-ra-en. Tước hiệu "Con Thiên Chúa" trong Cựu Ước chỉ muốn nói đến sự liên hệ mật thiết của Thiên Chúa với các tạo vật của Ngài; trái lại, Đức Giêsu là "Con Thiên Chúa" vì Ngài "Biết Cha Ngài" (x.Mt 11,27) đồng bản tính với Chúa Cha, Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... (Kinh Tin Kính). Vì thế, Đức Giêsu đã phân biệt rõ ràng: "Cha của Thầy cũng là Cha của Anh em" (Ga 20,17).
III. ĐỨC GIÊSU LÀ CHÚA
Để gia nhập Hội Thánh, mỗi người chúng ta đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa: "Nhân danh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần... ". Người tín hữu cũng hằng tuyên xưng Đức Giêsu: "là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa... Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật... đồng bản tính với Đức Chúa Cha..." (Kinh Tin Kính). Suốt cuộc đời công khai, Đức Giêsu chứng tỏ uy quyền của Ngài đối với thiên nhiên, như truyền cho sóng gió im lặng "Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay" (Lc 8,24). Cả những người mắc bệnh hiểm nghèo, cũng được Ngài chữa trị, chỉ một lời phán ra, ma quỉ đều run sợ, kẻ chết được sống lại và nhất là kẻ có tội được tha. Cuối cùng ta thấy chính Đức Giêsu công khai nhận Ngài là Chúa khi Ngài dạy dỗ các Tông Đồ, "Anh em gọi Thầy là Thầy là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy là Chúa" (Ga 13,13). Sau khi Phục Sinh, Đức Giêsu hiện ra với các Tông Đồ và Tông Đồ Tôma đã tuyên xưng: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28). Khi cử hành nghi thức phụng vụ, Hội Thánh luôn tuyên xưng "Chúa ở cùng anh chị em" hoặc "Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con".
IV. SỐNG VỚI CHÚA KITÔ
Như vậy Đức Giêsu, chẳng những là Chúa Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhưng cũng là Chúa, là Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Do đó, chúng ta hết lòng tôn thờ, yêu mến tin tưởng và nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha đã truyền dạy: "hãy vâng nghe lời Người" (Lc 9,35), phải siêng năng đọc Thánh Kinh để biết và yêu mến Đức Giêsu vì "không biết Thánh Kinh, tức là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giê-rô-ni-mô). Để yêu mến Đức Giêsu, hãy giữ lời Ngài: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy" và nhất là khi ta yêu thương nhau. Đặc biệt yêu thương kẻ thù là dấu chứng cụ thể ta yêu mến Thiên Chúa: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em con hãy yêu thương nhau" (Ga 13,34) và "hãy yêu kẻ thù, và làm ơn cho kẻ ghét anh em" (Lc 6,27).
Bài 12
CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
(x. SGLC từ 0456 đến 0507)
"Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử" (Gl 4,4-5). Con Thiên Chúa chính là Ðức Giêsu Kitô. "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người" (Kinh Tin Kính).
I. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?
Ở trên trái đất nầy con người là "Nhân linh ư vạn vật" nhưng lại đau khổ hơn hết mọi loài. Chỉ cần nhìn quanh thế giới hôm nay hoặc, xem lại lịch sử loài người cũng thấy rõ sự thật. Ðó không phải do Thiên Chúa, vì Người đã sáng tạo mọi sự đều tốt đẹp, nhưng do chính con người đã sử dụng trí tuệ và tự do cách sai lầm để bất phục Thiên Chúa, và chuốc lấy muôn vàn thất bại trên đường hạnh phúc của mình. Dầu Thiên Chúa có thể bỏ mặc cho họ phải hư đốn vì tội của họ, nhưng Người là Cha yêu thương và toàn năng, không thể làm ngơ trước nỗi khổ của họ, nên Người phải ra tay cứu độ. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế làm người:
• Để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa: "Chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta" (1 Ga 4,10).
- Để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên Chúa: "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế nầy: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống". (1 Ga 4,9).
- Để Người trở nên khuôn mẫu thánh thiện cho chúng ta: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15,12) "Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (Ga 13,15).
- Để chúng ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4) "nhờ sự hiệp thông với Người" (Thánh Irênê).
I. Bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống Thai
Biến cố truyền tin cho Ðức Maria (x.Lc. 1,16-38) cho ta biết "thời gian tới hồi viên mãn". Chúa Thánh Thần là "Ðấng ban sự sống" (Kinh Tin Kính) được sai đi để thánh hóa cung lòng Ðức Maria và làm cho bà thụ thai Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa xuống thế làm người trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria, chính là Chúa Kitô, Ðấng được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần ngay khi bắt đầu làm người. Và sau nầy trong suốt cuộc đời, Ðức Giêsu Kitô dần dần chứng tỏ: "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người (Cv 10,38).
II. Sinh bởi Ðức Maria Ðồng Trinh
Biến cố truyền tin cho Ðức Maria cũng cho biết Thiên Chúa đã muốn loài người tự nguyện hợp tác với công trình cứu độ của Người. Người đã tuyển chọn một thiếu nữ Ít-ra-en ở làng Na-gia-rét, thuộc xứ Ga-li-lê "đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc nhà Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria" (Lc. 1,26-27).
Ðức Maria đã được Thiên Chúa "ban cho nhiều ơn cân xứng với một vai trò cao cả như thế" (Lg 56). Tân Ước gọi Ðức Maria là "Ðấng đầy ân sủng" (Lc 1,28). Và Hội Thánh công bố rằng: "Ðức Trinh Nữ Maria ngay từ lúc mới được thụ thai, nhờ ân sủng và ơn huệ đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô cứu độ loài người, đã được gìn giữ toàn vẹn, không lây nhiễm chút vết nhơ nào của tội nguyên tổ" (DS-2803), và cũng tinh tuyền không một tội riêng nào trong suốt cuộc đời. Người là "Ðấng Vô nhiễm nguyên tội". Khi Ðức Maria thưa lời "xin vâng". Người đã trở thành Mẹ Ðức Giêsu để thuộc quyền Con và cùng với Con phục vụ mầu nhiệm cứu độ (x.GH 56). Nhưng Ðức Giêsu, Con của Người lại chính là Con Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, nên Hội Thánh tuyên xưng Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau hết, vì Ðức Maria thụ thai Ðức Giêsu bởi phép Chúa Thánh Thần, nên dầu đã sinh Ðức Giêsu, Ðức Maria được Hội Thánh tuyên xưng là Ðấng trinh khiết vẹn toàn (x.GH 57). Như thế Ðức Maria vừa là Mẹ vừa là Trinh Nữ vẹn toàn, theo ý định của Thiên Chúa Quan Phòng, Người "đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có của Hội Thánh" (GH 63).
III. Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật
Việc Con Thiên Chúa làm người không có nghĩa là nơi Ðức Giêsu có một phần là Thiên Chúa - một phần là người; cũng không phải là hai yếu tố Thiên Chúa và loài người hòa trộn lẫn nhau nơi Người. Ðức Giêsu đã làm người thật mà vẫn là Thiên Chúa thật. Chân lý nầy Hội Thánh luôn phải bảo vệ và làm sáng tỏ trong những thế kỷ đầu tiên để đối phó với nhiều lạc giáo.
Công đồng Nicée (325) tuyên xưng Ðức Giêsu "đồng bản tính với Ðức Chúa Cha" chứ không phải có bản tính khác với Chúa Cha, Công đồng Ephêsô (431) tuyên bố "Ngôi Hai Thiên Chúa đảm nhận bản tính nhân loại trong ngôi vị của Người" chứ không phải Người có hai ngôi vị. Công đồng Chalcédonie (451) tuyên xưng "Chúa Kitô có bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại, cả hai không lẫn lộn nhưng hiệp nhất trong một ngôi vị". Công đồng Vatican II xác định rằng: "nơi Chúa Kitô bản tính nhân loại được đảm nhận (mặc lấy) chứ không bị tiêu diệt... Người làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ bằng trí tuệ con người, hành động với ý chí con người, yêu mến bằng trái tim con người... thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi" (MV 22).
Như vậy Ðức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Thân xác, trí tuệ và ý chí con người của Người cũng phải "lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan" (Lc 2,40) vì Người đã tự nguyện "trở nên giống phàm nhân" (Pl 2,7). Tuy nhiên, chúng lại hoàn toàn hòa hợp và tuân phục trí tuệ và ý chí của Thiên Chúa. Ðức Giêsu yêu thương tất cả chúng ta bằng trái tim con người. Vì thế, Hội Thánh coi Thánh Tâm Ðức Giêsu, bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta để cứu độ chúng ta, "như dấu chỉ và biểu tượng tuyệt vời của tình yêu Người đối với Chúa Cha và với tất cả chúng ta" (Ðức Piô XII).
IV. Con Thiên Chúa làm người và con người hôm nay
Nhiều người hôm nay do ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, và do lối sống hưởng thụ tiện nghi vật chất, đã bị cám dỗ như nguyên tổ xưa để tự hào tự mãn, muốn "đạt tới cùng đích đời mình ngoài Thiên Chúa" (MV 13), gạt bỏ Thiên Chúa để mình làm chủ tất cả... Nhưng đa số người Việt Nam theo truyền thống Á đông vẫn luôn quý mến sự hòa hợp giữa Trời Ðất Người (Thiên Ðịa Nhân), biết vâng mệnh Trời, nhân ái với mọi người, và trân trọng thiên nhiên, để mong được an hòa hạnh phúc. Ðây là truyền thống rất tốt đẹp và thuận lợi, giúp ta dễ chấp nhận hơn việc "Con Thiên Chúa làm người để hiệp thông với con người và vạn vật". Việc hiệp thông của Người mang một ý nghĩa sâu sắc, và là lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay:
1. Ý nghĩa sâu sắc
Con Thiên Chúa nhập thể làm người để thể hiện cuộc sống hiệp thông giữa Trời - Ðất - Người, làm cho Trời - Ðất - Người hòa giải hòa hợp với nhau, nhưng vẫn trân trọng phẩm giá của mỗi thành phần. Ðó là để phục hồi phẩm giá đích thực và cao quý mà nguyên tổ đã làm hư mất. Người đã mở ra con đường cứu độ là mời gọi ta trở nên "đồng hình đồng dạng" với Người, để có thể chu toàn lề luật yêu thương mới của Người (MV 22). "Con Thiên Chúa làm người ta được hiệp thông với Người mà trở nên con Thiên Chúa". (thánh Irênê).
2. Lời mời gọi Kitô hữu Việt Nam hôm nay
Con Thiên Chúa làm người mời gọi Kitô hữu mang tên của Người, hãy tiếp nối công trình nhập thể cứu độ của Người bằng cách "trở nên đồng hình đồng dạng với Người" (Rm 8,29), noi gương Người hội nhập vào dân tộc mình để phục vụ; đồng hành với đồng bào để xóa dốt giảm nghèo, nhất là hội nhập vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để có thể biểu lộ đức tin và loan báo Tin Mừng cứu độ của Người cho thích nghi với dân tộc hơn (Thư chung của HÐGM Việt Nam 1980).
Bài 13
CUỘC SỐNG TRẦN THẾ CỦA ÐỨC GIÊSU
(x. SGLC từ 0512 đến 0560)
"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). "Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29).
Kinh Tin Kính chỉ nói đến những mầu nhiệm, liên quan đến đời sống Chúa Kitô về nhập thể (thụ thai, giáng sinh) và vượt qua (khổ nạn, thập giá, chết, mai táng... sống lại, lên trời). Không nói gì rõ ràng về những mầu nhiệm trong đời ẩn dật và công khai của Chúa, Nhưng những tín điều liên quan đến nhập thể và vượt qua của Ðức Giêsu lại soi sáng toàn bộ cuộc sống trần thế của Người. Tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và dạy, từ khởi đầu cho đến ngày được đưa về trời cần phải được nhìn dưới ánh sáng của những mầu nhiệm giáng sinh và vượt qua.
I. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là mầu nhiệm
Nhiều điều người ta tò mò muốn biết về Ðức Giêsu thì Tin Mừng không nói. Hầu như cuộc sống ở Nazareth chẳng được nói đến, và ngay cả phần lớn cuộc sống công khai cũng không được kể lại. Bởi vì những gì được viết lại trong Tin Mừng chỉ là "để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô. Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người" (Ga 20,31). Tin Mừng được viết ra do những người có niềm tin đầu tiên vào Ðức Giêsu. Họ muốn làm cho những người khác nhận ra những dấu hiệu của mầu nhiệm. Qua những cử chỉ của Ðức Giêsu, dấu lạ và lời nói của Người, Người đã tỏ ra rằng "nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để mặc khải Chúa Cha. Tất cả cuộc sống của Chúa Kitô là để cứu chuộc con người. Và hiện nay Ngài hằng "đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta" (Dt 9,24).
II. Ðời thơ ấu - ẩn dật
A. Thơ ấu.
1.Giáng sinh: là biến cố vô cùng trọng đại nên Thiên Chúa sửa soạn rất kỹ. Ngài đã qui hướng những nghi thức, hy lễ, hình ảnh và biểu trưng của Giao Ước cũ về Chúa Kitô: loan báo qua các ngôn sứ và khơi dậy nơi các dân ngoại niềm mong đợi nào đó. Sau cùng "vị ngôn sứ của Ðấng Tối Cao" (Lc 1,76) được sai đến trực tiếp dọn đường cho Ðấng Cứu Thế. Chính ông sẽ chỉ cho mọi người thấy "Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29). Khi cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi sống động Ðấng Cứu Thế. Trong khi thông dự, vào sự chuẩn bị lâu dài cho lần đến đầu tiên của Ðấng Cứu Thế, người tín hữu cũng sống ước vọng nóng bỏng hướng tới lần ngự đến thứ hai của Người. Ðức Giêsu sinh hạ khiêm tốn trong máng chiên lừa, trong một gia đình nghèo và những mục đồng đơn sơ là những chứng nhân đầu tiên của biến cố nầy. Chính trong cảnh nghèo hèn nầy, vinh quang trời cao đã tỏ hiện. Hội Thánh không ngừng ca tụng vinh quang của đêm nầy:
Hôm nay Trinh Nữ sinh hạ Ðấng bất diệt Và trái đất dâng một hang động cho Ðấng không thể với tới. Thiên Thần và mục đồng ca tụng Người Các đạo sĩ theo sao lạ tiến tới Ngài đã sinh ra vì chúng tôi Thưa Hài Nhi, Thiên Chúa vĩnh cửu.
Trong tương quan với Thiên Chúa, trở nên trẻ thơ là điều kiện để vào Nước Trời. Phải hạ mình xuống, nên bé nhỏ, nhưng phải sinh ra từ trời cao, từ Thiên Chúa, để trở nên con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh hoàn thành nơi chúng ta khi Chúa Kitô thành hình nơi chúng ta, Giáng Sinh là mầu nhiệm trao đổi lạ lùng. Trong đời thơ ấu của Chúa có những biến cố đáng ghi nhớ:
a) Cắt bì vào ngày thứ tám sau khi sinh. Biến cố nầy là một tuyên cáo việc Ngài sáp nhập vào dòng dõi Abraham, vào dân của Giao Ước và cũng là dấu chỉ phục tùng lề luật.
b) Những nhà thông thái đến kính viếng. Là đại biểu của dân ngoại, họ là hoa quả đầu mùa của các dân tộc, họ đón nhận Tin Mừng qua việc nhập thể. Họ đã tìm được nơi Ít-ra-en vị vua của mọi dân tộc.
c) Dâng Chúa vào đền thờ. Chứng tỏ Ngài là con trai đầu lòng thuộc về Thiên Chúa. Simêon và Anna tượng trưng cho niềm mong đợi Ít-ra-en đã đến gặp gỡ Chúa. Ngài là ánh sáng muôn dân và vinh quang của Ít-ra-en. Qua Phụng vụ lễ Nến, Hội Thánh nhắc nhở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa Kitô và thắp sáng niềm tin trong ánh sáng Chúa Kitô.
d) Việc chạy trốn sang Ai Cập và việc tàn sát trẻ thơ của Hêrôđê. Không phải Người bất lực không bảo vệ được mình và các em nhỏ. Việc nầy tỏ rõ cuộc đời Ngài chỉ toàn nhận lấy bách hại và hất hủi. Một sự tranh đấu không ngừng giữa bóng tối và ánh sáng.
B. Ðời ẩn dật
Phần lớn cuộc sống, Ðức Giêsu đã chia sẻ điều kiện sống của đa số nhân loại: một cuộc đời bình thường không dáng vẻ rầm rộ bên ngoài, cuộc sống lao động bằng chân tay, một cuộc sống theo tôn giáo Do Thái tùng phục lề luật Thiên Chúa... Ngài hằng vâng phục cha mẹ Ngài, thi hành tuyệt hảo giới điều thứ tư. Ðó là hình ảnh trần thế về lòng tùng phục hiếu thảo với Cha trên trời của Ngài. Sự vâng phục nầy là nền tảng cho việc vâng phục ý Cha ở Vườn Cây Dầu. Hằng ngày cộng tác lo việc cho cha mẹ chính là sửa soạn lo việc Cha trên trời, khởi đầu phục hồi những gì do sự bất phục của Ađam và làm tiêu hủy. Việc cậu bé Giêsu lúc 12 tuổi bị lạc và tìm lại được trong đền thờ đã làm vỡ tan sự im lặng dầy đặc trong những năm ẩn dật. Ngài muốn cho ta thoáng thấy mầu nhiệm việc dâng hiến trọn vẹn cho một sứ mạng phát sinh từ mối quan hệ thần linh của Ngài: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2,49).
III. Ðời công khai
A. Khai mạc.
1. Phép rửa: Ðức Giêsu bắt đầu cuộc sống công khai bằng phép rửa của Gioan. Ðức Giêsu cùng đến với nhiều người. Gioan ngập ngừng, nhưng Ðức Giêsu yêu cầu Gioan cứ làm như lệ thường. Vì đây là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra cách trọng đại: Thánh Thần như hình Chim bồ câu đậu xuống trên Ðức Giêsu, đồng thời có tiếng Chúa Cha phán: "Ðây là Con yêu dấu của Ta" (Mt 3,17). Với phép rửa, Ðức Giêsu chấp nhận và khai mạc sứ mạng của Người tôi tớ đau khổ. Ngài để cho mình bị kể vào số tội nhân. Ngài đã là "Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa bỏ tội trần gian" (Ga 1,29). Tiếng của Cha trả lời cho sự chấp nhận nầy và Thánh Thần ngự xuống. Lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa, cửa trời mở ra và nước được thánh hóa, báo trước cuộc sáng tạo mới sắp bắt đầu.
2. Chúa chịu cám dỗ. Sau phép rửa, Ðức Giêsu vào sa mạc ăn chay 40 đêm ngày. Kết thúc những ngày đó, Xa-tan đến cám dỗ Ngài ba lần. Biến cố nầy có một ý nghĩa cứu độ. Ðức Giêsu là Ađam mới luôn trung thành trong khi Ađam cũ sa ngã. Ðức Giêsu hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của Ít-ra-en trái với những người khiêu khích Thiên Chúa suốt 40 năm trong sa mạc. Ðức Giêsu là Ðấng chiến thắng ma quỷ trong sa mạc. Chiến thắng báo trước chiến thắng cuộc tử nạn.
B. Rao giảng Nước Thiên Chúa.
1. Loan báo: Sau khi Gioan bị bắt, Ðức Giêsu trở về Galilêa, Ngài công bố Tin Mừng của Thiên Chúa đã đến bằng những lời nầy: "Thời k#273;ã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1, 15). Ðể chu toàn ý Chúa Cha. Chúa Kitô đã khai mạc Nước Thiên Chúa nơi trần gian. Chúa Cha tập họp con người xung quanh. Con của Người là Ðức Giêsu Kitô. Cuộc tập họp nầy chính là cộng đoàn Hội Thánh mà Chúa Kitô là trung tâm. Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Trời. Muốn gia nhập phải tuân giữ lời Ðức Giêsu dạy. Tuy thế Nước Thiên Chúa được dành ưu tiên cho: kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi:
- "... để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn". (Lc 4,18).
- "... Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái... nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn". (Mt 11,25).
- "Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi". (Mc 2,17).
Tất cả đều phải tuân theo một điều kiện: Sám hối, nếu không, không thể gia nhập Nước Trời.
1. Dấu chỉ Nước Trời. Ðức Giêsu kèm theo lời giảng của Ngài nhiều dấu lạ điềm thiêng và những dấu chỉ (x. Cv 2,22) để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Ngài, làm chứng Ngài là Ðấng Cứu Ðộ đã được báo trước, và cũng chứng tỏ Ngài được Chúa Cha sai đến. Những dấu chỉ đó mời gọi con người tin vào Ngài, tăng cường niềm tin vào Ðấng thi hành công việc của Cha. Khi thi hành những dấu lạ để giải phóng con người khỏi những đói khát, bất công, bệnh tật, chết chóc, Ðức Giêsu đã thực hiện những dấu chỉ thời cứu độ. Nhưng mục đích của Ngài không phải đến để tiêu diệt sự dữ trần gian mà là giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi.
2. Xây dựng Hội Thánh. Trong việc rao giảng Nước Trời, Ðức Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai và cho tham dự vào sứ mạng của Người: "Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9,2). Trong số đó có ông Phêrô giữ địa vị cao nhất: "Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên đá nầy Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy" (Mt 16,18). Ngài còn trao cho ông Chìa Khóa Nước Trời: "Thầy sẽ trao cho anh Chìa Khóa Nước Trời" (Mt 16,19). Quyền Chìa Khóa chỉ uy quyền để cai trị Nhà Thiên Chúa là Hội Thánh.
