Đăng nhập

CHÚC CÁC ACE LUÔN MẠNH KHỎE VÀ NHIỀU ƠN LÀNH CỦA THIÊN CHÚA

Phần II: Cử Hành Các Mầu Nhiệm

 

Bài 26

PHỤNG VỤ

(x. SGLC từ 1066 đến 1112)

 

"Hội Thánh long trọng tuyên xưng đức tin qua Phụng Vụ. Trong Phụng Vụ, Chúa Cha được tôn thờ là cội nguồn và cùng đích các việc cử hành. Chúa Con tái diễn mầu nhiệm Vượt Qua để ở lại với Hội Thánh, Chúa Thánh Thần soi sáng Hội Thánh trở thành Bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Còn Hội Thánh loan báo và cử hành Mầu nhiệm Vượt qua để các tín hữu sống và làm chứng mầu nhiệm ấy trong thế giới". (SGLC 1066).

I. Tại sao có Phụng Vụ?

Con người có nhiều mối liên hệ với nhau, như: vợ chồng, cha mẹ và con cái, trong gia đình; thày cô với học trò trong học đường, người dân với tổ tiên, với các anh hùng dân tộc, với các biến cố quan trọng của đất nước; ngoài ra còn có các liên hệ do tôn giáo, do nghề nghiệp... Các mối liên hệ này, được bày tỏ và duy trì bằng lời nói, cử chỉ, hành động, và được tổ chức trong các cuộc lễ hội. Truyền thống Á Ðông chúng ta coi đó là lấy lễ nghĩa để bảo tồn tâm tình (Dĩ lễ tồn tâm). Trong Kitô giáo, thời Cựu Ước, công trình của Thiên Chúa thực hiện cho loài người và vũ trụ, được tiên báo qua những kỳcông vĩ đại của Người, như: sáng tạo, tuyển chọn dân Ít-ra-en, giải phóng dân khỏi nô lệ ai Cập. Và dân Ít-ra-en ghi nhớ các kỳ công đó để ca tụng, cảm tạ Thiên Chúa. Ðến thời Tân Ước, công trình của Thiên Chúa được Chúa Kitô hoàn thành, đặc biệt bằng cuộc khổ nạn hồng phúc, cuộc phục sinh từ cõi chết và lên trời vinh hiển (x. PV 5). Ðây chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, Người thực hiện Mầu nhiệm này để cứu độ thế giới và tôn vinh Chúa Cha. Sang thời của Hội Thánh, mầu nhiệm này được loan báo và hiện tại hóa trong phụng vụ, để "các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính" (PV 2). Như vậy có Phụng vụ là để một đàng Thiên Chúa Ba ngôi tiếp tục thực hiện công trình cứu chuộc là thi ân giáng phúc cho mọi người (x. Ep. 1,9); đàng khác để Hội Thánh vừa cảm tạ Thiên Chúa về phúc lộc khôn tả của Người (2Cr. 9,15), vừa ca tụng vinh quang Người (Ep 1,6), vừa được hưởng nhờ những ân phúc ấy (PV 10).

II. Chúa Cha

Là nguồn mạch và cùng đích phụng vụ. Tân Ước tuyên xưng và tôn thờ Chúa Cha là Ðấng chúc lành và giáng phúc (x. Ep 1,3), nghĩa là Ðấng ban sự sống, sáng tạo, nguồn mạch mọi ơn phúc trong suốt lịch sử cứu độ. Thực vậy, thời Cựu Ước, Chúa Cha thực hiện những k?ông vĩ đại, giao ước với ông Abraham, cứu dân Ít-ra-en khỏi nô lệ ai cập. Vì thế, dân nhớ ơn và đáp trả bằng tôn thờ cảm tạ một mình Người. Thời Tân Ước, Chúa Cha sai Chúa Con xuống thế làm người, hoàn thành cuộc vượt qua cõi chết để sống lại vinh hiển, và đổ tràn ơn Cứu Ðộ cho mọi người. Người còn "nhờ Con của Người mà trao ban cho Hội Thánh ơn phúc chứa đựng mọi ơn phúc là Chúa Thánh Thần" (SGLC 1082). Vì thế, Hội Thánh hôm nay cử hành Phụng Vụ với Chúa Kitô, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, để đáp trả tình thương của Chúa Cha. Trong Phụng Vụ, Chúa Cha được tuyên xưng và tôn thờ như nguồn mạch mọi chúc phúc cho nhân loại và vũ trụ, và mọi chúc tụng, tôn vinh của toàn thể Hội Thánh đều qui về cùng đích là Chúa Cha (x. Kinh Tán Tụng: chính nhờ Chúa Kitô ....)