3. Biến hình: Khung cảnh bề ngoài của việc biến hình nói lên tầm quan trọng của biến cố: có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện, có các nhân vật đại diện Cựu và Tân Ước, và toàn thể thân xác Chúa Kitô tỏa sáng lạ lùng. Việc biến hình lại đi trước cuộc tử nạn, điều đó cho biết "để đi vào vinh quang" (Lc 24,26) Ngài phải qua thập giá tử nạn ở Giêrusalem. Việc biến hình cho chúng ta hưởng trước vinh quang của Chúa Kitô. Ðấng sẽ "biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Pl 3,12). Nhưng cũng nhắc chúng ta rằng: chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa (x. Cv 14,22).
I. Kết thúc: lên Giêrusalem
"Khi đã tới ngày Ðức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem" (Lc 9,51). Hướng về Giêrusalem Người nói: "một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được" (Lc 13,33). Ngài tránh né tước vị vua trần thế mà người ta muốn trao tặng, nhưng Ngài lại long trọng bước vào thành của "Ða-vít tổ tiên Người" (Lc 1,37) và để cho người ta tung hô như là con vua Ða-vít, hoặc là "vua vinh quang" (Tv 24,7) cưởi lừa (Dcr 9,9) tiến vào thành của mình. Tiếng hô vang của dân chúng: "chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến" đã được Hội Thánh dùng lại trong Phụng Vụ Thánh Thể mở đầu việc tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Chúa. Việc tiến vào Giêrusalem của Ðức Giêsu tỏ rõ việc thành tựu vương quốc mà vị Vua Cứu Thế sắp hoàn tất bằng cuộc Vượt Qua tử nạn và phục sinh. Phụng Vụ Chúa Nhật Lễ Lá của Hội Thánh khởi đầu một Tuần Thánh vĩ đại; giúp nhìn lại biến cố long trọng xưa kia và đồng thời cũng hướng về ngày vinh quang hiển thắng sẽ đến trong thời gian.
II. Lắng nghe tiếng gọi
1. Mỗi năm cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi Ðấng Cứu Thế. Sống lại tâm tình của Dân Chúa chờ mong Chúa đến lần thứ nhất, người tín hữu hâm nóng lại ước vọng nóng bỏng hướng đến cuộc giáng lâm lần thứ hai của Người.
2. Sự vâng phục cha mẹ trần thế của Ðức Giêsu hoàn tất trọn hảo giới luật thứ tư. Nó là hình ảnh về sự vâng phục đối với Cha trên trời của Ngài và là tấm gương cho chúng ta.
3. Mỗi năm, bằng 40 ngày chay tịnh. Hội Thánh sống mầu nhiệm Vượt Qua của Ðức Giêsu. Ðây là dịp thuận lợi để người tín hữu canh tân cuộc sống đức tin của mình.
Bài 14
CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU
(x. SGLC từ 0571 đến 0628)
"Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại" (Mt 16,21). Mầu nhiệm Vượt Qua (Tử nạn và Phục Sinh) của Ðức Giêsu là đỉnh cao trong công trình cứu độ của Thiên Chúa "Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24,26). Vì thế, người tín hữu Kitô phải quan tâm tìm hiểu và suy niệm về khung cảnh lịch sử đã dẫn đến cái chết của Ðức Giêsu, vừa lắng nghe Lời Thiên Chúa để khám phá ý nghĩa của cái chết đó trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
I. Tìm về khung cảnh lịch sử
Cái chết của Ðức Giêsu không phải là chuyện đột xuất, bất ngờ, nhưng là cao điểm của cuộc đối kháng kéo dài giữa Ðức Giêsu và những thủ lãnh tôn giáo Do Thái đương thời: các thượng tế, tư tế, kinh sư và biệt phái. Có thể nhìn cuộc đối kháng đó ở ba khía cạnh:
1. Ðối với Lề Luật.
Trong bài giảng trên núi, Ðức Giêsu đã tuyên bố "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn" (Mt 5,17). Ngài kiện toàn Lề Luật vì Ngài "giảng dạy như một Ðấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (Mt 7,29), như Ðấng có quyền ban bố lề luật chứ không chỉ là những điều khoản ghi khắc trên "bia đá" mà là "bia lòng". Chính vì thế, Ngài chống đối, phê phán và tố giác những hình thức nệ luật và coi đó như sự phản bội Ý muốn của Thiên Chúa (x.Mc 7,13). Nhưng cũng vì thế, mối quan hệ giữa Ðức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo trở nên căng thẳng.
2. Ðối với đền thờ.
Ðức Giêsu dành cho Ðền thánh Giêrusalem sự tôn kính đặc biệt. Nơi đó, Ngài đã được cha mẹ hiến dâng cho Thiên Chúa (x.Lc 2,22-31). Nơi đó, Ngài đã đến hằng năm, trong suốt thời gian sống tại Na-gia-rét (x.Lc 2,41). Cả cuộc sống rao giảng của Ðức Giêsu cũng bắt nhịp với những lần hành hương về Ðền Thánh. Hơn thế nữa, Ngài coi Ðền thánh là nhà của CHA, nhà cầu nguyện. Vì thế, Ngài không thể chấp nhận sự lạm dụng đền thờ, biến đền thờ thành nơi buôn bán, hang trộm cướp (x.Mt 21,13). Trước khi bước vào cuộc tử nạn, Ðức Giêsu đã loan báo đền thờ sẽ bị phá hủy, không còn hòn đá nào trên hòn đá nào (x.Mt 24,1-2) với ý nghĩa: Thời cuối cùng đã đến, nhưng lời tiên báo ấy đã bị xuyên tạc và trở thành lời tố cáo Ðức Giêsu để lên án tử hình cho Ngài. (x.Mc 14,58).
3. Ðối với niềm tin vào Thiên Chúa và vào Ðấng Cứu Ðộ.
Trong khi rao giảng, Ðức Giêsu loan báo Thiên Chúa là CHA, một vị Thiên Chúa khác xa với hình ảnh Thiên Chúa mà nhiều người đạo đức thời đó tin tưởng. Ngài loan báo Thiên Chúa bằng lời rao giảng và bằng cả cách sống của Ngài. Thay vì xa cách người tội lỗi và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Ðức Giêsu lại tìm đến với họ để chia sẻ, nâng đỡ và an ủi như Ngài xác quyết "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn" (Lc 5,32). Hơn thế nữa, Ðức Giêsu còn tỏ mình là Ðấng Cứu Ðộ, đặc biệt khi Ngài thực thi quyền tha tội (Mc 2,5), quyền chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa (Mc 2,7). Ðối với các thủ lãnh tôn giáo đương thời, hành động đó của Ðức Giêsu bị kết án là phạm thượng và sự đối kháng giữa Ngài với họ càng lúc càng gia tăng (Ga 5,18). Tóm lại, sự đối kháng giữa Ðức Giêsu và các thủ lãnh tôn giáo đã gia tăng theo thời gian, cho đến cao điểm là bản án tử hình dành cho Ngài. Họ đã quyết định thủ tiêu Ngài vì "không hiểu biết" (Lc 23,34) vì "cứng lòng" và "bất tín" (Mc 3,5).
II. Ý nghĩa cái chết của Ðức Giêsu trong chương trình của Thiên Chúa
1. Vụ án Ðức Giêsu.
Vụ án Ðức Giêsu là vụ án phức tạp về mặt lịch sử. Không phải tất cả mọi thành phần lãnh đạo tôn giáo đều nhất trí thủ tiêu Ngài. Cũng có "nhiều kẻ tin vào Ngài" (x.Ga 12,42). Tuy nhiên, những người cực đoan đã thắng: Biệt phái đe dọa trục xuất tất cả những ai theo Ðức Giêsu (x.Ga 9,22). Caipha đưa ra lý do biện minh "Thà một người chết thay cho dân, còn hơn toàn dân bị tiêu diệt" (Ga 11,50). Cuối cùng, họ đã dùng bàn tay của đế quốc Rôma để sát hại Ðức Giêsu dưới một tội danh chính trị (x.Ga 19,12). Tuy nhiên, người tín hữu Kitô không thể qui trách nhiệm sát hại Ðức Giêsu cho toàn dân Do Thái, vì chính Ðức Giêsu đã tha thứ cho họ (Lc 23,34) và Hội Thánh hôm nay xác quyết "Mặc dầu quyết định của chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã dẫn đến cái chết của Chúa Kitô, nhưng không thể qui trách cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Ðức Giêsu bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như người Do Thái hôm nay" (NK 4). Ðúng hơn, người Kitô hữu phải khiêm tốn nhìn nhận: chính mình có trách nhiệm trong cái chết của Ðức Giêsu, như thánh Phanxicô Assisi đã nói thật tha thiết "Không phải quỷ ma đóng đinh Ngài, nhưng chính anh em đã và vẫn đang đóng đinh Ngài, khi anh em đắm chìm trong tội lỗi và nết xấu của anh em".
2. Cái chết cứu độ trong chương trình của Thiên Chúa.
Cái chết của Ðức Giêsu không chỉ là chuyện ngẫu nhiên, tình cờ nhưng nằm trong "kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước" (Cv 2,23). Kế hoạch ấy đã được Kinh Thánh tiên báo, đặc biệt là lời ngôn sứ Isaia viết về Người Tôi tớ đau khổ. (x. Is 53, 7-8; Cv 8,32-35). Khi sống lại từ cõi chết, chính Ðức Giêsu đã dùng Kinh Thánh mà dẫn giải cho các môn đệ hiểu về cái chết của Ngài (x.Lc 24,45-46) và thánh Phaolô lập lại lời tuyên xưng đức tin "Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như Lời Kinh Thánh" (1 Cr 15,3). Chương trình ấy là chương trình yêu thương và cứu độ "Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta" (1 Ga 4,10). Vì yêu thương, "đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta" (Rm 8,32) và "Ðấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5,21); nhưng chính nhờ cái chết của Chúa Kitô, "chúng ta được hòa giải với Thiên Chúa" (Rm 5,10), được nên công chính.
3. Chúa Kitô dâng mình cho Thiên Chúa Cha.
Toàn bộ cuộc sống Ðức Giêsu là một hiến tế dâng lên Thiên Chúa Cha, hiến tế của tình yêu vâng phục đối với Cha, cũng là tình yêu cứu độ con người. Khi đến trong cuộc đời nầy, Ngài đến để thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x.Dt 10,5-10) và trọn cả cuộc sống được định hướng bằng Thánh Ý của Cha đến nỗi Ðức Giêsu nói "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Ðấng đã sai Thầy" (Ga 4,34). Ðứng trước cuộc khổ nạn đau thương, nếu một đàng, Ðức Giêsu cảm thấy kinh hãi trước khổ đau nên kêu lên "Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy" thì ngay sau đó, Ngài lại thưa "nhưng chính vì giờ nầy mà Con đã đến" (Ga 12,27) và "Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?" (Ga 18,11). Ðức Giêsu hoàn toàn vâng phục thánh ý của Cha, vâng phục không vì ép buộc nhưng với tất cả tự do "Mạng sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình" (Ga 10,18). Chính vì thế, trong khổ đau và cái chết, nhân tính Ðức Giêsu trở thành khí cụ tự do và tuyệt hảo để Thiên Chúa tỏ bày tình yêu cứu độ cho thế gian. Tình yêu vâng phục ấy vươn tới đỉnh cao trong những ngày cuối đời của Chúa Cứu Thế. Vào đêm Người bị trao nộp. Ðức Giêsu đã biến bữa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm hiến tế Ngài dâng lên Thiên Chúa Cha để cứu độ loài người "Ðây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em... Ðây là Máu Thầy, Máu để lập ra Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26, 39) nhưng vẫn đón nhận trong tâm tình vâng phục "Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha". Chính tình yêu đi đến tận cùng ấy (x.Ga 13,1) đã làm cho hiến tế của Chúa Kitô mang giá trị cứu chuộc và đền tội cho tất cả chúng ta.
4. Ðể cứu chúng ta khỏi tội.
Tại sao những đau khổ và cái chết của một người lại có thể cứu chuộc tất cả chúng ta? Ðó là một câu hỏi thường được đặt ra. Phải quan tâm đến ý niệm của Kinh Thánh về sự liên đới tập thể. Bốn bài ca về Người Tôi Tớ của Isaia (42, 1-4; 49;, 1-6; 50,4-9; 52,13-53, 12) trình bày hình ảnh Người Tôi Tớ được Thiên Chúa chọn để "hiến mạng sống làm của lễ đền tội cho chúng ta". Qua đau khổ, Người Tôi Tớ sẽ công chính hóa nhiều người và sẽ mang lấy tội lỗi của họ. Phụng vụ thứ sáu Tuần Thánh đã lấy lại những lời nầy để nói về Chúa Kitô, và những đau khổ Ngài chịu vì chúng ta. "Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta. Thế mà chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Thực ra, Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngã. Nhưng Ðức Chúa đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta". (Is 53,4-6). Thánh Phaolô đã dùng nguyên tắc liên đới tập thể để giải thích về tội lỗi của loài người và về ơn cứu độ chúng ta trong Chúa Kitô: "Vì một người duy nhất (Ađam) mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn đến mọi người... thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy" (Rm 5,12-15). Không ai trong cuộc đời nầy - dù là người thánh thiện nhất - lại có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và đền thay cho họ. Nhưng Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người. Ðấng vượt trên loài người, đồng thời ôm lấy mọi người trong nhân tính của Ngài và là Ðầu của cả nhân loại, chỉ một mình Ngài có thể cứu độ mọi người. Hiến tế của Chúa Kitô là hiến tế cứu độ duy nhất và quyết định.
5. Và sự cộng tác của chúng ta.
Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta (x.1 Cr 15,3). Nhưng ơn cứu độ của Ngài không biến ta thành những kẻ lãnh nhận cách thụ động, như Thánh Phêrô nói "Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài... " (1 Pr 2,24). Như vậy, người tín hữu phải cộng tác với Chúa Kitô bằng cách dõi bước theo Ngài trong cuộc sống công chính. (x. Pr 2,24). Hơn thế nữa, người tín hữu được mời gọi chia sẻ hiến tế của Chúa Kitô. Ngài đã hành động thay cho ta, đã chết vì ta ngay khi ta còn là tội nhân (x.ra 5,8), nhưng hy tế cao cả của Ngài không làm cho hy tế của chúng ta thành vô ích, trái lại, làm cho chúng trở thành những thực tại cứu độ. Chính vì thế, đối với thánh Phaolô, nhận biết Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ, có nghĩa là chia sẻ những đau khổ với Ngài "Vấn đề là được biết chính Chúa Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người, trong cái chết của Người" (Pl 3,10). Và ngài hãnh diện mà nói "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1,24). Mỗi người tín hữu cũng được mời gọi để mang lấy trong cuộc đời những tâm tình như thế của vị Tông Ðồ dân ngoại.
III. Chúa Kitô xuống ngục tổ tông
Gắn với cuộc khổ nạn và cái chết cứu độ của Chúa Kitô, người tín hữu tuyên xưng trong kinh Tin Kính "Ngài xuống ngục tổ tông".
Ý nghĩa đầu tiên có thể chỉ là chứng thực Ngài đã chết thực sự. Chúa Kitô đã trải qua thử thách cuối cùng của loài người là cái chết (SGLC 632).
Tuy nhiên, lời tuyên xưng còn bao hàm một ý nghĩa khác nữa, đó là công cuộc cứu độ của Chúa Kitô dành cho người công chính đã chết trước khi Ngài đến (SGLC 633). Thánh Phêrô nói đến việc "Chúa Kitô đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm" (1 Pr 3,19) và bài đọc các giờ Kinh phụng vụ Thứ Bảy Tuần Thánh diễn tả "Hôm nay khắp trái đất đều im lặng. Trái đất kinh sợ rồi im hơi vì Thiên Chúa đang nghĩ yên trong xác thịt và đánh thức những kẻ ngủ mê từ muôn thế hệ chuỗi dậy".
Ý nghĩa thứ ba của việc Chúa Kitô xuống ngục tổ tông là lời xác quyết: Tất cả mọi người được cứu độ nhờ cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, mà hiệu quả không bị giới hạn trong thời gian và không gian (SGLC 634-635). Ðây là giai đoạn cuối cùng trong sứ vụ cứu thế của Chúa Kitô: Công trình cứu độ của Ngài trải rộng ra cho mọi người ở mọi nơi và mọi thời. Từ bây giờ trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh nắm giữ "chìa khóa Ðịa ngục và cõi chết" và "Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ÐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA!" (Pl 2,10-11).
Bài 15
ÐỨC GIÊSU SỐNG LẠI VÀ LÊN TRỜI
(x. SGLC từ 0638 đến 0664)
"Chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng nầy: điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta, thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài, khi làm cho Ðức Giêsu sống lại" (Cv 13,32-33). "Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng" (1Cr 15,14). Ðối với Kitô giáo, Ðức Giêsu Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của Ðức Tin, và là tâm điểm đời sống người tín hữu, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng Ðức Giêsu Phục Sinh có thực là biến cố lịch sử không? Tại sao biến cố ấy lại là nền tảng cho đức tin? Và nếu Ðức Giêsu đã sống lại lên trời, Ngài có còn liên hệ đến tôi trong cuộc sống hôm nay không? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra và thúc đẩy chúng ta suy niệm mầu nhiệm nầy trong ánh sáng Lời Chúa.
I. Ðức Giêsu Phục Sinh: Biến cố lịch sử và siêu việt
1. Biến cố lịch sử:
Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết là biến cố có thật, với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Hai yếu tố cần được quan tâm là sự kiện mồ trống và những lần hiện ra của Ðấng Phục Sinh.
Yếu tố đầu tiên là NGÔI MỘ TRỐNG (x.Ga 20; 5-7). Ở tự nó, sự kiện nầy chưa phải là bằng chứng trực tiếp cho việc Chúa sống lại, vì người ta có thể đưa ra nhiều cách giải thích khác (x. Mt 28, 11-15). Tuy nhiên sự kiện nầy đã là dấu chỉ quan trọng, là bước đầu dẫn các môn đệ đến chỗ nhìn nhận Chúa đã sống lại. Thánh Gioan viết: "Ông đã thấy và đã tin" (20,8); nghĩa là ông đã thấy ngôi mộ trống và việc đó đã dẫn ông đến chỗ tin rằng Thầy Mình đã sống lại.
Yếu tố thứ hai là NHỮNG LẦN HIỆN RA của Ðấng Phục Sinh. Khi sống lại từ cõi chết, Ðức Giêsu đã hiện ra với nhiều người: trước hết là bà Maria Mađalêna và các phụ nữ ra mồ từ sáng sớm để hoàn tất việc ướp xác Chúa Giêsu; sau nữa là thánh Phêrô và cả Nhóm Mười Hai. Ngoài ra, thánh Phaolô còn cho biết Ðức Giêsu "đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt. Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ" (1 Cr 15,6-7). Với những chứng từ nầy, chúng ta có thể khẳng định Ðức Giêsu đã sống lại thực sự và đây là biến cố có nền tảng vững chắc. Chính các môn đệ đã không dễ dàng tin vào việc Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, đến nỗi Ðức Giêsu đã "khiển trách các ông không tin và cứng lòng" (Mc 16,14). Nhưng cuối cùng các ông đã tin và mạnh dạn làm chứng cho niềm tin của mình. Niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng như của chúng ta hôm nay được xây dựng trên lời chứng của các ngài, những "chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô" (x. Cv 1,22).
2. Biến cố siêu việt:
Ðức Giêsu đã sống lại. Ðó là sự kiện lịch sử nhưng đồng thời cũng là biến cố siêu việt, là mầu nhiệm đức tin vượt trên lịch sử. Ðức Giêsu sống lại không có nghĩa là Ngài trở lại với cuộc sống trần thế như cũ, để rồi một ngày nào đó lại chết thêm một lần nữa, như con trai bà góa Naim, con gái ông Zairô, hay như Lazarô. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô hoàn toàn khác: Ngài đã ngang qua sự chết mà bước vào cõi hằng sống, vượt trên không gian và thời gian; thần xác Ngài là thân xác tràn ngập quyền năng Thánh Thần, và được chia sẻ sự sống thần linh. Chính vì thế, khi hiện ra với các môn đệ, một đàng Ðức Giêsu vẫn có thể đến trong thân xác cũ, với dấu đinh và cạnh sườn bị đâm thâu (x. Ga 20, 20; 21,9, 13-15); nhưng đàng khác, thân xác ấy lại mang những đặc tính mới; không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, vì Ngài có thể hiện ra lúc nào và thế nào như Ngài muốn, cũng như Ngài có thể hiện ra với nhiều dáng vẻ khác nhau (x. Mc 16,12; Ga 20,14-16). Như vậy sự Phục Sinh của Chúa Kitô vừa là biến cố lịch sử, vừa là biến cố siêu việt. Một đàng các chứng nhân đã đích thân gặp gỡ Ðấng Phục Sinh; nhưng đàng khác không ai tận mắt chứng kiến và cũng không thánh sử nào mô tả cảnh Chúa sống lại. Một đàng phục sinh là sự kiện mang tính lịch sử; nhưng đàng khác phục sinh vẫn là mầu nhiệm đức tin, vượt trên mọi giới hạn của lịch sử.
II. Tầm vóc Cứu Ðộ của mầu nhiệm Phục sinh
Chúa Kitô đã sống lại. Nhưng việc sống lại này không chỉ là công việc của Chúa Kitô, mà là công trình của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi cùng hoạt động, đồng thời biểu lộ tính cách riêng biệt của mình. Phục Sinh được thực hiện trước hết do quyền năng của Chúa Cha (x. Cv 2,24); qua đó Ngài đưa trọn nhân tính của Chúa Kitô vào trong mối hiệp thông hoàn hảo của Ba Ngôi. Chúa Cha thực hiện công trình này qua tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế, thánh Phaolô nói rằng Ðức Giêsu được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng theo Thánh Thần, do việc Ngài từ cõi chết sống lại (x.ra 1,3-4). Về phần Chúa Con, Ngài sống lại vì chính Ngài là Thiên Chúa Quyền Năng, như Ngài đã nói: "Tôi hy sinh mạng sống để rồi lấy lại... Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy" (Ga 1,17-18). Như vậy Phục Sinh là công trình của Ba Ngôi, và là sự can thiệp siêu việt của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Chính vì thế, Mầu Nhiệm Phục Sinh chứa đựng tầm vóc cứu độ lớn lao cho toàn thể nhân loại:
1. Phục Sinh xác nhận Thiên Tính thật của Ðức Giêsu: Phục Sinh chứng tỏ rằng Ðấng chịu đóng đinh chính là Ðấng Hằng Hữu, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa: "Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu" (Ga 8,28). Vì Phục Sinh xác nhận Ðức Giêsu là chính Thiên Chúa, nên Phục Sinh cũng xác nhận tất cả những gì Ðức Giêsu đã làm và đã dạy là Chân Lý Cứu Ðộ, vì Ngài giảng dạy với thẩm quyền của Thiên Chúa. Ðồng thời khi sống lại, Ðức Giêsu đã hoàn tất mọi lời hứa trong Cựu Ước cũng như của chính Ngài. Vì thế, các thánh sử hay dùng thuật ngữ: "đúng theo Kinh Thánh" (x. 1Cr 15,3-4).
2. Phục Sinh ban tặng cho ta đời sống mới: "Như Ðức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Ðời sống mới là chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra, và được thông phần lại vào ơn thánh sủng, nghĩa là ta được công chính hóa. Ðồng thời đời sống mới hoàn toàn tất ơn làm nghĩa tử Thiên Chúa, và làm anh em của Chúa Kitô, không do bản tính tự nhiên của ta, nhưng do hiệu quả của ân sủng Thiên Chúa.
3. Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch sự sống lại của ta. "Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Ðức Kitô cũng được Thiên Chúa cho sống" (1Cr 15,22). Trong lúc đợi chờ sự hoàn tất đó, Ðức Giêsu sống trong lòng mọi tín hữu, khiến họ "không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình" (2 Cr 5,15).
III. Ðức Giêsu lên trời và Ðấng Trung gian
Ðức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại và lên trời. Khi sống lại, Ngài đã nói với Maria Mađalê: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em" (Ga 20,17). Vì thế, ba biến cố: tử nạn, sống lại và lên trời của Ðức Giêsu không thể tách biệt nhau, nhưng liên kết chặt chẽ trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Phêrô đã tuyên bố điều đó: "Ðức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà chết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người sống lại, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lĩnh và Ðấng Cứu Ðộ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội". (Cv 5,30-31). Ðức Giêsu lên trời, nghĩa là Ngài tham dự vào quyền năng và chính uy quyền của Thiên Chúa. Ðức Giêsu là Ðức Chúa, vì thế Ngài nắm mọi quyền hành trên trời và dưới đất, vì Chúa Cha "đã đặt mọi sự dưới chân Ngài" (Ep 1,20-22). Như thế, Ngài là Chúa của vũ trụ và của toàn thể lịch sử (x.Ep 1,10). Ðức Giêsu lên trời và được tôn vinh sau khi đã chu toàn sứ mạng của mình, là một biến cố cứu chúng ta. Vì Ngài đã gửi Thánh Thần đến là Ðấng bảo trợ chúng ta: "Thầy ra đi thì có lợi cho anh em... Thầy gửi Ðấng Bảo Trợ đến cho anh em". (Ga 16,17). Ðức Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, nhưng không xa cách Hội Thánh, xa cách chúng ta, vì Ngài hiện diện sống động hơn nhờ sức mạnh của Thánh Thần, để nâng đỡ... soi sáng, dạy dỗ và làm sáng tỏ những gì Ngài đã nói, và đã làm khi còn sống ở trần gian. Ðức Giêsu là Ðức Chúa, cũng là Ðầu của Hội Thánh. Hội Thánh là Thân Thể của Ngài. Nên khi lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha, Ðức Giêsu vẫn luôn thi hành chức tư tế của Ngài để cầu bầu, và là Ðấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, như thánh Phaolô đã nói: "Ai sẽ kết án họ, chẳng lẽ Ðức Giêsu! Ðấng đã chết, hơn nữa đã sống lại và đang ngự trị bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?" (Rm 8,34). Chúng ta là chi thể của Hội Thánh, và Hội Thánh là Thân Thể của Ðức Giêsu, Ðức Giêsu đã lên trời, và trong niềm hy vọng, chúng ta là chi thể của Ngài, sẽ bước vào trong nước Vinh Quang của Ngài, như lời Hội Thánh hằng tuyên xưng: "Ðức Giêsu là Vua Vinh Hiển! Ðấng chiến thắng tội lỗi và sự chết... lên trời và Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người... không phải lìa xa chúng tôi, là những kẻ yếu hèn, nhưng để chúng tôi là những chi thể của Người được tin tưởng theo Người, đến nơi mà chính Người là Ðầu, và là nguyên thủy chúng tôi, đã đi trước chúng tôi" (Kinh Tiền Tụng Thăng Thiên I).
IV. Sống mầu nhiệm Phục Sinh
1. Phụng vụ đêm vọng Phục Sinh được cử hành hằng năm, diễn tả nội dung của Mầu Nhiệm cách sâu sắc và sống động. Ngọn nến Phục Sinh được thắp lên, tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian. Và ánh sáng cho mỗi người chúng ta đang bước đi trong tăm tối. Ngọn nến ấy sẽ được nhúng vào nước rồi lấy ra, tượng trưng cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết. Rồi sau đó, chính dòng nước ấy sẽ đổ lên đầu những người chịu phép Rửa Tội, để nhờ Chúa Kitô, họ được đời sống mới. Dù đã được rửa tội rồi, ta cần tham dự nghi thức ấy với tất cả ý thức được tin và làm sống lại ơn Chúa khi ta được rửa tội.
2. Chúa Kitô sống lại trở thành Ðấng Hằng Sống, và Ðấng Ðang Sống. Vì Ngài vẫn đang sống nên ta có thể gặp gỡ Ngài. Gặp gỡ Ngài trong cử hành Bí Tích, vì chính Chúa Kitô đang hành động trong Bí Tích. Gặp gỡ Ngài khi đọc và suy niệm Lời Chúa, vì chính Ngài đang giải thích Kinh Thánh cho ta (x.Lc 24,27). Gặp gỡ Ngài nơi anh chị em xung quanh, đặc biệt là những người nghèo khó và đau khổ, vì Ngài đang ở trong họ, và tự đồng hóa với họ (x. Mt 25,40).
Bài 16
ÐỨC GIÊSU SẼ ÐẾN PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT.
(x. SGLC từ 0668 đến 0670)
"Hỡi những người Galilê sao còn đứng nhìn lên trời ? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời". (Cv 1,11). "Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các Thiên Thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm". (Mt 16,27).
I. Ðức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang
Ðức Giêsu đã xuống thế làm người để cứu độ bằng cách loan báo và thiết lập Nước Thiên Chúa, nghĩa là loan báo và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau và với vũ trụ vạn vật. Khi sống lại và về trời là Người đã thiết lập sự hiệp thông ấy cách toàn hảo mà nơi bản thân Phục Sinh của Người (Redempt Missio 16). Người đã được Chúa Cha tôn người "lên trên mọi quyền lực thần thiêng... và đặt Người làm Ðầu toàn thể Hội Thánh" (Ep 1,21-22). Như thế "Nước của Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm trong Hội Thánh" (GH 3) và Hội Thánh là "mầm mống và khởi đầu cho Nước ấy ở trần gian" (GH 5). Chúa Kitô đã thực hiện quyền tối thượng trên vũ trụ nhờ Hội Thánh, chỉ còn chờ đến ngày hoàn tất, là ngày Người trở lại (x.Ep 1,10). Tuy nhiên Nước Thiên Chúa còn phải được loan báo và thiết lập nơi tất cả mọi người, nên còn phải đương đầu với những quyền lực gian ác (x.2 Tx 2,7). Ðây là công trình của tình yêu Thiên Chúa do Chúa Thánh Thần tác động nơi Hội Thánh để mời gọi mọi người đón nhận Nước Thiên Chúa. Vì thế, thời gian giữa hai lần Chúa đến là thời gian để Hội Thánh dấn thân làm chứng cho Nước Chúa, Hội Thánh sẽ phải trải qua những ngày gian nan và đen tối (x.Ep 5,16). Ðây là Mùa Vọng của Hội Thánh, mùa chờ đợi và canh thức (x.Mc 13,33). Nhưng theo kế hoạch của Thiên Chúa, cuộc chiến đấu với quyền lực gian ác sẽ phải kết thúc, và Chúa Kitô sẽ kết thúc cuộc chiến thắng quyền lực gian ác bằng việc phán xét kẻ sống và kẻ chết (x. Kh 20,12). Ðó là ngày Người biểu hiện vinh quang cho toàn thể tạo thành, Ngày Quang Lâm, ngày mà Hội Thánh đang lữ hành luôn tỉnh thức đợi chờ và sốt sắng, cầu nguyện : "Lạy Ðức Giêsu, xin ngự đến" (Kh 22,20).
II. Ðức Giêsu phán xét kẻ sống và kẻ chết
Ðức Giêsu đã phụng mệnh Chúa Cha để xuống thế làm người, thực hiện kế hoạch cứu độ. Vì thế Chúa Cha đã trao "toàn quyền xét xử cho Chúa Con" (Ga 5,22) và đến ngày phải kết thúc công trình cứu độ. Người sẽ đến trong vinh quang để xét xử mọi người. Người sẽ phân biệt dứt khoát Thiện với Ác, như chiên với dê (x.Mt 25,32-33) và Người phơi bày ra ánh sáng mọi điều bí ẩn trong lòng con người (x.Lc 12,2). Người phán xét về việc mỗi người đã tiếp nhận hay chối từ ơn thánh (x.Mt 11,23-24), qua việc họ có sống hiệp thông với Người, với mọi người khác và với vũ trụ vạn vật hay không (x.Mt 25,31-46). Thực ra "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi" (Ga 3,17-18) vì tự ý khước từ Thánh Thần tình yêu (x.Mt 12,32).
III. Bao giờ Ðức Giêsu trở lại trong vinh quang
Ðức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang là điều chắc chắn vì Tân Ước cho biết : "Ðức Giêsu Ðấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời" (Cv 1,11). Nhưng bao giờ Người trở lại ? Sách khải huyền cho biết "Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến" (Kh 22,20). Và Ðức Giêsu đã dạy : "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn. Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt" (Cv 1,7), vì "không ai có thể biết được, ngay cả các thiên thần trên trời hay Người Con cũng không" (Mc 13,32). Nhưng "chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến" (Mt 24,44). Người cũng căn dặn : "anh em hãy coi chừng đừng để ai lừa gạt anh em" (Mt 24,4) vì trước đó Hội Thánh sẽ phải trải qua cuộc chiến đấu và thử thách cuối cùng, nó có thể lung lạc đức tin của nhiều tín hữu (x.Mt 24,6-12). Tuy nhiên đó chỉ là dấu hiệu "quyền lực gian ác đang giãy chết thôi, nó dẫn đưa tới việc Chúa quang lâm, cùng một nghĩa như cuộc Thương Khó kéo theo sự Phục Sinh của Người vậy." Như thế, điểm chính yếu và bức thiết đối với số phận mỗi người không phải là biết ngày giờ Người trở lại, nhưng là thái độ canh thức và kiên trì vượt qua thử thách (x.Lc 21,19). Bởi vì "khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất chăng ?" (Lc 18,8).
IV. Việc Ðức Giêsu trở lại và con người hôm nay
Người Việt Nam thường tin rằng : làm điều thiện hay ác, cuối cùng thế nào cũng có báo ứng tương xứng. (Thiện ác đáo đầu chung hữu báo). Niềm tin này thúc đẩy mọi người lấy đó để răn mình và răn người, biết lo làm lành lánh dữ. Nhưng niềm tin Kitô giáo còn cho biết đầy đủ và rõ ràng hơn rằng : Ðức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét cả mọi người, kẻ sống và kẻ chết, rồi thưởng phạt mỗi người một cách tuyệt đối công minh. Niềm tin nầy càng củng cố thêm niềm tin tưởng của chúng ta, đặc biệt ở hai điểm cụ thể sau đây :
1. Thiện ác sẽ được phân biệt rõ ràng dứt khoát khi Ðức Giêsu trở lại. Tình trạng thiện ác trà trộn lẫn lộn như hiện nay ở trần gian sẽ không còn nữa, và chuyện báo ứng cũng chắc chắn và dứt khoát : "Ai làm thiện sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa và các người lành, ai làm ác sẽ bị kết án để chung sống với kẻ dữ muôn đời" (Mt 25,46).
2. Mỗi người phải biết tận dụng thời gian quí giá hiện tại. Mỗi người đang sống hôm nay phải suy nghĩ và chọn lựa ngay từ bây giờ một lối sống "biết tận dụng thời buổi hiện tại" (Ep 5,16), vì chọn lựa nầy sẽ quyết định số phận vĩnh cửu của chính mình. Chúng ta "không biết ngày và giờ, nên phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt, chúng ta được liệt vào số những người được chúc phúc... chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng sẽ bị đẩy vào lửa đời đời.
Bài 17
CHÚA THÁNH THẦN
(x. SGLC từ 0683 đến 0741)
"Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em" (Ga 14:16-17). "Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x.Ga 17:4) Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Thánh Thần duy nhất (x.Ep 2:18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x.Ga 4:14; 7:38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x.ra 8:10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x.1 Cr 3:16; 6:19). Trong họ Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x.Gl 4:6; Rm 8:15-16:26). Ngài thông đạt cho Giáo Hội toàn thể chân lý (x.Ga 16:13). (GH 4).
I- Nhận biết Chúa Thánh Thần
"Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1Cr 2,11). Nhưng Thần Khí chân lý, Ðấng tỏ lộ cho chúng ta Chúa Kitô lại không nói điều gì về mình. Chúng ta không nghe Người nói, nhưng ta nhận ra hành động của Người. Trong Hội Thánh ta nhận ra Chúa Thánh Thần qua:
- Kinh Thánh mà Ngài linh hứng.
- Thánh truyền mà các giáo phụ là các chứng nhân cụ thể.
- Huấn quyền của Hội Thánh có Ngài tham dự.
- Phụng vụ bí tích: bằng lời nói và biểu tượng; Thánh Thần làm cho chúng ta thông hiệp với Chúa Kitô.
- Lời cầu nguyện, nhờ đó Ngài bầu cử cho chúng ta.
- Ơn đoàn sủng và thừa tác vụ mà Hội Thánh được xây dựng nhờ đó.
- Những dấu chỉ của đời tông đồ và thừa sai.
- Chứng tá của các thánh, qua đó Ngài tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài và tiếp tục công trình cứu độ.
II. Danh xưng và biểu tượng
1. Danh xưng.
Chúa Thánh Thần là tên riêng của Ðấng chúng ta thờ lạy và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh nhận tên ấy từ Chúa Kitô và tuyên xưng Danh ấy trong bí tích thánh tẩy. Từ "Khí" dịch từ tiếng Do Thái Ruah với những nghĩa ban đầu là: hơi thở, khí, gió. Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở Thần linh. Ðức Giêsu khi hứa sai Thánh Thần đến đã gọi Chúa Thánh Thần là "Ðấng Bảo Trợ" (Ga 14,16), thường được dIch là Ðấng An Ủi. Chính Ðức Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là "Thần Chân Lý" (Ga 16,13). Thánh Phaolô gọi Ngài là Thần Khí của lời hứa (x.Gl 3,14), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (Rm 8,15) Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11) Thần Khí của Ðức Chúa (2Cr 3,17) Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9). Còn thánh Phêrô thì gọi là "Thần Khí Vinh Hiển" (1Pr 4,14).
2. Biểu tượng.
a. Nước: Nước có ý nghĩa về hành động của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy. Vì sau lời cầu Chúa Thánh Thần, nước trở nên dấu chỉ hữu hiệu mang lại ơn tái sinh.
b. Dầu: dầu là Thánh Thần có liên hệ mật thiết đến nỗi trở thành đồng nghĩa. Trong nghi thức khai tâm Kitô giáo, dầu là dấu chỉ của Bí tích Thêm Sức. Bí tích trao ban Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Nhưng để có một ý nghĩa xác đáng, cần phải trở lại việc xức dầu, đầu tiên Thánh Thần thực hiện: xức dầu cho Ðức Giêsu. Trong Cựu Ước có nhiều người được xức dầu của Thiên Chúa, nhưng Ðức Giêsu là Ðấng được xức dầu đặc biệt: nhân tính mà Ngôi Con nhận lấy được xức dầu trọn vẹn bởi Thánh Thần.
c. Lửa: tượng trưng sức mạnh biến đổi của tác động Thánh Thần. Lửa từ trời đến biến đổi của lễ của Elia và Ðức Giêsu nói: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất" (Lc 12,49). Một trong những kiểu nói diễn tả hành động của Thánh Thần gợi cảm nhất là: "Ðừng dập tắt Thần Khí". (1Tx 5,19).
d. Mây: tỏ lộ Thiên Chúa hằng sống và cứu độ. Với Môsê trên núi Xinai, ở lều hội họp và đang khi đi trong sa mạc; với Salômôn khi cung hiến đền thờ; khi Chúa biến mình cũng như khi che khuất mắt các tông đồ ngày Chúa về trời, đám mây đều mang một ý nghĩa: Sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng khi Sứ thần nói: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà" (Lc 1,35) thì đám mây nầy chỉ rõ về Chúa Thánh Thần hơn cả.
e. Chim bồ câu: Khi Ðức Giêsu lên khỏi nước trong dịp chịu phép rửa, dưới hình chim bồ câu. Thánh Thần xuống trên Người. Thánh Thần cũng xuống và ở lại trong tâm hồn đã được thanh luyện của người chIu Thánh Tẩy.
III- Chúa Thánh Thần trong lịch sử Cựu Ước
1. Trong việc tạo dựng:
Lời Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài là khởi đầu cho sự hiện hữu và sống động của mọi tạo vật (TV 33,6). Về phần con người, thì Thiên Chúa đã tác tạo nên bằng chính bàn tay Người, là Chúa Con và Chúa Thánh Thần (thánh Irênê).
2. Thần Khí lời hứa:
Bởi tội và sự chết, con người "bị tước mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3,23), nhưng do lời hứa, khi đến hạn kﮠCon Thiên Chúa sẽ phục hồi con người cho đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, bằng cách ban lại cho con người vinh quang của Thiên Chúa là Thần Khí "Ðấng ban sự sống".
3. Trong các cuộc thần hiện:
Truyền thống Kitô giáo luôn nhận rằng trong các cuộc thần hiện. Ngôi Lời Thiên Chúa vừa tỏ lộ vừa che dấu thần tính, qua đám mây Thần Khí.
4. Trong niềm mong đợi Ðấng Cứu Thế:
Khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Kitô đã dùng sách Isaia để nói về chính mình. "Thần Khí Chúa ngự trên tôi" (Is 61,1; Lc 4,18). Trong những thời sau cùng Thần Khí Chúa sẽ đổi mới tâm hồn con người, khắc sâu trong họ lề luật mới; Người sẽ thâu họp và hòa giải những dân tộc tản mác và chia rẽ; Người sẽ biến đổi công cuộc tạo dựng đầu tiên: Thần Khí sẽ sửa soạn cho Chúa "một dân được chuẩn bI sẵn sàng" (Lc 1,17).
IV. Chúa Thánh Thần và đời sống Chúa Kitô
1. Nơi vị Tiền Hô:
Gioan vị tiền hô của Ðấng Cứu Thế "ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần" (Lc 1,15). Nơi Gioan, Thánh Thần hoàn tất việc "chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa" (Lc 1,17). Nơi Gioan, Thánh Thần hoàn tất "việc nói qua các ngôn sứ". Chính Gioan là người làm chứng: "tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người... Người thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 1,32-33).
2. Nơi Ðức Maria:
Thánh Thần đã chuẩn bị Ðức Maria bằng thánh ân của Người. - Nơi Ðức Maria Thánh Thần đã thực hiện chương trình nhân hậu của Chúa Cha. Nhờ và bởi Thánh Thần. Ðức Maria đã thụ thai và sinh hạ người Con Thiên Chúa. - Nơi Ðức Maria. Thánh Thần chứng thực Con của trinh nữ là Con của Thiên Chúa hằng hữu. - Nơi Ðức Maria. Thánh Thần bắt đầu đưa con người vốn được Thiên Chúa thương vào trong mối hiệp thông với Chúa Kitô, đặc biệt là những người bé mọn.