III. Chúa Con hoạt động trong phụng vụ

1. Khi còn sống trên trần gian, Chúa Kitô dùng lời giảng dạy để loan báo, và dùng mọi hoạt động để thực hiện trước Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người (x. Mt 15,21 và Ga 11, 1-4). Khi đến giờ của Người, Người đã hoàn thành Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng chịu chết, sống lại và về trời, "chỉ một lần là đủ" (Rm 6,12). Nhưng Mầu Nhiệm này không phải là một biến cố "như mọi biến cố lịch sử khác đã chìm vào quá khứ" (SGLC 1085). Trái lại, Mầu Nhiệm ấy vượt trên thời gian và luôn được Chúa Kitô hiện tại hóa trong Phụng Vụ (x.PV 6).

2. Khi về trời hưởng vinh quang bên hữu Chúa Cha, Chúa Kitô hiện tại hóa Mầu nhiệm Vượt qua bằng cách đổ tràn Thánh Thần trong Hội Thánh là thân thể Người, và sai các Tông Ðồ, cũng như trao quyền thánh hóa cho các Ngài, để loan báo và cử hành Mầu nhiệm ấy. Rồi các Tông Ðồ lại trao ban quyền thánh hóa ấy cho những người kế vị qua Bí Tích Truyền Chức (SGLC 1087). Như vậy trong phụng vụ ở trần gian, Chúa Con luôn ở với Hội Thánh: Người hiện diện trong Thánh Lễ, trong bản thân thừa tác viên, trong hình bánh hình rượu, trong các bí tích, trong khi công bố Lời Chúa, trong khi cầu nguyện và hát thánh vịnh (x. PV 7), và Hội Thánh luôn kết thúc các lời nguyện bằng câu: "Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con".

IV. Chúa Thánh Thần và Hội Thánh trong phụng vụ.

Trong kế hoạch cứu độ, Chúa Thánh Thần luôn giữ vai trò làm cho Hội Thánh hiệp thông với sự sống và sứ mệnh của Chúa Kitô.

1.Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội Thánh tiếp nhận Chúa Kitô.

Ngay từ thời Cựu Ước, Hội Thánh đã được "tiên báo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Ít-ra-en và trong giao ước cũ" (GH 2). Do đó, Hội Thánh đã giữ lại nhiều yếu tố trong việc tế tự của dân Ít-ra-en, như đọc "Kinh Thánh Cựu Ước", cầu nguyện bằng Thánh vịnh; và nhất là tưởng niệm những biến cố lớn có liên quan đến Mầu nhiệm Chúa Kitô, như giao ước với ông Abraham, xuất hành, vượt qua biển Ðỏ... Chúa Thánh Thần đã lột màn che các hình bóng để ta hiểu: tàu ông Nôe thoát lụt hồng thủy tiên báo sự cứu độ do Bí tích Rửa Tội, Mana trong sa mạc tiên báo "bánh thật bởi trời" (Ga 6,32) là Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh thể. Hội Thánh còn tổ chức Mùa Vọng, Mùa Chay, canh thức Phục Sinh để sống lại những biến cố lớn của Giao ước cũ.

2.Chúa Thánh Thần nhắc nhở Mầu nhiệm Chúa Kitô:

Chúa Thánh Thần "sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (Ga 14,26) nghĩa là trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần giúp cho cả người công bố hay giảng giải Lời Chúa, cũng như mọi người lắng nghe, được hiểu biết Lời Chúa và hiệp thông với Chúa Kitô hơn, để cùng nhau đáp ứng bằng một niềm tin sâu sắc hơn: "Chính lời Cứu rỗi nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn các tín hữu: chính đức tin này khai sinh và phát triển sự hiệp thông giữa các tín hữu" (LM 4). Người cũng giúp cả cộng đoàn nhớ lại những k công Chúa Kitô đã thực hiện cho ta, vì "kế hoạch mặc khải được thực hiện bởi cả việc làm lẫn lời nói, cả hai gắn bó chặt chẽ với nhau... Lời nói công bố việc làm và giúp khám phá ra mầu nhiệm chất chứa trong đó". (MK 2). Chúa Thánh Thần nhắc cho Hội Thánh nhớ, để Hội Thánh cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa. Vì thế trong Thánh Lễ, sau Kinh Truyền Phép là Kinh Tưởng Niệm (Anamnèse) và Kinh Tán tụng: Chính nhờ Chúa Kitô......
      3. Chúa Thánh Thần hiện tại hóa Mầu nhiệm Chúa Kitô:

Mầu nhiệm Chúa Kitô được Hội Thánh cử hành, và mỗi khi cử hành thì Chúa Thánh Thần hiện tại hóa Mầu nhiệm đó. Trước khi truyền phép, chủ tế đọc kinh khẩn cầu (Epiclèse), Chúa Thánh Thần biến đổi lễ vật trở thành Mình Máu Chúa Kitô, để tín hữu có thể hiệp thông với Chúa Kitô, nếm trước cuộc hiệp thông viên mãn với Thiên Chúa Ba Ngôi. Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong Phụng Vụ là hiệp thông. Hội Thánh cầu chúc: "Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần" (2Cr 13,13) đầy tràn trong cộng đoàn, để mọi người trở nên đồng hành đồng dạng với Chúa Kitô, xây dựng sự hiệp nhất trong Hội Thánh, và tham gia sứ mệnh của Hội Thánh bằng chứng tá và hoạt động bác ái.

V. Phụng vụ là gì?

         Phụng vụ dịch từ tiếng Hy lạp "leiturgia" nghĩa gốc là hoạt động công cộng, dịch vụ cho dân chúng. Truyền thống Kitô giáo hiểu đó là việc Dân Thiên Chúa tham gia công trình của Thiên Chúa (x. Ga 17,4). Trong Tân Ước, Phụng Vụ có ý chỉ không những việc thờ phượng Thiên Chúa, mà cả việc loan báo Phúc Âm (x.ra 15,16) và thi hành bác ái nữa (x. Rm 15,27), nghĩa là bao gồm việc phục vụ Thiên Chúa và phục vụ mọi người. Phụng vụ mang nhiều ý nghĩa và đặc tính phong phú, có thể tóm lại như sau:

1. Phụng vụ để cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi.

         Phụng vụ là việc thờ phượng mà Hội Thánh dâng lên Chúa Cha, để cảm tạ về phúc lộc khôn tả Người đã ban trong Ðức Giêsu Kitô, và để ca tụng sự vinh hiển của Người, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (PV 6).

2. Phụng vụ là một hoạt động công cộng toàn hảo.

Phụng vụ là việc Hội Thánh tham dự chức tư tế (thờ phượng), ngôn sứ (loan báo Lời Chúa) và vương giả (phục vụ bác ái) của Chúa Kitô, nghĩa là không phải việc của một cá nhân hay một nhóm người, nhưng là việc của toàn thể Hội Thánh, dầu thừa tác viên của Hội Thánh chỉ cử hành một mình mà thôi, song họ cử hành nhân danh nhiệm thể Chúa Kitô, gồm cả Ðầu và các chi thể. "Không một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng" (PV 7).

3. Phụng vụ được diễn đạt

         Bằng những dấu chỉ khả giác, bao gồm lời nói, cử chỉ và các biểu tượng, như: bánh, rượu, nước, dầu... và được thể hiện cách khác nhau, theo từng dấu chỉ, như: các Bí Tích, Lời Chúa, lời cầu nguyện, và hát Thánh vịnh (PV 7).

4. Phụng vụ giúpTăng cường đức tin, củng cố đức Cậy và phát huy đức Mến cho tín hữu, để chính đời sống họ có thể biểu hiện Hội Thánh như dấu hiệu hữu hình của mối hiệp thông giữa Thiên Chúa, với con người và với vũ trụ vạn vật, nhờ biết sống hiệp thông trong tình yêu, và ăn ở xứng đáng với ân huệ họ lãnh nhận. (PV 10).

5.Phụng vụ có tính cách chung.