3. Nơi Chúa Kitô:
Tất cả sứ mạng của Chúa Con và Thánh Thần trong thời viên mãn đều gồm tóm trong điều nầy: Chúa Con là Ðấng được Thần Khí Chúa Cha xức dầu tấn phong làm Ðức Kitô. Tất cả công trình của Ðức Kitô là sứ mạng chung của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ðức Giêsu chưa tỏ lộ rõ ràng Chúa Thánh Thần bao lâu Ngài chưa được tôn vinh bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Tuy vậy Ngài gợi ý dần dần ngay từ lúc Ngài dạy dỗ đám đông khi nói thân xác Ngài sẽ là lương thực cho cuộc sống con người. Ngài cũng gợi ý cho Nicôđêmô, cho người thiếu phụ Samaria và cho những người tham dự lễ Nhà tạm. Với các môn đệ, Ngài nói rõ hơn khi đề cập đến cầu nguyện và vai trò chứng nhân của họ. Chỉ khi giờ đã đến, lúc Ngài sắp được tôn vinh, Ðức Giêsu mới hứa gửi Thánh Thần đến vì sự chết và sống lại của Ngài sẽ hoàn thành lời hứa với các tổ phụ. Thần Khí sự thật, Ðấng bầu cử khác, sẽ được Chúa Cha ban theo lời cầu xin của Ðức Giêsu. Khi giờ đến, Ngài trao phó Thần Khí Ngài trong tay Chúa Cha. Và Ðấng chiến thắng khi sống lại từ trong kẻ chết đã ban ngay Thần Khí bằng cách thổi hơi trên các môn đồ.
V. Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh
1. Lễ Ngũ tuần:
Việc đổ tràn Thần Khí ngày lễ Ngũ Tuần hoàn tất công cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô. Việc Ngài đến, đã đem thế giới vào thời buổi sau cùng, thời của Hội Thánh, thời mà Nước Trời đã được lãnh nhận, nhưng chưa hoàn thành.
2. Chúa Thánh Thần, ơn huệ Thiên Chúa:
Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là ơn huệ đầu tiên, chứa đựng mọi ơn huệ khác. "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần ban lại cho những người được rửa tội được giống Thiên Chúa điều họ đã mất vì tội. Nhờ quyền năng của Thánh Thần con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái thần linh (x.Gl 5,22-23). Vì "chúng ta sống nhờ Thánh Thần, nên càng từ bỏ chính mình, chúng ta càng nhờ Thánh Thần mà tiến bước" (Gl 5,25).
3. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh:
Sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần được hoàn thành trong Hội Thánh, thân thể Chúa Kitô và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Sứ mạng chung nầy từ nay nối kết các tín hữu của Chúa Kitô thông hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần chuẩn bị con người bằng ân thánh, và lôi kéo họ về với Chúa Kitô. Ngài bày tỏ cho họ Chúa Phục Sinh, nhắc nhở họ lời của Ngài, mở tâm trí họ hiểu sự chết và sự sống lại của Ngài, hiện tại hóa mầu nhiệm Chúa Kitô, nổi bật trong Bí Tích Thánh Thể, để giao hòa họ và đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa và làm cho họ "sinh nhiều hoa trái" (Ga 15,5,8.16). Như vậy sứ mạng của Hội Thánh không thêm gì vào sứ mệnh Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần nhưng Hội Thánh nhưng Hội Thánh là bí tích cho sứ mệnh ấy: bằng sự hiện diện của mình và bằng mọi phần tử. Hội Thánh được sai đi để rao giảng, làm chứng, hiện tại hóa và lan tỏa mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.
VI. Trong tác động của Thánh Thần
1. Có nhiều điều Chúa Kitô dạy mà các môn đồ quên, hoặc chưa hiểu, khi nào có Thần Khí đến, Ngài sẽ làm sáng tỏ (x.Ga 16,13). Hãy cầu xin Ngài để ta hiểu rõ lời Chúa dạy, hầu đi trong ánh sáng.
2. Trong đời sống cầu nguyện nhiều khi ta không biết phải làm sao cho thích hợp. Hãy chạy đến với Thánh Thần để Ngài trợ giúp, dạy dỗ (x.ra 8,26).
3. Có những điều ta thấy là phải làm nhưng ta lại không làm, ta không đủ can đảm và ơn thánh. Hãy bắt chước Hội Thánh: Khởi đầu một công việc bao giờ cũng thành tâm xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.
Bài 18
HỘI THÁNH
TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ÐỘ CỦA THIÊN CHÚA.
(x. SGLC từ 0748 đến 0801).
"Với ân huệ của Ðấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ. Hội Thánh đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Hội thánh là mầm mống và khai nguyên Nước ấy ở trên trần gian". (GH 5).
I. Danh Xưng
1. Danh xưng:
Từ Hội Thánh (do động từ Hy Lạp ekkalein) nghĩa là một cuộc hội họp. Nó chỉ những cuộc tập họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo. Ðây là từ ngữ thường được dùng trong bản Kinh Thánh Cựu Ước Hy Lạp, chỉ cuộc tập họp dân tuyển chọn trước Thiên Chúa, cách riêng cuộc tập họp ở Xinai của dân Israel để nhận lề luật và được Thiên Chúa thiết lập như dân thánh của Người (x.Xh 19). Tự gọi mình là Hội Thánh, cộng đoàn tiên khởi những người tin Chúa Kitô nhận biết mình thừa kế cuộc tập hợp đó. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa tập hợp Dân Người từ khắp cùng bờ cõi trái đất.
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Hội Thánh chỉ:
- Cuộc tập họp Phụng vụ (x.1 Cr 11,18)
- Nhưng cũng là một cộng đồng địa phương.
- Hay cũng là một cộng đồng các tín hữu toàn cầu.
Ba nghĩa nầy thực tế khó tách rời. Hội Thánh chính là Dân Thiên Chúa được tập hợp trong toàn thế giới. Hội Thánh có mặt tại những cộng đồng địa phương, và thể hiện như một tập hợp Phụng Vụ, đặc biệt khi cử hành Thánh Thể.
2. Biểu tượng:
Mầu nhiệm Hội Thánh quá phong phú không thể diễn tả vắn gọn. Vì thế Kinh Thánh đã dùng nhiều hình ảnh như biểu tượng để diễn tả một thực tại phong phú lạ lùng
- Hội Thánh là chuồng chiên với cửa vào duy nhất là Chúa Kitô.
- Hội Thánh cũng là đoàn chiên mà chủ chăn là Thiên Chúa.
- Hội Thánh là đất trồng, là cánh đồng của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3,9)
- Hội Thánh là công trình xây dựng của Thiên Chúa (x.1Cr 3,9).
- Hội Thánh là nhà Thiên Chúa (x.1Tm 3,15).
- Hội Thánh là Giêrusalem mới.
- Hội Thánh là Giêrusalem trên trời (xGl 4,26).
- Hội Thánh là Hiền Thê không tì vết của Con Chiên (x.Kh 19,7).
II. Nguồn gốc, nền tảng và sứ mệnh của Hội Thánh.
1. Nguồn gốc:
Ðể đào sâu mầu nhiệm Hội Thánh, ta suy niệm trước hết nguồn gốc Hội Thánh trong chương trình của Ba Ngôi cực thánh và việc thể hiện chính mình từ từ trong lịch sử. Bằng sự sắp đặt hoàn toàn tự do và nhiệm mầu của thượng trí và tình thương. Thiên Chúa hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ, nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh. Gia đình của Thiên Chúa được cấu tạo và thể hiện dần dần theo dòng lịch sử. Thực tế từ khởi thủy, Hội Thánh đã được tiên báo bằng hình bóng, chuẩn bị k� diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống và vào ngày tận cùng, sẽ được kết thúc trong vinh quang.
a. Hội Thánh được biểu thị trước từ khởi thủy: Thiên Chúa đã dựng nên thế giới để thông hiệp vào sự sống thần linh, sự hiệp thông được thực hiện bởi việc tập họp mọi người trong Chúa Kitô. Sự tập hợp nầy chính là Hội Thánh.
b. Hội Thánh được chuẩn bị trong Cựu Ước: Cuộc triệu tập dân Chúa khởi đầu lúc tội lỗi tiêu diệt sự hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa và con người với nhau. Sự triệu tập Hội Thánh có thể nói là phản ứng của Thiên Chúa đối lại sự hỗn loạn gây nên bởi tội. Cuộc chuẩn bị xa cho việc triệu tập dân Thiên Chúa nầy khởi đầu bằng việc tuyển chọn Ít-ra-en như dân của Thiên Chúa (x.St 12,2). Các ngôn sứ loan báo một giao ước mới, vĩnh cửu. Chúa Kitô đã thiết lập giao ước đó.
c. Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập: Ðến giờ viên mãn Chúa Con thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ðức Giêsu khởi đầu Hội Thánh khi rao giảng Tin Mừng. Tiếp nhận lời Ðức Giêsu là tiếp nhận Nước Trời, và Hội Thánh là Nước Chúa Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm. Ðức Giêsu đã cho cộng đoàn của Người một cấu trúc sẽ còn tồn tại mãi cho đến ngày hoàn tất Nước Chúa. Trước hết là tuyển chọn 12 môn đồ mà Phêrô là thủ lãnh. Thay mặt 12 chi tộc Ít-ra-en, họ là những tảng đá của Giêrusalem mới. Nhưng Hội Thánh chủ yếu được phát sinh từ sự tận hiến của Chúa Kitô cho phần rỗi chúng ta, được thực hiện trước trong việc thiết lập Bí Tích Thánh Tẩy và thể hiện trên thập giá. Sự khai nguyên và phát triển Hội Thánh được biểu thị bằng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Ðức Giêsu chịu đóng đinh (x.GH 3).
d. Hội Thánh được Chúa Thánh Thần giới thiệu: Khi công trình Chúa Cha trao cho Chúa Con đã hoàn thành trên trần thế, ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần lại được gởi đến để thánh hóa Hội Thánh luôn mãi. Khi đó Hội Thánh công khai xuất hiện trước công chúng. Ðể thực hiện sứ mạng. Chúa Thánh Thần trang bị và hướng dẫn Hội Thánh nhờ ơn phẩm trật và đoàn sủng (x.GH 4).
e. Hội Thánh hoàn tất trong vinh quang. Hội Thánh chỉ được hoàn tất trong vinh quang trên trời (x. GH 48). Hội Thánh sẽ được hoàn thành trong vinh quang nhưng đầy cam go. Khi đó mọi người công chính từ Ađam, Abel đến người cuối cùng được tuyển chọn, sẽ qui tụ trong Hội Thánh toàn thể bên cạnh Ðức Giêsu (x. GH 2).
2. Nền tảng:
Mầu nhiệm Hội Thánh. Hội Thánh ở trong lịch sử nhưng đồng thời lại vượt trên lịch sử. Chỉ với con mắt đức tin chúng ta mới có thể nhìn ra nơi những thực tại hữu hình của Hội Thánh, một thực tại thiêng liêng đầy sức sống thần linh. Hội Thánh vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Hội Thánh đồng thời là
- Xã hội có phẩm trật và nhiệm thể Chúa Kitô.
- Tập họp hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng.
- Hội Thánh trần thế và Hội Thánh được trang điểm bằng những ân điển trời cao.
Những chiều kích nầy cùng làm nên "một thực tại phức tạp bao gồm hai yếu tố nhân loại và thần linh" (GH 8).
3. Sứ Mạng:
- Hội Thánh: mầu nhiệm hiệp thông con người và Thiên Chúa. Kế hoạch của Thiên Chúa: "thâu gồm tất cả nơi Chúa Kitô" (Ep 4,10). Thánh Phaolô gọi cuộc hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là "mầu nhiệm lớn lao" (Ep 5,32). Hội Thánh hiệp nhất với Chúa Kitô như chàng rể.
- Hội Thánh: Bí tích phổ quát về ơn cứu độ. Hội Thánh là Bí tích, nghĩa là dấu hiệu, dụng cụ của Chúa Kitô, nhằm cứu độ mọi người (x. GH 48).
III. Hội Thánh dân Thiên Chúa.
"Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x.Cv 10,35). Tuy nhiên Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm dân của Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần. Tuy nhiên những điều ấy chỉ là hình bóng của giao ước mới là hoàn hảo hơn sẽ được ký kết trong Chúa Kitô. Chính giao ước mới trong máu Ngài. Ngài kêu gọi một dân gồm những người Do Thái và lương dân (GH 9). Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mang trách nhiệm thừa sai và phục vụ, khơi nguồn từ ba chức năng đó.
• Tư tế: khi gia nhập dân Thiên Chúa nhờ đức tin và Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta dự vào ơn gọi tư tế. Chúa Kitô đã tạo nên những tư tế cho Chúa Cha từ dân tộc mới... những người được thánh tẩy, được Thánh Thần xức dầu, để trở thành tư tế thánh thiện (x. GH 10).
• Ngôn sứ: khi dân thánh vĩnh viễn gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh và đào sâu hiểu biết về đức tin họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô giữa thế giới nầy.
• Vương đế: Chúa Kitô thực hiện vương quyền của Ngài khi lôi kéo mọi người đến với Ngài nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Kitô là vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở thành tôi tớ của mọi người, Ngài "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28). Vì vậy với Kitô hữu "cai trị là phục vụ" (GH 36). Dân Thiên Chúa thể hiện phẩm tính vương đế khi sống ơn gọi phục vụ.
IV. Hội Thánh: Thân mình Chúa Kitô.
- Hội Thánh hiệp thông với Chúa Kitô: Từ ban đầu Ðức Giêsu cho các môn đệ tham dự cuộc sống của Ngài: mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời: cho tham dự sứ vụ, niềm vui và những thống khổ của Ngài: Ngài còn mời gọi hiệp thông sâu xa hơn: "Hãy ở lại trong Thầy... Thầy là cây nho, các con là cành" (Ga 15,4-5). "Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy" (Ga 6,56). Hội Thánh không chỉ qui tụ mà còn hiệp nhất trong một thân mình với Chúa Kitô.
- Hiệp nhất giữa các phần thân thể nhờ hiệp nhất với Chúa Kitô. "Trong thân thể nầy sức sống của Chúa Kitô luôn tràn qua các tín hữu" (GH 7). - Chúa Kitô là Ðầu thân thể: Chúa Kitô "là Ðầu của thân thể, nghĩa là Ðầu của Hội Thánh" (Cl 1,18) "Ngài đứng hàng đầu trong mọi sự" (Cl 1,18) chủ yếu là trên Hội Thánh, qua đó Ngài mở rộng vương quốc Ngài.
- Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô: Tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, tức đầu và các chi thể, luôn được diễn tả bằng hình ảnh bạn tình (phu quân và hiền thê) các ngôn sứ đã chuẩn bị và Gioan Tiền Hô đã loan báo chủ đề Chúa Kitô là phu quân (x. Mc 2,19). Thánh Phaolô giới thiệu Hội Thánh và mỗi tín hữu như "hiền thê" đã "đính hôn" với Chúa Kitô để nên một thần trí với Ngài (x. 1Cr 6,15-16).
V. Hội Thánh là đền thờ Chúa Thánh Thần.
"Linh hồn có vai trò đối với thân xác con người thế nào, thì Thánh Thần cũng có vai trò như vậy đối với Hội Thánh, Thân Mình Chúa Kitô" (Thánh Âu tinh). Chính Thần Khí Chúa Kitô, như một nguyên lý ẩn giấu, đã nối kết mọi phần thân thể với nhau cũng như với đầu, vì Ngài hiện diện hoàn toàn nơi đầu, hoàn toàn nơi thân thể, cũng như hoàn toàn trong mọi chi thể. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành "đền thờ sống động của Thiên Chúa" (2Cr 6,16) bởi Ngài hiện diện trong mỗi phần tử và trong toàn thân.
VI. Sống trong Hội Thánh.
1. Hội Thánh là dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không cứu độ con người cách riêng lẻ, nhưng đã qui tụ họ thành một Dân. Ý thức nầy, phải thúc đẩy chúng ta rũ bỏ chủ nghĩa cá nhân trong đời sống đức tin, và sống tinh thần cộng đoàn nhiều hơn. Mỗi người có một trách nhiệm nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung.
2. Công đồng Vaticanô II gọi Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải là người xây dựng sự hiệp nhất, yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.
Bài 19
CÁC ÐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH
(x. SGLC từ 0811 đến 0865)
"Ðức Giêsu nói với Phêrô: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16,18). Hội Thánh tiên khởi đã dùng bốn đặc tính được tuyên xưng trong kinh Tin Kính để tự phân biệt với các giáo phái khác. Bốn đặc tính đó là: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền (x.GH 8). Những đặc tính nầy là hồng ân Chúa Thánh Thần thông ban và chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ đức tin.
I. Hội Thánh duy nhất
1. Ý nghĩa:
• Hội Thánh duy nhất trước hết là do nguồn gốc sâu xa của Hội Thánh. Nguồn gốc đó là Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Vì Thế "Hội Thánh xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (GH 4).
• Thứ đến, Hội Thánh duy nhất là do Ðấng sáng lập, Ðức Giêsu Kitô "đã cùng Thập giá để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể" (MV 78).
• Cuối cùng, Hội Thánh duy nhất là do Chúa Thánh Thần tác động. Ngài "thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu giữa các tín hữu, và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Hội Thánh" (HN 2).
Trên nền tảng đó, Hội Thánh duy nhất vì cùng tuyên xưng một đức tin được đón nhận từ các tông đồ, cùng cử hành một nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa và cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của gia đình Thiên Chúa (x.HN 2). Chúa Kitô là dấu chỉ hữu hình của sự duy nhất nầy, đồng thời "Ngài đã đặt Phêrô làm Thủ Lãnh các tông đồ và nơi Phêrô, Ngài đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình cho sự hiệp nhất và hiệp thông đức tin" (GH 18).
2. Trách nhiệm xây dựng sự hiệp nhất:
Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất. Tuy nhiên, trong dòng lịch sử, người ta lại chứng kiến tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu và đây là gương xấu rất lớn trước mặt thế gian. Những rạn nứt chính thức trong sự hiệp nhất của Hội Thánh gồm có:
- Lạc giáo: cố chấp phủ nhận hay nghi ngờ về một chân lý phải tin.
- Bội giáo: chối bỏ toàn diện đức tin Kitô giáo.
• Ly giáo: từ chối sự tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang thụ quyền Ngài (x.GL 751).
Thể theo nguyện vọng của Ðức Giêsu, Ðấng tha thiết cầu nguyện cho các tín hữu được nên một (x.Ga 17,21), người Kitô hữu phải nỗ lực phục hồi sự hiệp nhất giữa các Hội Thánh Kitô. Chúng ta gọi đó là nỗ lực đại kết. Công Ðồng Vaticanô II thừa nhận các Kitô hữu không công giáo "vì được công chính hóa nhờ đức tin và được tháp nhập vào Chúa Kitô khi chịu Phép Rửa, nên có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được con cái trong Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em" (HN 3). Ðây là trách nhiệm của toàn thể Hội Thánh, tín hữu cũng như chủ chăn (x. HN 5). Sự hiệp nhất đó chỉ có thể có được nhờ canh tân Hội Thánh, hoán cải tâm hồn, cầu nguyện chung, hiểu biết lẫn nhau, cộng tác và đối thoại (x.HN 7).
II. Hội Thánh Thánh Thiện
1. Nền tảng.
Hội Thánh được tuyên xưng là thánh thiện vì "Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần" (GH 39).
Thứ đến, vì Thánh Thần ban cho Hội Thánh dồi dào phương tiện cứu rỗi và sự thánh thiện, đó là việc rao giảng Tin Mừng, các bí tích, các nhân đức luân lý, lòng hy sinh phục vụ tha nhân và các đặc sủng (x.GH 48).
Cụ thể hơn, sự thánh thiện của Hội Thánh đã chiếu tỏa ra nơi vô số các vị thánh đã được tuyên phong và trở thành những gương mẫu cho đời sống thánh thiện.
2. Cuộc lữ hành đức tin.
Sự thánh thiện của Hội Thánh là một hành trình tăng trưởng, một cuộc "lữ hành Vượt Qua", chứ không phải là tình trạng tĩnh tọa an toàn. Vì thế, Hội Thánh vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình, và không ngừng theo đuổi con đường sám hối, canh tân (x.GH 8). Các Kitô hữu luôn được khuyên nhủ "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,22-24). Ðiều nầy chứng tỏ "tất cả chúng ta thường hay vấp ngã" (Gc 3,2) và cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.GH 8). Ðồng thời cũng có nghĩa là mọi người trong Hội Thánh đều được mời gọi nên Thánh, và Ðức Ái là tâm điểm của đời sống thánh thiện "Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái" (GH 40) vì "Ðức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên Ðức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt đến cùng đích. Vì thế, Ðức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô" (GH 42).
III. Hội Thánh Công Giáo
1. Ý nghĩa
Từ "công giáo" ở đây có nghĩa là phổ quát, bao gồm tất cả, toàn thể, và được áp dụng cho Hội Thánh theo hai hướng: Hội Thánh mang tính công giáo vì Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh, và vì có Chúa Kitô hiện diện, nên nơi Hội Thánh có "đầy đủ phương tiện cứu rỗi" (TG 6). Ðồng thời Hội Thánh là công giáo vì Hội Thánh được Chúa Kitô sai đến với toàn thể nhân loại (x. Mt 28,19).
Mỗi Giáo Hội địa phương đều mang đặc tính công giáo, vì "Hội Thánh Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp... Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực của Người, Hội Thánh hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" (GH 26). Ðặc tính công giáo nầy được thể hiện cách hữu hình và hoàn hảo qua việc các Giáo Hội địa phương hiệp thông với Hội Thánh Rôma.
Tất cả mọi người trên trái đất đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo của Hội Thánh, nhưng "họ thuộc về hay hướng tới sự hiệp nhất đó bằng nhiều thể cách khác nhau" (GH 13). Trước hết là các tín hữu công giáo, tức là những người "gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Hội Thánh, những ai lãnh Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Hội Thánh; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Hội Thánh và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục" (GH 14). Tiếp đến là những anh chị em mang danh Kitô hữu nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị thánh Phêrô (x. GH 15). Sau cùng là những anh chị em chưa lãnh nhận Tin Mừng Chúa Kitô, nhưng "cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa" (GH 16). Hội Thánh quan tâm đặc biệt đến anh chị em Do Thái giáo, tiếp đến là Hồi giáo và sau đó là các tôn giáo khác (GH 16).
Trong khung cảnh của Việt Nam nói riêng và Á châu nói chung, miền đất ghi đậm dấu ấn của nhiều truyền thống tôn giáo lâu đời: Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo... chúng ta cần mang lấy tâm tình của Hội Thánh hôm nay, tức là "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó". Bởi vì các tôn giáo đó "cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người" (NK 2). Chính vì thế, "những người vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi". Hơn thế nữa, cả "những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi" (GH 16).
2. Trách nhiệm truyền giáo:
Chính trong ý hướng "công giáo" như đã khai triển, mệnh lệnh truyền giáo xuất hiện với tất cả vẻ thúc bách "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20). Mệnh lệnh ấy bắt nguồn cách sâu xa từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu cứu độ muốn đưa tất cả mọi người vào sự hiệp thông giữa CHA và CON trong THÁNH THẦN tình yêu (x.TG 2). Tình yêu ấy trở thành động lực thúc đẩy Hội Thánh dấn mình vào công cuộc truyền giáo như thánh Phaolô tâm sự: "Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5; 14). Vì nếu Hội Thánh tin vào kế hoạch yêu thương và cứu độ dành cho mọi người, thì Hội Thánh phải là cộng đoàn truyền giáo.
Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong sứ vụ của Hội Thánh. Vì thế, để sứ vụ được hoàn thành. Hội Thánh phải được và phải để cho Thánh Thần đưa dẫn vào nẻo đường Chúa Kitô đã đi: con đường vâng phục và nghèo khó, phục vụ và hy sinh đến độ dám hiến dâng mạng sống, như "hạt lúa gieo vào lòng đất nếu chết đi mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24), và "Máu các Thánh Tử Ðạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu". (Tertulianô).
IV. Hội Thánh tông truyền
Hội Thánh là tông truyền theo ba ý nghĩa căn bản:
- Một là vì Ðức Giêsu thiết lập Hội Thánh kiên vững "trên nền tảng các tông đồ" (Ep 2,20);
- Hai là vì Hội Thánh bảo vệ và truyền thông sứ điệp và chứng tá của các tông đồ (Mt 28, 19,20).
- Ba là vì Hội Thánh được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn nhờ các Ðấng kế vị các tông đồ.
Các Tông đồ được Chúa Phục Sinh sai đi: trước hết đến với con cái Ít-ra-en, rồi đến với mọi dân tộc. Nhờ tham dự vào quyền năng của Chúa Kitô, các ông có thể làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ngài, cùng thánh hóa, lãnh đạo họ, như vậy mở rộng Hội Thánh Ngài ra. Các ông trông nom săn sóc Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20; GH 19).
Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần ở trong mình, Hội Thánh bảo vệ giáo huấn lành mạnh của các tông đồ. Giáo huấn đó làm nên kho tàng phong phú của đức tin (x.2Tm 1, 13-14). Những chân lý nầy được trình bầy rõ ràng và đơn giản trong các lời tiền tụng lễ các Tông đồ: "Cha là Mục Tử hằng hữu, không bỏ rơi đoàn chiên của Cha, nhưng nhờ các Tông Ðồ, Cha vẫn luôn giữ gìn che chở. Cha còn hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các ngài là những vị lãnh đạo Cha đã đặt làm mục tử thay thế Con Cha" (Lời Tiền Tụng các Tông Ðồ I).
Hội Thánh tiếp tục được các Tông Ðồ giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn cho đến khi Ðức Kitô trở lại, nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử là các giám mục, hiệp nhất với Ðấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh. "Nhờ những vị các tông đồ đặt làm Giám mục, và nhờ những đấng kế vị các ngài cho tới ngày nay, truyền thống Tông Ðồ được biểu lộ và duy trì trên khắp thế giới" (GH 20).
Chúa Kitô đã đào tạo các Tông đồ theo hình thức cộng đoàn mà Ngài đã đặt Phêrô, một người được chọn giữa các ngài, làm thủ lãnh (x.GH 19). Ngày nay, Ðức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng: "Hội Thánh hôm nay đồng tâm nhất trí hơn trong việc phục vụ và trong ý thức tông đồ. Sự hiệp nhất nầy phát sinh từ nguyên tắc "lập đoàn"... Chính Chúa Kitô đã trao phó nguyên tắc lập đoàn cho nhóm mười hai tông đồ, đứng đầu là Phêrô và Ngài thường xuyên trao lại cho Ðoàn các Giám mục. Giám mục đoàn không ngừng gia tăng trên khắp địa cầu nhưng vẫn hiệp nhất với người kế vị thánh Phêrô và ở dưới sự hướng dẫn của Ngài" (ÐCC 5).
V. Sống trong Hội Thánh
Theo truyền thống, Hội Thánh được miêu tả do bốn đặc tính căn bản: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mỗi đặc tính nầy vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ liên kết Hội Thánh với Chúa Kitô.
1. Là những người bước theo Chúa Kitô, và là chi thể của thân thể Ngài là Hội Thánh, chúng ta được mời gọi hoán cải tâm hồn để thắng vượt những chia rẽ (ăn rễ nơi lạc giáo, hồi giáo, ly giáo), và nhất là thắng vượt những đối lập, những cạnh tranh, những bất hòa làm sứt mẻ sự hiệp thông của Dân Chúa.
2. Sự thánh thiện của Hội Thánh là hành trình tinh luyện để trưởng thành theo tầm vóc sung mãn của Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống theo chân lý trong tình bác ái và lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðấng là Ðầu, tức là Chúa Kitô, Nhờ Ngài mà toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái (Ep 4,15).
3. Hội Thánh còn là "công giáo"nghĩa là phổ quát, là một hồng ân Thiên Chúa ban vì Hội Thánh được sai đi đem muôn dân về cho Chúa Kitô là Ðầu trong sự hiệp nhất với Thánh Thần của Ngài (x. GH 13). Ðây là một nhiệm vụ, vì tất cả Kitô hữu, không trừ ai, đều được kêu gọi truyền giảng Tin Mừng.
4. Chúa Kitô đã xây Hội Thánh trên nền tảng các Tông đồ (Eph 2,20). Ðặc sủng nầy được tiếp tục để các Giám mục kế vị các Tông đồ. Bản tính tông truyền của Hội Thánh phải được mọi tín hữu thực thi. Họ phải tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ.
Bài 20
TỔ CHỨC HỘI THÁNH
(x. SGLC từ 0871 đến 0933)
"Ðể chăn dắt và phát triển dân Thiên Chúa luôn mãi. Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Hội Thánh, hầu mưu ích cho toàn thân. Thực vậy, các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em mình" (GH 18).
I. Các thành phần trong Hội Thánh
Hội Thánh vừa thiêng liêng vừa hữu hình, phần hữu hình ai cũng có thể thấy được. Ðó là một tổ chức, nghĩa là một tập hợp người, có những chức năng nhất định, với cơ cấu và phương thức hoạt động vì những quyền lợi chung, và nhằm một mục đích chung. Trong tổ chức Hội Thánh mọi người đều được gọi là Kitô hữu hay tín hữu. "Kitô hữu là những người được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, làm thành dân Thiên Chúa; do đó tham dự theo cách thức của mình vào chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Kitô. Họ được mời gọi thi hành sứ mệnh mà Thiên Chúa trao cho Hội Thánh chu toàn trong thế giới, mỗi người theo điều kiện của mình" (GH 31).
"Giữa các tín hữu có các thừa tác viên có chức Thánh được gọi là giáo sĩ, còn các người khác được gọi là giáo dân. Trong cả hai thành phần vừa kể, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa cách đặc biệt trong các Hội Dòng tận hiến, được gọi là tu sĩ" (Giáo Luật 207).
Tuy nhiên cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh không như các tổ chức xã hội ngoài đời "Hễ ai làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân" (Mt 20,25). Cơ cấu của Hội Thánh có Chúa Kitô là Ðầu, là trung tâm điểm, còn các thành phần khác giống như những vòng tròn đồng tâm khác nhau, nhưng tất cả "đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng nầy, họ cộng tác với nhau để xây dựng Thân Thể Chúa Kitô tùy theo điều kiện và chức vụ riêng từng người" (Giáo Luật 208).
II. Phẩm trật trong Hội Thánh
Ðức Giêsu đã thiết lập cộng đoàn Mười Hai Tông Ðồ và đặt thánh Phêrô đứng đầu. Các Giám Mục kế vị các Tông đồ cùng họp thành Giám mục đoàn, có Ðức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô làm đầu. Ðức Giáo Hoàng là giám mục Rôma "Là nguyên lý và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa đông đảo các tín hữu" (GH 23). "Vì là đấng đại diện Chúa Kitô và chủ chăn của toàn thể Hội Thánh nên ngài có quyền tròn đầy, tối cao, và phổ quát để có thể tùy ý hành xử" (GH 22).
Các Giám mục theo phần mình cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Hội Thánh ở địa phương mình. Các ngài được các linh mục và phó tế trợ giúp, Giám mục là thành viên trong Giám mục đoàn, nên không những phải điều khiển tốt Hội Thánh ở địa phương mình, mà còn phải quan tâm đến tất cả các Hội Thánh địa phương khác nữa (x. GH 23). Giám mục đoàn "Có quyền bính tối cao và tròn đầy trên toàn Hội Thánh, nhưng quyền ấy chỉ được thi hành khi có sự chấp thuận của Giám mục Rôma" (GH 22).
Các giáo sĩ gồm giám mục, linh mục và phó tế. Các ngài được chọn lựa và thiết lập để bảo đảm cho dân Thiên Chúa có các chủ chăn, và được tăng trưởng không ngừng. Các ngài nhận những tác vụ khác nhau trong Hội Thánh và trở thành thừa tác viên có chức thánh, hầu mưu ích cho toàn thân thể (x. GH 18). Vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Ðầu, nhận lãnh tác vụ và quyền bính để phục vụ như "tôi tớ của Chúa Kitô" (Rm 1,1), và thi hành tác vụ của mình trong một cộng đoàn, giám mục trong Giám mục đoàn, linh mục trong Linh mục đoàn. Sau hết mỗi vị cũng hành động với tư cách cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ðấng đã kêu gọi và trao quyền cho từng vị.
III. Tác vụ của Giáo sĩ
1. Giảng dạy:
"Việc rao giảng Phúc Âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của Giám mục. Giám mục là những người rao truyền đức tin, đem nhiều môn đệ mới về với Chúa Kitô. Giám mục là những tiến sĩ đích thực, nghĩa là có uy quyền của Chúa Kitô, rao giảng cho những kẻ được trao phó cho các ngài" (GH 25). Cũng thế, "các Linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người: Phúc Âm của Thiên Chúa" (LM 4).
Ðức Giáo Hoàng thủ lĩnh giám mục đoàn, được hưởng ơn vô ngộ khi lấy tư cách là chủ chăn và thầy dạy tối cao để công bố một giáo thuyết về đức tin và phong hóa bằng một phán quyết chung cuộc. Giám mục đoàn cũng được hưởng ơn vô ngộ khi đồng thanh giảng dạy không những trong Công Ðồng chung, mà cả khi các ngài thông hảo với nhau và với Ðấng kế vị Phêrô để giảng dạy những giáo lý về đức tin và phong hóa (x.GH 25).
2. Thánh Hóa:
Giám mục có "trách nhiệm phân phối ơn thánh của Kitô, vị Tư Tế Tối Cao" (GH 26), đặc biệt trong bí tích Thánh Thể. Giám mục và linh mục thánh hóa Hội Thánh bằng kinh nguyện và việc làm, bằng thừa tác vụ Lời Chúa và các bí tích, bằng gương sáng "đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã trao phó cho" (1Pr 5,3).
3. Ðiều hành:
"Các giám mục điều khiển Hội Thánh riêng biệt của mình như vị đại diện và khâm sứ của Chúa Kitô, bằng lời khuyên dạy, khích lệ, gương sáng, nhưng cũng bằng uy thế và bằng thi hành quyền thánh nữa" (GH 27). Tuy nhiên, các ngài phải thi hành quyền để xây dựng, và với tinh thần phục vụ như Thầy mình (x.Lc 22,26-27), trong sự hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu, dưới sự hướng dẫn của Ðức Giáo Hoàng.
IV. Giáo dân và sứ mệnh
Giáo dân là toàn bộ các Kitô hữu không thuộc thành phần có chức thánh hoặc tu sĩ, họ được tháp nhập với Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, hội nhập vào dân Thiên Chúa, được tham dự chức năng ngôn sứ, tư tế, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.
Giáo dân thực thi sứ mệnh của toàn Dân Chúa trong Hội Thánh và thế giới. Sứ mệnh của họ là "Tìm kiếm Nước Thiên Chúa ngay trong chính việc quản trị và sắp đặt các sự việc trần thế theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội... để như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới... hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ" (GH 31).
Một cách cụ thể, giáo dân:
1. Tham gia vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô bằng việc Phúc Âm hóa, "nghĩa là loan báo Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá và bằng lời nói". Ðặc biệt trong đời sống hôn nhân và gia đình, trong sinh hoạt nghề nghiệp và những dấn thân xã hội khác (x.GH 35). Những giáo dân có khả năng và được đào tạo còn có thể góp phần trong việc dạy giáo lý (GL 774), dạy các khoa học thánh (GL 229), và trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội (GL 823).
2. Tham dự vào chức vụ tư tế cộng đồng của Chúa Kitô, để làm cho "mọi hoạt động, kinh nguyện, công việc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, việc làm ăn thường ngày, việc giải lao cho tâm trí cũng như thể xác và mọi thử thách của cuộc sống... trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô" (GH 34), và hiến lễ đó được liên kết với việc dâng lên Chúa Cha. Như thế "giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi bằng đời sống thánh thiện của mình" (GH 34).
3. Tham dự vào chức vụ vương giả của Chúa Kitô, khi họ "chiến thắng ách thống trị của tội lỗi nơi mình, bằng một đời sống từ bỏ mình và thánh thiện" (GH 36).
• "Khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, họ phải góp sức làm cho chúng trở nên lành mạnh, phù hợp với tiêu chuẩn của đức công bình... như thế họ làm cho những giá trị luân lý thấm nhập vào văn hóa và các công trình của loài người". (GH 36).
• "Khi họ cảm thấy ơn gọi hoặc được mời gọi cộng tác với các chủ chăn để phục vụ cộng đoàn Hội Thánh, bằng cách thi hành những tác vụ khác nhau tùy theo ơn huệ và đặc sủng mà Chúa trao ban (EN 11), chẳng hạn Hội nghị giáo phận (GL 463), Hội đồng mục vụ (GL 511).
• Khi họ biết "phân biệt đâu là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, xét theo là phần tử của Hội Thánh và xét theo là phần tử của xã hội loài người. Rồi họ cố gắng hòa hợp cả hai loại quyền lợi và nghĩa vụ đó bằng cách nhớ rằng lương tâm Kitô giáo phải hướng dẫn họ trong mọi lãnh vực trần thế"(GH 36).
V. Ðời Thánh Hiến
Ðây là bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Hội Thánh, nhưng cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Hội Thánh (x. GH 44). "Ðặc điểm của đời thánh hiến chính là việc tuyên khấn ba lời khuyên trong một bậc sống cố định được Hội Thánh chấp thuận" (GH 43). Ðời thánh hiến giống như một cây sinh nhiều chi nhánh xum xuê, đã phát sinh nhiều lối sống khác nhau như:
1. Ðời sống ẩn tu:
Các vị ẩn tu không tuyên khấn công khai giữ ba lời khuyên, nhưng hiến dâng cuộc đời để ca tụng Thiên Chúa và cứu độ thế giới bằng việc sống tách biệt hẳn khỏi trần thế, trong thinh lặng cô tịch, trong cầu nguyện liên lĩ và hãm mình (GL 603).
2. Các trinh nữ:
Từ thời các Tông Ðồ đã có các trinh nữ, là những tín hữu được Chúa mời gọi sống trọn vẹn gắn bó với Người (x.1Cr 7,34-36) để tất cả trái tim, thân xác và tinh thần được tự do hơn, họ đã quyết định sống trong bậc đồng trinh vì Nước Trời (x.Mt 19,12), quyết định được Hội Thánh chấp thuận.
3. Ðời sống dòng tu:
Phát sinh từ Ðông phương và những thế kỷ đầu, đời sống dòng tu khác với những hình thức sống thánh hiến ở khía cạnh phượng tự, tuyên khấn công khai giữ các khuyên Phúc Âm, sống chung với nhau trong tình huynh đệ, làm chứng về sự hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x.GL 607).
4. Các tu hội đời:
Là tu hội sống đời thánh hiến, trong đó các tín hữu sống các lời khuyên Phúc Âm giữa đời để tiến tới Ðức Ái toàn hảo, và nỗ lực góp phần thánh hóa đời, nhất là từ bên trong (GL 710), theo kiểu men trong bột.
5. Các tu đoàn Tông Ðồ:
Cũng là hội dòng tận hiến nhưng không có lời khấn dòng và chỉ theo đuổi mục tiêu tông đồ riêng của tu đoàn. Họ sống chung trong tình huynh đệ theo lối sống đặc thù của họ, và tiến tới Ðức Ái toàn hảo bằng việc tuân giữ hiến pháp của Tu đoàn (GL 131).
Như thế, những người hiến thân cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, đã được thánh hiến nhờ bí tích Thánh Tẩy, lại được thánh hiến thâm sâu hơn để phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ lợi ích của Hội Thánh, "nên họ có bổn phận làm việc truyền giáo đặc biệt hơn theo thể chế của họ" (GL 783). Ðời thánh hiến xuất hiện như dấu chỉ đặc biệt của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ, và dầu chứng tá của đời sống ấy có công khai hay kín đáo hoặc bí ẩn nữa, thì việc Chúa Kitô quang lâm vẫn là cội nguồn và là Vừng Ðông cho cuộc sống thánh hiến của họ (x.GH 44).
VI. Giáo Hội Việt Nam trong lòng dân tộc
Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn đường hướng mục vụ là "Sống Phúc Âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" (Thư Chung 1980). Muốn đạt mục đích đó, Giáo Hội Việt Nam phải nỗ lực để trở thành:
1. Một cộng đoàn các tín hữu sống hiệp thông đích thực với Thiên Chúa để có thể hiệp thông với nhau chân thành hơn. Hiệp thông với nhau nhưng không đồng hóa (hòa nhi bất đồng), không k?hị, cục bộ, tự tư tự lợi, cá nhân chủ nghĩa; và để hiệp thông với cả vũ trụ vạn vật nữa, không lãng phí tài nguyên, không gây ô nhiễm môi sinh, không sử dụng của cải vào mục tiêu xấu. Ðồng bào ta sẽ căn cứ vào sự hiệp thông như trên để nhận ra ta là môn đệ đích thực của Chúa Kitô (x.Ga 13,35).
2. Một cộng đoàn hiệp thông chỉ để phục vụ cách khiêm tốn, không theo thói "thủ lãnh các dân và những người làm lớn" quen có những hình thức hách dịch, quan liêu, cửa quyền (x.Mt 20,25), nhưng theo gương Chúa Kitô luôn "hiền lành và khiêm tốn" (Mt 12,29), "không để cho người ta phục vụ, nhưng để phục vụ mọi người" (Mt 20,28), nhất là phục vụ những người nghèo khổ, bất hạnh, bị xã hội bỏ rơi.
3. Một cộng đoàn hiệp thông với đông đảo anh chị em thuộc các tôn giáo bạn. Luôn ý thức mình chỉ là một thiểu số trong dân tộc, không thể dửng dưng, khép kín; nhưng sẵn sàng đối thoại, tôn trọng, hợp tác trong tất cả những gì ích nước lợi dân, xóa dốt giảm nghèo, xây dựng một nếp sống và lối diễn tả đức tin có bản sắc dân tộc hơn (x. Thư Chung Mục vụ 1992). Ngày nay, hiệp thông là một trong những dấu chỉ hùng hồn nhất và là một trong những đường lối hữu hiệu nhất để phục vụ Phúc Âm (x.KHGD 64).
Bài 21
LƯỢC SỬ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM
"Cây có cội, nước có nguồn". Sức sống của Hội Thánh hôm nay là thành quả của hơn 400 năm hạt giống Tin Mừng được gieo trồng. Cũng là thành quả của hơn 300 năm cây đức tin được vun xới và phát triển, hơn ba trăm năm Hội Thánh chia sẻ muôn nỗi thăng trầm của quê hương, và cũng là hơn 300 năm chan hòa hồng ân Thiên Chúa. ".Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình... " (Trích Thư Chung HÐGMVN 1980, số 17).
I. Có những người ra đi gieo giống...
1. Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi (Thế kỷ XVI).
Những tiến bộ của ngành hàng hải giúp Christophe Comlomb đến được Mỹ Châu năm 1542, cũng đã nối dài những bước chân truyền giáo của các thừa sai vượt đại dương, đến quê hương Việt Nam, Năm 1533, theo Khâm Ðịnh Việt Sử (33,6b), chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai tây phương tên I-Ni-Khu, lén theo đường biển vào truyền đạo tại làng Ninh Cường, và làng Trà Lũ. Tiếp theo là dấu chân rao giảng của các linh mục dòng Ða Minh: Năm 1550, cha Gaspar De Santa Cruz đến giảng đạo tại Hà Tiên; Năm 1588, hai cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte bị vua Chiêm Thành hãm hại tại Quảng Nam. Trước đó, năm 1583, do lời mời của nhà Mạc, các linh mục dòng Phaxicô đã đến Bắc Hà. Cha Bartôlômêô Ruiz đã giảng đạo bằng tranh ảnh tôn giáo. Sự kiện nổi bật cuối thế kỷ XVI (1591) là việc trở lại của công chúa Mai Hoa (Maria Flora) tại Thanh Hóa, do linh mục Ordonez. Hiện nay tại An Trường (Thanh Hóa) vẫn còn một nền nhà thờ và một giếng Da-tô do công chúa cho đào (1).
Người tín hữu đầu tiên. Dựa vào gia phả nhà họ Ðỗ, cụ Ðỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa, được coi là tín hữu Việt Nam tiên khởi. Cụ đi sứ và được rửa tội tại Macao thời vua Lê Anh Tôn (1573), nhưng con cái không ai theo đạo (2).
2. Và những người đầu tiên
Việc các cha dòng Tên, dưới sự điều hành của cha Buzomi đến Cửa Hàn, Quảng Nam, năm 1615, đã khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử truyền giáo. Thừa hưởng kinh nghiệm "hội nhập văn hóa" của cha Matcô Ricci tại Trung Hoa và Valignanô tại Nhật Bản (3), các vị quan tâm đặc biệt đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt, và giảng đạo bằng tiếng Việt. Thế là chỉ trong vài chục năm, Tin Mừng đã đi vào văn hóa Việt Nam.
Các tín hữu Việt Nam tiên khởi đã đóng góp vai trò rất lớn lao trong công trình ấy. Ngoài việc giúp các thừa sai học tiếng, các vị còn phiên dịch kinh sách và giáo lý ra chữ Nôm để phổ biến. Sử sách còn nhắc đến cụ nghè Giuse, sư cụ Manuel giúp cha Pina ở Quảng Nam, đến cụ Gioan Kim giúp cha Ðắc Lộ ở An Vực (Thanh Hóa) (4) và những vần thơ văn của công chúa Catarina: "lịch sử đạo Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế... ". "... Thơ văn đó được các người có đạo truyền tụng nhau, họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, ở ngoài đồng hay lúc đi đường" (5). Phần lớn những văn dâng hoa cổ và cung giọng ngắm "15 sự thương khó" hiện nay, cũng đã xuất phát từ giai đoạn nầy.
Nếu người ta quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành chữ quốc ngữ trong giai đoạn nầy, được ổn định năm 1651, khi cha Ðắc Lộ cho xuất bản tại Rôma tự điển Việt-Bồ-La, sách văn phạm An Nam và cuốn song ngữ "Phép giảng tám ngày" (6); thì cũng đừng quên những tác phẩm tôn giáo bằng chữ Nôm; thừa sai Majorica với 48 tác phẩm về suy niệm và hạnh các Thánh; một giáo hữu Quảng Ngãi là Gioan Thanh Minh với 15 thi phẩm về tiểu sử các Thánh; và nhất là linh mục Lu-y-Ðoan với tập thơ lục bát "Sấm truyền ca" (1670) viết lại truyện Cựu Ước, với nhiều điển tích và thành ngữ Á Ðông (7).
Cộng tác với thừa sai, còn có một đội ngũ đông đảo các tín hữu Việt Nam, hiến toàn thân cho việc tông đồ, đó là các thầy giảng. Các thầy tuyên khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời thầy bề trên (lớp đầu tại Kẻ Chợ, Hà Nội năm 1630); (tại Cửa Hàn Quảng Nam năm 1643). Các thầy giảng hỗ trợ các thừa sai trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa, khi các ngài bị trục xuất hoặc vắng mặt.
Những chứng nhân đức tin đầu tiên:
• Tại Ðàng Ngoài: Năm 1630, anh Phanxicô, dù bị chủ là một hoàng thân cấm đoán, vẫn tiếp tục chôn xác người chết, nên bị giam, tra tấn và bị giết.
• Tại Ðàng Trong: Năm 1644, Thầy Anrê Phú Yên bị bắt tại nhà cha Ðắc Lộ. Dù bị quan quân đe dọa, thầy không bỏ đạo, nên bị chém đầu, trên môi còn mấp máy Danh Ðức Giêsu.
Nói về tín hữu Việt Nam thời này, cha Ðắc Lộ viết: "... Ðiều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó, bao nhiêu người Công Giáo là bấy nhiêu Thiên Thần, và ơn Phép Rửa đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta gặp thấy ở các Tông Ðồ và các Thánh Tử Ðạo tiên khởi..."(8).
II. Trong tình yêu chăm sóc của Hội Thánh toàn cầu (1659-1960)
Năm 1622 là khúc ngoặc quan trọng trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh. Trước những lạm dụng của các vị vua Bảo Trợ, Tòa Thánh lấy lại quyền điều hành việc truyền giáo, và thiết lập Thánh Bộ Truyền Bá Ðức Tin (1622), Thánh Bộ đã kiểm tra lại toàn bộ sinh hoạt truyền giáo trên thế giới, và cung cấp nhiều phương tiện truyền giáo như: mở nhà in đa ngữ, hỗ trợ tài chính, gửi các sách phụng vụ và giáo lý, lập chủng viện Urbano 1627, để đào tạo các chủng sinh ở các miền truyền giáo gửi về, lập ra chức Giám quản Tông Tòa cho các giám mục miền truyền giáo, trực thuộc Tòa Thánh. Phương pháp truyền giáo ở các nơi đều phải tuân theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ, dựa trên bản Huấn Thị 1659, với những chỉ thị tích cực: "Các thừa sai phải được huấn luyện theo luật bác ái Tin Mừng, biết thích nghi với phong tục và tính tình người khác... Công việc trước mắt của chư huynh là đưa những người địa phương, xứng đáng lên chức linh mục và cả giám mục nữa... Hãy rao giảng cho tín hữu bổn phận trung thành với chính quyền... Ðừng đưa vào nước họ đất nước của mình, mà là Ðức Tin, Ðức Tin này không hề khai trừ hay làm tổn thương những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào cả... "(9).
Cũng năm đó, ngày 9-9-1659. Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận trên đất Việt, và đặt hai Giám Quản Tông Tòa đầu tiên:
- Giáo phận Ðàng Trong: từ sông Gianh trở vào, với Ðức cha Lambert de la Motte.
- Giáo phận Ðàng Ngoài: từ sông Gianh trở ra, với Ðức cha Francois Pallu.
Trải qua ba trăm năm (từ 1659-1960). Hội Thánh Việt Nam đã phát triển trong sự chăm sóc của nhiều đơn vị thừa sai; với sự đóng góp rất lớn lao của các linh mục và tu sĩ Việt Nam; đã đồng hành cùng dân tộc trong mọi biến cố, và đã tích cực làm chứng cho niềm Tin bằng nhiều hoạt động bác ái phục vụ, cũng như bằng chính cả mạng sống mình.
1. Những vòng tay thân ái.
Nằm trong sự điều hành chung của Thánh Bộ Truyền Giáo, tuổi thơ của Hội Thánh Việt Nam đã được biết bao trái tim và bàn tay các tín hữu khắp bốn phương săn sóc và dưỡng nuôi: Các nhà truyền giáo tại Việt Nam, linh mục hoặc tu sĩ nam nữ, thuộc nhiều quốc tịch như Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Ðức, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Ðại, Hoa KﬠTrung Hoa... Các ngài đã sẵn sàng từ bỏ quê cha đất tổ, để đến hoạt động tại Việt Nam, và ước nguyện được phục vụ Tin Mừng trên giải đất nầy. Các ngài đã chấp nhận nếp sống thiếu thốn tiện nghi, cư ngụ trong các mái nhà tranh vách đất, chịu đựng khí hậu nóng bỏng của vùng nhiệt đới, chấp nhận cả những ngược đãi, hiểu lầm. Trong những tập thể đóng góp nhiều công sức nhất cho chúng ta có ngày hôm nay, phải kể đến Hội Thừa Sai Paris, Dòng Ðaminh, Dòng Tên, và Dòng Phanxicô.
Hàng ngàn thành viên Hội Thừa Sai Paris đã đảm nhiệm toàn bộ khu vực địa phận Tây Ðàng Ngoài (nay là các địa phận Hà Nội, Vinh, Hưng Hóa, Phát Diệm và Thanh Hóa), và khu vực địa phận Ðàng Trong (nay là 15 địa phận thuộc giáo tỉnh Huế và Sài Gòn) suốt 300 năm, trước khi giao lại cho hàng Giáo phẩm Việt Nam.
Tương tự như thế là dòng Ða Minh với địa phận Ðông Ðàng Ngoài (nay là các địa phận Hải Phòng, Bùi Chu, Bắc Ninh, Thái Bình và Lạng Sơn), với 243 thừa sai Tây Ban Nha và 134 linh mục Dòng người Việt.
Ngoài ra Dòng Tên, sau 1659 vẫn còn một số thừa sai hoạt động tại Ðàng Trong đến năm 1783, và Ðàng Ngoài đến 1802. Riêng Dòng Phanxicô, với hơn một thế kỷ (từ 1719-1834), đã thiết lập thêm hàng trăm giáo xứ mới tại miền Trung và miền Nam. Từ năm 1862, khi vua Tự Ðức chấp thuận cho việc giảng đạo, số các Dòng Tu đến trên giải đất hình chữ "S" này ngày càng nhiều, và đảm nhiệm những sinh hoạt ngày càng đa dạng.
• Dòng Nữ có các Dòng: Phaolô thành Chartres (1860), Dòng kín Cát minh (1862), Chúa Quan Phòng (1976), Ðức Bà Truyền Giáo (1924), Vinh Sơn Phalô (1925), Nữ Tá Quốc Tế, Biển Ðức và Tiểu Muội (1954), Nữ tu Ðấng Chăn Chiên Lành (1958), Con Ðức Mẹ Phù Hộ Salêsian và Nữ Tỳ Đức Giêsu - Mẹ Maria (1961), tu hội Dâng Truyền (1964) và dòng Phalô Thiện Bản (1974).
• Dòng Nam có các Dòng: Lasan (1866), Ðaminh Lyon (1902), Chúa Cứu Thế (1925), Phanxicô (1928), Tu hội Xuân Bích (1933), Ðan viện Xi-tô Mỹ Ca (1933), Biển Ðức (1935), Gioan Thiên Chúa (1952), Don Bosco (1952), Tiểu Ðệ Ðức Giêsu (1953), Lagiariste (1954), Dòng Tên (1957), Ðức Mẹ Người nghèo (1970) và Dòng Thánh Thể (1971).
Ngoài ra chúng ta không thể quên những "đồng xu mỗi tuần" của hàng triệu tín hữu khắp nơi, tham gia vào các Hội Truyền Bá Ðức Tin ở Lyon (1822), Hội Thánh Nhi (1843) nhằm giúp trẻ em miền truyền giáo, và Hội Thánh Phêrô (1893) giúp các chủng viện truyền giáo. Cũng không thể quên, đàng sau các nhà truyền giáo là tập thể các Dòng tu quốc tế, sẵn sàng yểm trợ các chương trình từ thiện, tặng học bổng... Và cũng thế, làm sao quên được hàng triệu các thân hữu, và ân nhân khắp hoàn cầu, mỗi ngày dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh Việt Nam.
2. Ðảm nhận vận mệnh chính mình.
Ðọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, người ta thấy ngoài vai trò của các thừa sai nước ngoài, việc phát triển của Hội Thánh đã nhờ vào chính những người Việt thiện chí và hăng say, dâng hiến trọn cuộc sống cho Nước Trời, đưa Tin Mừng đến khắp các hang cùng ngõ hẻm, và nuôi dưỡng đời sống đức tin cho anh em mình, đó là các linh mục và tu sĩ Việt Nam.
a. Hàng giáo sĩ Việt Nam. Năm 1668, đức cha Lambert đã đặt tay truyền chức cho bốn linh mục tiên khởi tại Juthia, Thái Lan là: Cha Giuse Trang, cha Luca Bền, (thuộc Ðàng Trong) cha Bênêđictô Hiền, Gioan Huệ (thuộc Ðàng Ngoài) và năm sau, thêm bảy tân linh mục khác thuộc Ðàng Ngoài. Chín linh mục Ðàng Ngoài đã cùng với Ðức Cha Lambert và ba thừa sai, họp Công Ðồng đầu tiên của Hội Thánh Việt Nam tại phố Hiến, tháng 2-1670. Các vị đã cùng nhau đưa ra một chương trình hoạt động, chia giáo xứ, chọn thánh Giuse làm bổn mạng, và ấn định việc đào tạo chủng sinh qua tổ chức nhà Ðức Chúa Trời. Với tổ chức Nhà Ðức Chúa Trời, từ nay, mỗi giáo xứ ổn định đều trở thành một "tiểu chủng viện" ươm trồng ơn gọi. Những người có khả năng sẽ được chọn gởi vào chủng viện, hoặc vào trường Kẻ Giảng để trở thành linh mục hoặc thầy giảng. Chính nhờ đó, Hội Thánh Việt Nam không bao giờ thiếu linh mục, kể cả trong những giai đoạn bách hại gay go nhất, khi toàn bộ các thừa sai bị trục xuất. Không kể các chủng viện liên địa phận tại Juthia (1665), Pondichéry, Ấn Ðộ (1769-1782), và Pénang, Mã Lai Á (từ 1807), đã có biết bao linh mục xuất thân từ các chủng viện:
- Miền Nam tại Hà Tiên (1776) dời lên Tân Triều, Biên Hòa (1778), rồi Mỹ Tho (1783), và Lái Thiêu (1789-1832).
- Miền Trung tại Thợ Ðúc, Huế (1739-50), rồi Bình Ðịnh, mới đầu ở Dinh Cát (1782), sau ở Hòa Ninh (1784) và An Ninh (1801-20).
- Miền Bắc có chủng viện Nghệ An (1685). Kẻ Lô (1697). Kiên Lao (1683), Kẻ Cốc, Bắc Ninh (1684), Lục Thủy, Bùi Chu (1686) và Kẻ Bùi (1773).
Sau này, mỗi địa phận mới được thành lập, lại đi kèm với các chủng viện mới. Thống kê sau đây cho ta thấy mức phát triển của hàng giáo sĩ Việt Nam qua các giai đoạn: 43 linh mục năm 1700, 119 vị năm 1800, 385 vị năm 1900, 1158 vị năm 1933 và năm 1963 số linh mục Việt Nam đã lên đến 2018 (393 linh mục Dòng) (10).
b. Các dòng tu Việt Nam (thế kỷ XVII - XIX). "Hội Thánh Việt Nam từ thuở khai nguyên, đã được Thiên Chúa ban cho một quà tặng quý báu là Dòng Mến Thánh Giá, như một cánh tay hữu hình của Chúa Kitô, để cộng tác với Hội Thầy Giảng, hàng giáo sĩ bản quốc, và các quý chức xây dựng nhiệm thể Chúa Cứu Thế..." Dòng Mến Thánh Giá là hội dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Châu và hướng hẳn về việc truyền giáo cho lương dân. Quả thực, ngay từ đầu năm 1670 (thứ tư Lễ Tro), Ðức Cha Lambert đã nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula, tại Kiên Lao; đã soạn thảo và ban hành hiến pháp Dòng. Năm sau, ngài thiết lập thêm một cộng đoàn tại Quảng Ngãi. Kể từ đó, dần dần nữ tu Mến Thánh Giá có mặt trên các miền đất nước, giữ ba lời khấn, sống cộng đoàn và liên kết với nhau: giáo dục giới trẻ về văn hóa và đức tin, phục vụ bệnh nhân, bảo vệ trẻ thơ và góp phần thăng tiến nữ giới bằng giáo dục và hướng nghiệp (12). Năm 1854, Ðức Cha Retord Liêu đã gửi tin về Châu Âu: "Dòng Mến Thánh Giá có 72 nhà, 1600 chị em; và đã rửa tội hơn 51.000 trẻ em hấp hối" (13).
Tại miền Truyền giáo thuộc dòng Ðaminh, ngoài các nữ tu Mến Thánh Giá, còn có đông đảo các chị em Ðaminh Dòng Ba Sống Chung. Kể từ thời cha chính Bustamante Hy, nhà phước Ðaminh đầu tiên được lập ở Trung Linh năm 1715. Về tinh thần, chị em học theo gương Thánh Phụ Ðaminh vác các Thánh Dòng; về tổ chức, chị em như một tu hội có lời khấn tư, còn về hoạt động thì tương tự các nữ tu Mến Thánh Giá(14). Thống kê của cha chính Alonso Phê năm 1780 cho biết trong khu vực Ðaminh có 5 nhà Mến Thánh Giá (48 dì) và 12 nhà nữ Ðaminh (178 dì). Ðến năm 1933, số nữ tu Ðaminh tại bốn địa phận Dòng là 780 (15).
Cuối thế kỷ XIX nhiều Dòng tu mới đã được thành lập tại Việt Nam:
• Dòng Nam gồm có: Kitô Vua, Cái Nhum (1870), Sư huynh Thánh Tâm Huế (1925), Thánh Giuse Nha Trang (1926), Qui Nhơn (1928), Ðức Mẹ Ðồng Công (1953); các tu hội: Nhập Thể Tận Hiến (1969), Thánh Gia Long Xuyên (1970), Nhà Chúa (1971), Ðắc Lộ (1957), Gioan Tiền Sử (1974), Truyền Giáo Cần Thơ (1963), Gia đình Na-Gia (1964). Riêng Dòng Phước Sơn được lập năm 1920, đã gia nhập gia đình Xitô năm 1934, được nâng lên thành chi dòng Thánh Gia năm 1964 (gồm các Ðan viện Phước Sơn 1920, Châu Sơn 1936, Phước Lý 1952, Châu Sơn Ðà Lạt 1957 và Châu Thủy Bình Tuy 1972).
• Dòng Nữ gồm có: Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm (1920), Con Ðức Mẹ Thăm Viếng (1937), Con Ðức Mẹ Mân Côi (1946), Nữ Tu Ảnh Phép lạ Kontum (1947), Trinh Vương (1953), Khiết Tâm Nha Trang (1961), Tu hội Nữ Tỳ Đức Giêsu Linh Mục (1966, thành hội dòng 1987), Con Ðức Mẹ Bình Thủy Cần Thơ (1967), Nữ Vương Hòa Bình (1969, Ban Mê Thuộc), Tu hội Nhập Thể Tận Hiến (1969). Ngoài ra còn một số tu hội thử nghiệm như: Tôi Tá Thánh Linh, Nữ T?hánh Tâm, Nữ Tá Truyền Giáo, Nữ Tu Lasan, Nô T?hiên Chúa, Nữ tu Thánh Thể, Chúa Hài Ðồng, và một số các Gia Ðình Bác Ái (Foyers de charité).
3. Dấn thân phục vụ con người
Với tỷ lệ nhỏ nhoi trong cộng đồng dân tộc (16), Hội Thánh thực ra chỉ tham gia một phần nào với sự nghiệp chung của đồng bào. Thế nhưng, Hội Thánh vẫn canh cánh bên lòng mối bận tâm phục vụ cho công cuộc con người ngày càng tươi sáng, tiến bộ và bình an, đã để lại những chứng tá tập thể đặc biệt về mặt an sinh, giáo dục và bác ái từ thiện.
Góp phần vào sự sống còn của quê hương, đã có không ít tín hữu tham gia quân đội của Tây Sơn, nhiều người còn giữ những vị trí chỉ huy (17). Trong phong trào yêu nước thời cận đại, sử sách ghi lại danh tính nhiều nhân vật, như linh mục Ðặng Ðức Tuấn, như Nguyễn Trường Tộ, linh mục Nguyễn Ðiều, Ðội Vũ, Lãnh Phiên, thầy già Mai, lão Bang, hoặc các linh mục Ðầu Quang Lĩnh, Nguyễn Tường, Nguyễn Thần Ðồng... (18). Các vị đã đóng góp phần tim óc để "Hiến Bình Tây Sách" để "Tế cấp luận", và đóng góp phần xương máu trên những chặng đường dài đầy chông gai, để dành độc lập cho dân tộc.
Trong hướng an sinh, các tín hữu cùng nhịp bước với mọi người trong bối cảnh kinh tế khó khăn: từ những đoàn người đông đảo theo chân cụ Nguyễn Công Trứ đến lập cư tại Tiền Hải, Kim Sơn, Thái Bình; cho tới những đoàn người theo kế hoạch của Chúa Nguyễn, đến an cư lập nghiệp ngay từ giai đoạn đầu Môi Xuy, Biên Hòa (19). Rồi qua những năm tháng lịch sữ, tương tự những đan việc thời Trung Cổ làm nên những làng mạc Âu Châu, các linh mục đã dẫn dân đi "lập trại" biến những khu vực hoang vu thành khu dân cư đông đảo, sinh hoạt sầm uất.
Trong lãnh vực giáo dục và xã hội, hầu như bất cứ nhà thờ hay tu viện nào cũng kèm theo trường học và tổ chức bác ái từ thiện, như những lớp miễn phí, những bệnh viện hoặc trạm xá, xin đan cử một thống kê của các địa phần miền Trung và miền Nam vào năm 1969 (20). Các nhà thờ và dòng tu đã đảm nhiệm tất cả:
- 1030 trường tiểu học, với 345.756 học sinh (25% không công giáo).
- 226 trường trung học, 152.928 học sinh (46% không công giáo).
- 41 bệnh viện, với 7.000 giường.
- 239 trạm phát thuốc, 36 nhà hộ sinh, 29 nhà dưỡng lão.
- 9 trại phong, với 2.500 bệnh nhân.
- 82 cô-nhi-viện chăm sóc 11.000 em.
Dĩ nhiên những con số ấy cũng chưa nhiều, nhưng cũng đủ nhắc nhở người tín hữu hôm nay, theo cách thế của mình, nối tiếp vào truyền thống mục vụ ấy.
4. Lớn lên trong thử thách
Trước hiểm họa thực dân Pháp, triều đình Nhà Nguyễn phải chọn một trong hai con đường: hoặc là tiến hành cải cách trong nước , mở rộng bang giao để bảo toàn chủ quyền; hoặc là chìm đắm trong chính sách thủ cựu, tự cô lập, cố gắng duy trì chế độ quân chủ chuyên chế lạc hậu. Và triều đình đã chọn con đường thứ hai: dùng những điều luật hà khắc để trừng trị mọi hành vi bị coi như là chống đối, và thi hành những chính sách cấm đạo Giatô ngặt nghèo (21). Phân tích lý do việc cấm đạo là trách nhiệm của khoa lịch sử, trong khi đó, 14 chỉ dụ cấm đạo từ 1833-1862 là một thực tế lịch sử (22).
Và, chính giữa bối cảnh khó khăn đó, niềm tin của người Kitô hữu được thanh luyện. Khi mà việc giữ đạo chẳng đem lại cho họ một lợi tức nào cụ thể, số Kitô hữu vẫn tiếp tục gia tăng, từ 320.000 năm 1800, lên 426.000 năm 1855. Số địa phận từ 3 nâng lên thành 8 địa phận năm 1850, và 13 địa phận năm 1933.
Trong số những người đổ máu đào minh chứng cho niềm tin: 117 vị đã được suy tôn chân phước trong 4 đợt: Ðức Lêô XIII suy tôn 64 vị năm 1900; Ðức Piô X suy tôn 8 vị năm 1906, và 20 vị năm 1909; Ðức Piô XII suy tôn 25 vị năm 1951. Thành Phần gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 1 chủng sinh, 14 thày giảng và 44 giáo dân. Tất cả đã được Ðức Gioan Phaolô II suy tôn Hiển Thánh ngày 19-6-1988.
Các địa phận mới được thành lập trước 1933:
• Tại Ðàng Ngoài: Vinh (1864), Bùi Chu (1848), Bắc Ninh (1833), Hưng Hóa (1895), Phát Diệm (1901), Lạng Sơn (1913), Thanh Hóa (1932).
• Ðịa phận Ðàng Trong: năm 1844 được chia thành 2 địa phận Ðông (Qui Nhơn) và Tây (Sài Gòn) tách ra thêm các địa phận Huế (1950), Nam Vang (1950) và Kontum (1932). Năm 1933, Hội Thánh Việt Nam có Giám Mục tiên khởi là Ðức Cha J.B. Nguyễn Bá Tòng, khởi sự cho giai đoạn mới, giai đoạn tiến triển đến trưởng thành.
III. Hội Thánh Việt Nam thời trưởng thành
Việc thành lập hàng giáo phẩm địa phương, vốn là ước vọng của Thánh Bộ Truyền Giáo ngay từ bản huấn thị 1659, nhưng trong thực tế, phải đến thế kỷ XX mới thành sự thật. Năm 1846, Ðức Piô IX đã đưa ra những chỉ thị rất cụ thể: "Phải hủy bỏ tập tục chỉ chấp nhận một hàng giáo sĩ bản xứ phụ thuộc. Những người làm việc Tin Mừng, dù thuộc xứ nào, đều bình đẳng" (23). Sau đó, Ðức Lêô XIII đã đẩy công việc nhanh hơn bằng cách lập các Tòa Khâm Sứ, trước tiên là tại Ấn Ðộ (1884) rồi đến Hoa Kỳ và Canada (1898). Ðến thời Ðức Piô XI, Việt Nam có Tòa Khâm Sứ tại Huế năm 1925. Chính dưới thời Ðức Piô XI, nhiều quốc gia thuộc miền truyền giáo có Giám mục: Ấn Ðộ (1923), Trung Hoa (1926), Nhật Bản (1927) và Việt Nam (1933). Ðặc biệt kỳ đó, Tòa Thánh không chỉ hỏi ý kiến các thừa sai, mà cả ý kiến các linh mục Việt Nam tại Sài-gòn năm 1925, và tại Huế 1930. Kể từ đây sinh hoạt của các Hội Thánh Việt Nam linh động hẳn lên: đón nhận nhiều Dòng Tu quốc tế, thành lập và cải tổ các Dòng Tu trong nước, số linh mục Việt ngày càng đông đảo, số địa phận ngày càng gia tăng. Các địa phận mới được thiết lập là: Thái Bình (1936), Vĩnh Long (1938), Cần Thơ (1955) và Nha Trang (1957).
1. Ngày lịch sử 24-11-1960
Qua Tông Hiến Venerabilium Nostrorum, ngày 24-11-1960, Ðức Gioan XXIII đã thiết lập thêm ba địa phận mới là Ðà Lạt, Mỹ Tho và Long Xuyên, tuyên bố thiết lập ba Giáo Tỉnh (Hà Nội, Huế, Sài-gòn) và bổ nhiệm các Giám Mục chính tòa. Số giáo phận tại Việt Nam lúc này là 20, được phân chia như sau: Hà Nội 10, Huế 4 và Sài-gòn 6. Ðứng đầu ba Giáo Tỉnh là ba Tổng Giám Mục Giuse Trịnh Như Khuê, Phêrô Ngô Ðình Thục và Phaolô Nguyễn văn Bình. Chỉ trừ hai giáo phận Nha Trang (Ðức Cha Piquet Lợi), và Kontum (Ðức Cha Seitz Kim), 18 Giáo phận còn lại đều do các giám mục Việt Nam phụ trách. Việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam năm 1960 quả là một bước ngoặc đáng ghi nhớ. Hạt giống Tin Mừng đã được gieo trồng suốt bốn thế kỷ, nay đơm bông kết trái trong bối cảnh Công Ðồng Vatican II đã đưa người người tín hữu Việt Nam vào trào lưu chung của Hội Thánh toàn cầu: trở về nguồn Tin Mừng và canh tân thích nghi với thời đại; cởi mở và đối thoại với mọi nền văn hóa, cùng chung âu lo và hy vọng với mọi người, để dấn thân phục vụ xã hội ngày càng đa dạng và phong phú hơn.
2. Nhìn lại một chặng đường ...
Sau 1960, năm địa phận khác được thành lập là Ðà Nẵng (1963), Xuân Lộc (1966), Phú Cường (1966), Ban Mê Thuộc (1967) và Phan Thiết (1975), nâng tổng số giáo phận Việt Nam hiện nay lên 25 địa phận (Hà Nội 10, Huế 6, Sài Gòn 9). Tính đến tháng 6-1992, Việt Nam đã có tất cả 67 giám mục (32 vị đã được Chúa gọi về). Từ năm 1975, trong bối cảnh đất nước thống nhất, Hội Thánh Việt Nam ở hai miền Nam Bắc được xum họp một nhà. Kể từ 1980, Ðại hội các Giám Mục toàn quốc đã được tiến hành hằng năm, và Hội Thánh Việt Nam khẳng định ý muốn là "Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào" (X. Thư chung 1980).
Nhìn lại lịch sử hơn 300 năm, như Mẹ MARIA, người tín hữu Việt Nam cất cao lời ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa, vì khi quay nhìn quá khứ với cặp mắt đức tin, ta nhận ra Chúa hằng hiện diện và đồng hành với Hội Thánh trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, dù lúc chan hòa ánh sáng hay bóng tối đong đầy. Nhìn lại lịch sử hơn 300 năm, người tín hữu Việt Nam cũng ý thức rằng đức tin mà mình lãnh nhận, đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi và nước mắt; hơn nữa bằng cả máu đào của tiền nhân. Vì thế, phải hết sức trân trọng, gìn giữ và phát huy đức tin ấy bằng cả cuộc đời. Hơn thế nữa, nếu đức tin là hồng ân đã lãnh nhận xuyên qua gian khổ của tiền nhân, người tín hữu Việt Nam hôm nay phải tiếp tục công trình của cha ông trong nỗ lực truyền giáo, để tinh thần Phúc Âm được thấm nhập vào mọi thực tại xã hội, và quê hương Việt Nam thân yêu được phát triển theo hướng đi của Nước Trời, Nước Công Chính, Yêu Thương và An Bình. MARANATHA, Lạy Chúa GIÊSU, Xin Ngài Ðến (Kh 22,20).
CHÚ THÍCH:
1. C.A. Poncet: la Princesse Marie, Bulle des Amis du Vieux Huế tháng 2-1941, tr. 351-358.
2. Xin coi Hồng Lam, Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, Huế 1944, giải thích của Cadière tr. 124-138.
3. Các cha Dòng Tên đã xuất bản tự điển Bồ Hoa năm 1588, và tự điển La-Bồ-Nhật năm 1595.
4. Nguyễn Hồng, Lịch Sử truyền giáo ở Việt Nam I, Hiện Tại 1959 tr. 68-76; 105-118.
5. Ðắc Lộ, Lịch sử xứ Ðông Kinh, Lyon 1651, tr. 164.
6. Nhờ việc xuất bản năm 1651 này, cha Ðắc lộ vẫn được coi là Ông Tổ của chữ quốc ngữ. Thực ra, chính ngài trong lời dẫn của tập sách, đã nhắc đến công khởi sự của cha Pina, đến hai cuốn tự điển được soạn tại Macao của cha G.Amaral (tự điển Việt-Bồ) và cha Ant. Barbosa (tự điển Bồ Việt). Trong các tài liệu người Việt viết chữ quốc ngữ có hai lá thư của Bentô Thiện và Igessiô Văn Tín (1659) và "Truyện nước Annam Ðàng Ngoài chí Ðàng Trong" của linh mục Bỉnh viết tại Lisbone năm 1822 (x. Võ Long Tê, Lịch Sử Văn Học CGVN, Sài-gòn 1965 tr. 127 và 206 - Phan Phát Huờn, Việt Nam giáo sử I, Sài-gòn 1965, tr 138-139).
7. Võ Long Tê, Sđd tr. 170-183.
8. Nguyễn Hồng, Sđd tr. 122
9. ÐC Bùi Tuần, Ơn trở về, Ðồng Nai 1991 tr. 15-16
10. Việt Nam Công Giáo Niên Giám 1964 tr. 156-157 và 504-505
11. Trích văn kiện châu phê Dòng MTG của ÐTGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, 27.02.1990.
12. Luật tiên khởi II, 2-5. Xc Hiến chương Dòng MTG, Ð. 96 tr. 86.
13. Tam bách chu niên từ khi lập Dòng MTG, Sài-gòn 1970 tr.5.
14. Angelo Walz OP. Compendium Historiae Ordinis Praedica-torum, đoạn 127.Các Giám Mục Ðaminh thường gửi thư luân lưu chung cho hai Dòng, vì như ÐC Alonso Phê viết ngày 13-7-1791: "Vậy lề luật chị em Hãm Mình (Ðaminh), và lề luật chị em Mến Câu Rút (MTG) dù khác nhau mặc lòng, song cũng tóm lại sự hãm mình cả. Vì kẻ Mến Câu Rút thì phải Hãm Mình, và kẻ hãm mình cho được phúc thì phải hãm mình vì Mến Câu Rút ...."
15. Bùi Ðức Sinh, Ðaminh trên đất Việt I, tr 115; II tr. 127-156.
16. Theo thống kê: - 1855 số tín hữu 426.000 tỷ lệ 4% - 1907 số tín hữu 872.400 tỷ lệ 7% - 1933 số tín hữu 1.297.000 tỷ lệ 9.9% - 1963 số tín hữu 2.388.000 tỷ lệ 8.27% - 1990 số tín hữu 4.342.000 tỷ lệ 6.86%
17. Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa. UBKHXH 1988, Mạc Ðường tr. 69-70.
18. Như trên, bài Chương thâu tr. 103-117.
19. Launay, Histoire Générale de la Société des Missions Etrangères, Paris 1894. II tr. 125. ÐC Labbé viết năm 1710 rằng: "Người Việt đến Ðồng Nai khoảng 40 năm trước. Trong số 20.000 người di cư, theo tôi có ít nhất 2.000 giáo dân".
20. Linh mục nguyệt san 1970 số 105, tr. 618-619.
21. x. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 11, nxb Giáo Dục 1991, tr. 147-150.
22. Một số vấn đề lịch sử đạo TC. UBKAXH 1988, tr,150-157.
23. Collectanea S.C de Propaganda Fide, t.I tr. 541-545.
Bài 22
HIỆP THÔNG GIỮA CÁC THÁNH
(x. SGLC từ 0946 đến 0962)
"Hết thảy mọi người chúng ta, từng cấp bậc và cách thức khác nhau, đều hiệp thông trong cùng một đức mến Chúa yêu người, cùng hát lên một bài ca chúc tụng vinh quang Thiên Chúa chúng ta." "Vì tất cả những ai thuộc về Chúa Kitô và nhận lãnh Thánh Thần của Ngài, đều họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài (Ep 4, 16). Bởi vậy sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã an nghĩ trong bình an của Chúa Kitô không hề bị gián đoạn" (GH 49). Khi dâng Thánh Lễ, bao giờ cộng đoàn tín hữu cũng dâng lời cầu nguyện cho Hội Thánh tại thế, đồng thời hướng tâm hồn đến những anh chị em tín hữu đã qua đời và cộng đoàn các Thánh trên trời. Cử chỉ ấy diễn tả cách gần gũi và sâu sắc mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính. Mầu nhiệm này vừa nói lên mối hiệp thông giữa những người thánh (sanctis) vừa diễn tả sự hiệp thông trong các của thánh (sancta) và hướng dẫn người tín hữu sống chiều kích Hội Thánh, vì Hội Thánh chính là hiệp thông.
I. Hiệp Thông Ân Huệ
Thiêng Liêng Sách Công Vụ Tông Ðồ mô tả sinh hoạt của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên "Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng... Tất cả các tín hữu hiệp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung" (Cv 2, 42-44). Cộng Ðoàn ấy là mẫu mực của một Hội Thánh sống mầu nhiệm hiệp thông:
- Hiệp thông trong Ðức Tin, dựa vào giáo huấn của các Tông Ðồ.
- Hiệp thông trong Ðức Ái, chia sẻ với nhau của cải vật chất, đến nỗi "Không ai phải thiếu thốn" (Cv 4,34) và cả của cải thiêng liêng, vì "Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang thì mọi bộ phận cùng vui chung" (1Cr 12,26). Sự thánh thiện hay tội lỗi của một người đều ảnh hưởng đến cả cộng đoàn.
- Hiệp thông trong đời sống bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, bí tích dưỡng nuôi và hoàn thành mối hiệp thông trong Hội Thánh.
- Hiệp thông trong Cầu Nguyện, nhờ có lãnh nhận các ân huệ Thánh Thần nhưng mọi ân huệ đều nhằm xây dựng lợi ích chung (1Cr. 12,7; GH 12).
II. Hiệp thông giữa các Thánh
Trong cùng một Hội Thánh "có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi trần thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh, đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi như Ngài hằng có" (GH 49). Nhưng dù ở tình trạng nào, tất cả đều chia sẻ cùng một lòng yêu mến Thiên Chúa, và tha nhân, cùng là môn đệ Chúa Kitô và cùng được Thánh Thần hướng dẫn, nên tất cả họp thành một Hội Thánh duy nhất và liên kết với nhau trong Ngài.
Chính vì thế, người tín hữu hướng tâm hồn lên Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần và toàn thể các Thánh trên trời. Hướng lên các ngài để "ngắm nhìn đời sống những người đã trung thành bước theo Chúa Kitô và khám phá ra một lý do mới thúc đẩy ta tìm kiếm Thành Thánh tương lai" (GH 50). Ðồng thời để xin các ngài cầu thay nguyện giúp vì "Các Thánh không ngừng cầu bầu cho ta bên Chúa Cha... Các ngài đã phục vụ Chúa trong mọi sự và hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, hầu mưu ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24). Do đó, với tình huynh đệ các ngài lo lắng giúp đỡ chúng ta rất nhiều vì chúng ta yếu hèn" (GH 49).
Cũng trong mối hiệp thông ấy "Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, Hội Thánh lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu nguyện cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho những người đã chết để họ được giải thoát là một ý nghĩ lành thánh" (2 Mcb 12, 46; GH 50). Lời cầu nguyện ấy không những giúp đỡ người đã chết được giải thoát khỏi tội lỗi, nhưng chính chúng ta cũng được hưởng nhờ lời chuyển cầu của các ngài.
III. Sống Mầu nhiệm Hiệp thông
1. Lòng mộ mến.
Người tín hữu Việt Nam có lòng mộ mến các Thánh cách đặc biệt. Tuy nhiên sự mộ mến đó nhiều khi lại được thể hiện bằng những hình thức thái quá, đôi khi còn mang tính vụ lợi và lạm dụng. Vì thế cần phải ý thức rằng "việc tôn kính các Thánh đích thực không hệ tại nhiều ở những việc bề ngoài cho bằng ở cường độ tình yêu tích cực của chúng ta" (GH 51). Ðồng thời việc tôn kính các Thánh "không làm suy giảm sự tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, nhưng phải làm cho sự tôn thờ ấy thêm phong phú hơn (Ga 13,35)
2. Noi gương.
Noi gương cộng đoàn tín hữu đầu tiên, người tín hữu cần thể hiện tinh thần hiệp thông ngay trong cộng đoàn mình đang sống, qua cử hành phụng vụ, qua sự đoàn kết yêu thương, qua sự chia sẻ của cải thiêng liêng cũng như vật chất. Cuộc sống hiệp thông đó của cộng đoàn cũng là phương cách tốt nhất để giới thiệu và làm chứng Tin Mừng Ðức Giêsu "Ở điểm nầy, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).
Bài 23
ÐỨC MARIA LÀ MẸ HỘI THÁNH
(x. SLGC từ 0963 đến 0972)
"Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh, và cũng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng. Ngài thật là Mẹ chúng ta" (GH 61). Thiên Chúa nhân hậu và khôn ngoan khi muốn thực hiện công việc cứu chuộc thế giới vào thời cuối cùng, "đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà" (Gl 4,4), và Người Con đó "đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria" (Kinh Tin Kính). Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục trong Hội Thánh, là thân thể Chúa Kitô. Trong thân thể này, Ðức Maria có mặt như một chi thể trổi vượt, liên kết mật thiết với Ðầu, và hằng yêu thương, bảo vệ hướng dẫn các chi thể khác là các tín hữu, với lòng của người mẹ hiền.
I. Ðức Maria là mẹ Hội Thánh
1. "Khi sứ thần truyền tin, Ðức Trinh Nữ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem Sự Sống đến cho Thế gian" (GH 53). "Như thế, Ðức Maria, con cháu Ađam, vì chấp nhận lời Thiên Chúa, đã trở nên Mẹ Ðức Giêsu" (id 56). Mẹ đã liên kết mật thiết với Con từ lúc thưa tiếng "Xin Vâng" trong ngày truyền tin, kéo dài đến lúc Chúa Kitô chết trên thập giá. "Như thế, Ðức Trinh Nữ cũng đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, trung thành hiệp nhất với Con cho đến bên thập giá, là nơi mà theo ý Thiên Chúa, Ngài đã từng ở đó" (Ga 19,25). Ðức Maria đã đau đớn chịu khổ cực với Con Một của mình và dự phần vào hy lễ của Con, với tấm lòng của một người mẹ hết tình ưng thuận hiến tế hy vật do lòng mình sinh ra. Và cuối cùng chính Ðức Giêsu Kitô khi hấp hối trên thập giá, đã trối Ngài làm mẹ của môn đệ qua lời này: Thưa bà, này là con Bà" (Ga 19,36-27; GH 58).
Sau khi Ðức Giêsu lên trời, Ðức Maria đã ở giữa các Tông đồ, như người Mẹ "giữa một đàn em đông đúc" của Ðức Giêsu (Rm 8,29), Con của Mẹ. Người cùng cầu nguyện với Hội Thánh sơ khai: "Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Ðức Giêsu, và với anh em của Ðức Giêsu" (Cv 1,14). Hơn nữa: "Ðức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần, là Ðấng đã bao phủ lấy Người trong ngày Truyền Tin" (GH 59), và "ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần" (Cv 2-4) trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sau cuộc đời trần thế, Ðức Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang thiên quốc. Mẹ là người đầu tiên được tham dự vào cuộc Phục Sinh của Con Mẹ, và như vậy Mẹ là dấu chỉ báo trước và bảo đảm cho các Kitô hữu được sống lại với Chúa Kitô.
2. Hội Thánh chào kính Ðức Maria như chi thể cao cả nhất, có một không hai và như gương mẫu sáng ngời về niềm tin và lòng mến (GH 53). Là mẹ Chúa Kitô, Ðức Maria còn "là Mẹ các chi thể (của Thân thể Chúa Kitô), vì đã cộng tác trong đức ái để sinh ra các tín hữu trong Hội Thánh là những chi thể của Ðầu ấy" (GH 53). Mẹ đã cộng tác đặc biệt với Ðấng Cứu Thế "để đem lại sự sống siêu nhiên cho các linh hồn". Và mẹ luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ "cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn" (GH 623). Như vậy, ở trên trời Mẹ Maria không ngừng cộng tác vào chương trình cứu độ, bằng việc cầu bầu và chăm sóc các tín hữu "cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời" (GH 62).
II. Việc tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria
Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Ðức Trinh Nữ Maria đã được tôn kính với Tước Hiệu "Mẹ Thiên Chúa", và các tín hữu thường chạy đến với Mẹ "trong cơn gian nan thiếu thốn" (Kinh Trông Cậy). Hội Thánh luôn dành cho Ðức Maria lòng yêu mến và tôn kính rất đặc biệt, vượt trên các thiên thần và các thánh. "Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc, Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả" (Lc 1, 48-49).
Việc tôn kính này hoàn toàn khác biệt với sự thờ phượng phải có đối với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng lại "khuyến khích thêm việc thờ phượng Thiên Chúa Ba Ngôi" (GH 66). Bởi vì, Mẹ Maria chẳng có sứ mệnh nào khác hơn là dẫn đưa chúng ta tới Ðức Giêsu Kitô Con của Mẹ. Vì thế "Hội Thánh khuyến khích hết mọi con cái hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Ðức Nữ Trinh nhất là trong Phụng Vụ", một lòng sùng kính không dựa trên tình cảm hay tính dễ tin "nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật... thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta" (GH 67). Lòng tôn kính và yêu mến này, chúng ta bày tỏ trong những ngày lễ kính Mẹ (nhất là lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời ngày 15 tháng 8 và lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm ngày 8 tháng 12) các ngày thứ bảy, và đặc biệt là lần hạt Mân Côi, là Kinh "tóm tắt Phúc Âm" để suy niệm về cuộc đời Ðức Giêsu cùng với Mẹ Maria.
III. Ðức Maria, hình ảnh Hội Thánh phải hoàn thành
"Như Thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô" (GH 63). Thật vậy, Mẹ Maria là hình ảnh của Hội Thánh tại thế "Hội Thánh vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng" (GH 8) hướng nhìn lên Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, một phần tử ưu tú của mình, đã chiến thắng tội lỗi, nhờ hồng ân Chúa Kitô. Vì thế, Hội Thánh luôn luôn kiên trì và tin tưởng trong hành trình đức tin trên trần gian. Hơn nữa Hội Thánh còn ngắm nhìn Ðức Maria như mẫu mực hoàn hảo mà mình phải đạt tới, để trở thành "một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không t#7889;, không vết nhăn, hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền" (Ep 5,27). "Sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,2). Do đó, Hội Thánh luôn hướng nhìn lên Ðức Mẹ hồn xác lên trời, như phần tử đầu tiên vượt thắng cái chết mà sống lại trong vinh quang. Mẹ được Thiên Chúa tôn vinh trên trời, là dấu chỉ báo trước và đảm bảo ơn cứu độ vinh quang cho tất cả các phần tử khác của Hội Thánh. "Ngày nay, trên trời Mẹ Ðức Giêsu đã được vinh hiển cả hồn và xác, là hình ảnh và khởi thủy của Hội Thánh phải hoàn thành đời sau; đồng thời, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (2Pr. 3,10). Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành" (GH 68).
Bài 24
ƠN THA TỘI
(x SGLC từ 0976 đến 0983)
"Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23) Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đã ban quyền tha tội cho các Tông Ðồ, khi thông ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Thật ra, không phải các Tông Ðồ thay thế Chúa Kitô để tha tội, nhưng chính Chúa Kitô có mặt và hoạt động trong các Tông đồ, như dụng cụ của Người, để tha thứ tội lỗi cho con người.
I. Một Phép Rửa duy nhất để tha tội
Con người cần được tha thứ tội lỗi để có thể giao hòa với Thiên Chúa và được sống đời đời. Vì thế, Chúa Kitô đã tha thiết lập bí tích Thánh tẩy, như phương thế số một và chính thức để ban ơn tha tội, "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 15-16). Qua thánh tẩy, người có tội được thông hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, "Ðấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4, 25) và như vậy "chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Bí tích Thánh Tẩy không những tha thứ tội tổ tông, mà còn tha tất cả các tội riêng và các hình phạt do tội gây ra. Tuy nhiên, người đã chịu Thánh Tẩy vẫn còn mang bản tính yếu đuối và đã bị tổn thương, vẫn còn bị dục tình lôi kéo về sự ác. Ai có thể đứng vững mà chiến thắng các cơn cám dỗ trong suốt cuộc đời? Vì thế, Chúa Kitô còn để lại cho Hội Thánh bí tích sám hối, được gọi là đệ nhị Thánh Tẩy, nhằm tha thứ tội và ban ơn hòa giải cho những người sau khi lãnh bí tích Thánh Tẩy mà còn phạm tội.
II. Quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội thánh
Chúa Kitô đã ban "chìa khóa nước trời" cho Hội Thánh, để Hội Thánh được quyền nhận vào hay loại khỏi Nước Trời, quyền ra luật để cho phép điều này hoặc cấm đoán điều kia... trong những gì thuộc lãnh vực đức tin và luân lý - Ðó là quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội Thánh. "Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,19). Vì thế, Hội Thánh có toàn quyền để tha thứ bất cứ tội nào dù nặng nề đến đâu. Một người dù phạm tội độc ác quái gở và có nhiều tội đến thế nào chăng nữa, vẫn có thể được tha thứ, nếu có lòng ăn năn thành thật. Trong khi dạy Giáo lý, phải làm cho người ta tin vào quyền năng tha thứ mọi tội lỗi của Hội Thánh mà Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban cho các Tông Ðồ cũng như những người kế vị. "Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha thứ cho loài người" (Mt 12,31).
III. Hệ luận Mục Vụ
"Nếu trong Hội Thánh không có phép tha tội, thì sẽ không có sự trông cậy, không có hy vọng được sống muôn đời và được giải thoát vĩnh viễn. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban một hồng ân lớn lao như thế cho Hội Thánh của Ngài" (Thánh Âu Tinh).
• Hãy lãnh nhận bí tích Sám hối với lòng biết ơn sâu xa. Và cần năng đi xưng tội không những để được tha tội và được tẩy xóa mọi tội, mà còn để nuôi dưỡng niềm hy vọng được sống đời đời.
• Chúa đã trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho Hội Thánh, nên các tín hữu phải lấy lòng tôn kính và yêu mến, mà vâng phục các giáo huấn cũng như tuân theo kỷ luật Hội Thánh. "Với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà chủ chăn có nhiệm vụ đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh (GH 37). Do đó, các giáo huấn chính thức về đức tin và luân lý cũng như các qui luật Phụng vụ của Ðức Giáo Hoàng Rôma hoặc các Giám Mục thông hiệp với Ðức Giáo Hoàng, cần phải được kính cẩn tuân phục và với tinh thần đức tin (GH 25).
Bài 25
ƠN PHỤC SINH VÀ ÐỜI SỐNG VĨNH CỬU
(x. SGLC từ 0992 đến 1065)
"Chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại" (MV 45). "Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại... nhưng chúng ta biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới... Khi ấy sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Chúa Kitô" (MV 39). "Ðấng làm cho Ðức Giêsu sống lại... cũng sẽ làm cho thân xác của anh em được sự sống mới" (Rm 3,11).
I. Ý nghĩa của sự chết theo Kitô giáo
Chết là một sự thật hiển nhiên không ai thoát khỏi và chối cãi. Người Việt Nam thường nghĩ: xác là thể phách còn hồn là tinh anh, xác là thể phách nên phải chết, hồn là tinh anh nên còn. Tin tưởng này không ai lạ với niềm tin Kitô giáo: chết là hồn lìa khỏi xác, hồn là thiêng liêng nên bất tử, xác là vật chất nên hư nát. Chết là chấm dứt cuộc sống trần gian. Nhưng tại sao chết? Ðó là bí ẩn cao nhất về thân phận con người (MV 18). Kitô giáo dạy rằng: Thiên Chúa sáng tạo con người là hồn và xác. Người không muốn con người phải chết, chết là hậu quả của tội lỗi (Rm 5,12).
Khi Chúa Kitô đến trần gian, chấp nhận chịu chết vì muốn vâng phục thánh ý Chúa Cha, rồi được sống lại và về trời, Người đã biến đổi ý nghĩ sự chết. Do đó ai tin Chúa Kitô thì:
• "Chết là một mối lợi" (Pl 1,21) vì được ở với Chúa Kitô, theo nghĩa được hiệp thông trọn vẹn với Người mãi mãi (pl 1,23).
• Chết là sự sống được biến đổi: "Ai tin Chúa Kitô thì khi chết, sự sống không bị tiêu hủy mà được biến đổi để họ về hưởng phúc vĩnh cửu trên trời" (Kinh Tiền tụng I lễ Cầu Hồn).
Như vậy, "phận con người là phải chết một lần rồi sau đó chịu phán xét" (Dt 9,27). Không có chuyện đầu thai sang kiếp khác. Nên Kitô hữu phải chuẩn bị cho giờ chết của mình để được chết lành, và xin Ðức Maria chuyển cầu cho "khi này và trong giờ lâm tử".
II. Sự sống lại của Chúa Kitô và của chúng ta
Việc xác sẽ sống lại vẫn là một điều xưa nay khó được chấp nhận, nhất là đối với con người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên trong Kinh Tin Kính, Kitô hữu tuyên xưng: Tôi tin xác loài người sẽ sống lại. Niềm tin này đã có từ thời Cựu Ước (2Mt ct 7,9-14) và được xác quyết mạnh mẽ khi Chúa Kitô tuyên bố: "Ta là sự sống lại và là sự sống" (Ga 11,25) "ai tin Ta"... "ai ăn thịt và uống máu Ta... Ta sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Người cũng làm phép lạ cho một số người chết được sống lại (x. Lc7, 11-7 hoặc Ga 11) nhưng phép lạ này là dấu chỉ loan báo sự sống lại của Người, vì sự sống lại không có nghĩa là Người trở về đời sống như trước, nhưng là sau khi chết, hồn lìa xác, xác Người được an táng (x. Mt 27,5.59-60), ngày thứ ba Người sống lại với "xác vinh hiển" (Pl 3,21) để sống vĩnh cửu không bao giờ chết nữa.
• Sự sống lại của ta là gì? Khi ta chết, hồn lìa xác, xác bị hư nát, hồn gặp Chúa Kitô để được xét xử và nhận thưởng phạt, rồi đến ngày sau hết hồn được hiệp nhất với xác đã được biến đổi do quyền năng phục sinh của Chúa Kitô.
• Ai sẽ sống lại? Tất cả những ai đã chết, tuy nhiên không phải tất cả được vào Nước Trời, vì "ai đã làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ thì sẽ sống lại để bị kết án" (Ga 5,29).
• Sống lại như thế nào? Sống lại với xác riêng của mình nhưng được biến đổi thành "xác có thần khí" (1Cr 14,44) không hư nát. Còn chuyện sống lại bằng cách nào thì vượt quá trí tưởng tượng và hiểu biết của ta.
• Sống lại khi nào? Sống lại vào ngày sau hết, ngày tận thế. Ngày Chúa Kitô quang lâm (1Tx 4,16).
Vì thế, ta phải tôn trọng thân xác của mình cũng như của tất cả mọi người, đặc biệt những người đau khổ. Nghi thức an táng Kitô giáo chứng tỏ niềm tin về thân xác sẽ sống lại.
III. Phán xét riêng
Chúa Kitô là Ðấng cứu độ nên Chúa Cha trao cho Người quyền xét xử để thưởng phạt mọi người. Tân Ước nói đến việc thưởng phạt ngay sau khi con người chết, dựa vào dụ ngôn "người giàu và anh nghèo Ladarô" (x. Lc 16,22) và dựa vào lời Ðức Giêsu nói với người trộm lành (x. Lc 23,43). Ngay sau khi chết, mỗi người được phán xét riêng tùy theo việc họ sống hiệp thông với Chúa Kitô, để hiệp thông với Thiên Chúa, với mọi người và vũ trụ vạn vật. Họ sẽ được thưởng hay chịu phạt; hoặc là chịu thanh luyện , hoặc được hưởng hạnh phúc Nước Trời, hoặc chịu phạt đời đời.
IV. Trời hay Thiên Ðàng
Những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa và được thanh luyện toàn hảo thì được ở với Chúa Kitô muôn đời, nghĩa là được vào Nước Trời hay Thiên Ðàng. Trời không phải ở bên trên tầng xanh nhưng là một tình trạng, "một cuộc sống hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Ðức Trinh Nữ Maria, các Thiên Thần, và tất cả mọi người lành thánh". Ðó là cùng đích tối hậu, là sự hoàn thành mọi khát vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt vời và dứt khoát. Sự hiệp thông trong hạnh phúc với Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, với mọi người lành và toàn thể tạo thành là một mầu nhiệm mà thánh Phaolô diễn tả là "mắt chưa thể thấy, tai chưa hề nghe, lòng người chưa hề nghĩ tới" 1Cr 2,9). Kinh thánh tìm cách diễn tả bằng những hình ảnh như: sự sống, ánh sáng, hòa bình, tiệc cưới, rượu trong Nước Trời, nhà của Chúa Cha, Giêrusalem trên trời....
V. Luyện ngục.
Những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa thì chắc chắn đã được cứu độ, nhưng nếu chưa được thanh luyện hoàn hảo thì phải được thanh luyện cho thật tinh tuyền. Hội Thánh quen gọi là thanh luyện nơi luyện ngục. Thực ra luyện ngục không phải là một nơi nào, nhưng là một tình trạng hồn phải thanh luyện. Giáo lý này dựa vào truyền thống thời Cựu Ước quen cầu nguyện cho những người đã chết (x. 2Mcb 12,46). Và ngay từ thời đầu, Hội Thánh đã quen kính nhớ người chết, đặc biệt là trong thánh lễ, để chuyển cầu cho họ. Hội Thánh còn khuyên ta bố thí, lãnh ân xá, và làm các việc hãm mình đền tội giúp cho họ sớm được vào Nước Trời.
VI. Hỏa ngục
Những ai đã hoàn toàn cố tình không muốn hiệp thông với Chúa Kitô, là đã tự loại mình ra khỏi hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người làm thánh. đó là những người cố tình phạm tội nặng, xúc phạm đến Thiên Chúa, đến mọi người khác, đến vũ trụ vạn vật, mà không chút ăn năn hối cải, sau khi chết họ phải ở trong hỏa ngục đời đời. Ðức Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở tới hỏa ngục (x. Mt 5,22-29) đến "lửa không hề tắt" (Mt 3,12) đến nơi "khóc lóc nghiến răng" (Mt 13,42). Thực ra hỏa ngục không phải một nơi nào, mà là tình trạng con người luôn cảm nghiệm phải xa cách Thiên Chúa, là sự sống và hạnh phúc mà mình hằng khao khát, xa cách muôn trùng và muôn đời. Thiên Chúa không tiền định cho ai phải vào hỏa ngục (x. DS 397). Người luôn tôn trọng tự do mỗi người. chính mỗi người quyết định số phận vĩnh cửu của mình, nên Hội Thánh mời gọi mỗi người phải sử dụng tự do của mình với tinh thần trách nhiệm thật cao.
VII. Phán xét chung
Ðến ngày sau hết tất cả mọi người chết sẽ sống lại "người lành cũng như người dữ" (Cv 24,15). Chúa Kitô sẽ đến trong vinh quang có các Thiên Thần hộ tống để xét xử công khai mỗi người trước tất cả mọi dân mọi nước (x. Mt 25, 32-46). Người là Sự Thật nên sẽ làm cho toàn bộ sự thật về mối liên hệ của mỗi người với Thiên Chúa được phơi trần ra, cùng với mọi hậu quả tốt xấu của nó. Người sẽ cho ta hiểu biết ý nghĩa tối hậu của công trình sáng tạo và kế hoạch cứu độ, hiểu biết những đường lối kỳ diệu mà Thiên Chúa quan phòng đã dùng để dẫn đưa mọi sự tới đích tối hậu. Phán xét chung sẽ mặc khải cho biết sự công chính của Thiên Chúa toàn thắng những bất công do thụ tạo của Người đã phạm, và tình yêu của Người mạnh hơn sự chết.
VIII. Trời Mới Ðất Mới
Ðến thời sau hết, Nước Trời sẽ đạt tới mức toàn hảo, toàn thể nhân loại và vũ trụ được biến đổi thành "Trời mới đất mới" (2Pr 3,13). Ðối với con người, sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật mà Thiên Chúa đã muốn từ khi tạo dựng, và Hội Thánh lữ hành là dấu chỉ và dụng cụ, sự hiệp thông đó nhờ Chúa Kitô sẽ đạt tới toàn hảo viên mãn "không còn chết chóc, khóc lóc, đau khổ nữa" (Kh 21,4) mà chỉ còn hiệp thông trong hạnh phúc và bình an vĩnh cửu. Còn vũ trụ vạn vật cũng được chung hưởng một số phận với những con người công chính, nghĩa là cũng đạt tới cùng đích toàn hảo viên mãn nhờ Chúa Kitô, không còn bị ô nhiễm, bị sử dụng vào chuyện xấu, "không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang" (Rm 8,21).
IX. Hạnh phúc Vĩnh cửu và Kitô hữu hôm nay
Người Việt Nam nào cũng mong được hạnh phúc, thích làm phúc, và muốn thoát khỏi vô phúc, cũng như tất cả mọi người ai cũng khao khát hạnh phúc. Chúa Kitô đã đến loan báo và bảo đảm về hạnh phúc thật, hạnh phúc ấy chỉ có trong Nước Trời. Và Nước Trời đây chính là sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa Ba Ngôi, với nhau và với vũ trụ vạn vật trong tình yêu, hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Vì thế, Kitô hữu hôm nay cần quan tâm đến mấy điểm cụ thể sau đây:
1. Hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu không thể có ở đời này.
Vì con người mang khát vọng tuyệt đối, nên không có gì ở đời này có thể lắp đầy, không người nào và tập thể xã hội nào có thể mang lại hạnh phúc vĩnh cửu cho tất cả mọi người. Trái lại, chỉ một mình Chúa Kitô có thể thỏa mãn được khát vọng sâu sắc nhất của con người, vì chính Người đã chia sẻ thân phận con người, đã chết và sống lại, bước vào hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời. Người là khởi đầu và bảo đảm chắc chắn rằng có hạnh phúc đích thực vĩnh cửu trong Nước Trời.
2. Hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu không phải là ảo tưởng
Nhằm ru ngủ hay lừa dối con người sống tiêu cực thụ động, nhưng là một sự thật được Chúa Kitô mạc khải và thể hiện bằng chính cuộc sống của Người. Sự thật này không được làm suy giảm mối quan tâm của Kitô hữu để phát triển trái đất này, trái lại nó phải khơi dậy và kích thích mối quan tâm đó để họ làm cho các tiến bộ trần thế thực sự góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người tốt đẹp hơn (x. MV 39).
3. Hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu tùy thuộc vào Amen của Kitô hữu.
Kinh Tin Kính kết thúc bằng Amen. Trong tiếng Do thái "Amen" có cùng một gốc với "tin", và gốc này có nghĩa là chắc chắn, có thật trung tín. Tôi tin là tôi Amen đối với mọi lời nói, lời hứa, và mọi điều răn của Thiên Chúa. Tôi tin chắc chắn vì Thiên Chúa là Amen (x.Is 65,16). Ðấng trung tín, đáng tin cậy. Thiên Chúa lại biểu hiệu sự trung tín ấy nơi Con của Người là Chúa Kitô, nên Chúa Kitô cũng là Ðấng Amen (x. Kh 3,14), là sự thật chắc chắn. Và Chúa Kitô đã dạy: "Tất cả những ai thấy Người Con, và tin vào Người Con thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga ,40). Vì thế, Hội Thánh quen kết thúc mọi kinh nguyện bằng Amen, để biểu lộ và tuyên xưng niềm tin. Kitô hữu sống theo điều mình Amen là bảo đảm chắc chắn được hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu.
Người gửi / điện thoại
Xứ đoàn Thánh Tâm - Giáo xứ Quang Lâm - Giáo hạt Phương Lâm - Giáo phận Xuân Lộc
Địa chỉ: ấp Thanh Trung xã Thanh Sơn huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.
Website http://xudoanthanhtamquanglam.mov.mn. Email: xudoanthanhtam@yahoo.com.
Email hỗ trợ: xthangdn@yahoo.com. Điện thoại: 0917792020 .