Phụng vụ làm cho tín hữu đang lữ hành trên trần thế, được cảm mến trước Phụng Vụ trên trời: "Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa... Chúng ta mong đợi Ðấng Cứu Thế là Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, cho đến khi chính Người là sự sống chúng ta sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang" (PV 8).

VI. Kitô hữu với phụng vụ.

Kitô hữu Việt Nam đang sống trong lòng một dân tộc có nhiều lễ hội phong phú, như: lễ Tết Nguyên Ðán, lễ Tết Trung Thu, lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ kỷ niệm các anh hùng dân tộc, lễ cưới, lễ giỗ, lễ an táng... Kitô hữu cũng đang sống trong Hội Thánh có nhiều lễ Phụng vụ đầy ý nghĩa sâu sắc như: lễ Giáng Sinh, nhất là Tuần Thánh và lễ Phục sinh, các lễ kính Ðức Maria, kính các Thánh... Khi Kitô hữu tham dự các lễ hội của dân tộc, hoặc lễ Phụng Vụ, cần tìm hiểu và suy nghĩ để áp dụng nguyên tắc "dĩ lễ tồn tâm" cho hợp với tinh thần Kitô giáo.

1. Nhờ lễ nghĩa để bảo tồn chân tâm:

  Lễ nghĩa đây không phải chỉ là nghi lễ bề ngoài với những lời nói suông, những cử chỉ hành động theo thói quen máy móc hoặc giả tạo, những hình thức có tính dị đoan mê tín (tin tưởng mù quáng nhảm nhí). Lễ nghĩa đích thực bao gồm lời nói, cử chỉ hành động phát xuất từ lòng thành, từ chân tâm. Tâm là tim, là lòng, có ý chỉ tinh thần, tình nghĩa, tình cảm đối với người khác, với gia đình hay dân tộc... bao gồm lòng biết ơn, trân trọng, yêu thương, để đền đáp ơn đáp nghĩa. Cái tâm ấy phải chân thành và chung thủy. Chân tâm là lòng thành, và lòng thành làm cho nghi lễ có tình nghĩa chân thật, không giả dối giả hình.

2. Nhờ phụng vụ để "thờ phượng Chúa Cha trong Thần khí và sự thật" (Ga 4,23).

  Phụng vụ cũng dùng những lễ nghĩa do Chúa Kitô thiết lập và chủ động, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, để duy trì và bảo tồn cho mọi người trong Hội Thánh cùng có một tấm lòng thành, một chân tâm, vừa biết đón nhận mọi hồng ân cứu độ của Chúa Cha, với tâm tình cảm tạ tôn vinh trong Thần khí và sự thật, vừa biết thông truyền những hồng ân đó cho thế giới một cách hữu hiệu. Vì thế, Kitô hữu phải tham dự Phụng vụ "một cách có ý thức, chủ động và hữu hiệu" với "một tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, chân thật, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời" (PV 11). Nhờ đó, Kitô hữu có thể "sống hiệp thông trong tình yêu với Thiên Chúa và mọi người... được nung nấu và lôi cuốn vào trong tình yêu thúc bách của Chúa Kitô" (PV 10), để trong đời sống thường ngày họ luôn "giữ trọn những điều Chúa Kitô đã dạy (Mt 25,20) và tham gia mọi công cuộc bác ái, đạo đức và tông đồ (PV 9).

 


Bài 27
BÍ TÍCH
(x. SGLC từ 113 đến 1134)

 

"Như Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Người cũng sai các Tông đồ đi như vậy... để các ngài thực thi công việc cứu chuộc mà các ngài loan báo, nhờ Hiến tế Thánh Thể và các Bí tích, trung tâm điểm của toàn thể đới sống Phụng vụ" (PV 6). Bí tích chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt Phụng vụ của Hội Thánh. Có 7 Bí tích: Thánh Thẩy, Thêm sức, Thánh Thể, Hòa giải, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối. Trước khi tìm hiểu từng Bí tích cần có cái nhìn tổng quát về ý nghĩa của Bí tích trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.



I. Bí Tích của Chúa Kitô

Gọi Bí Tích là Bí tích của Chúa Kitô vì "tất cả các Bí tích của luật mới đều do Ðức Giêsu Kitô thiết lập" (DS 1600-1601). Tất cả mọi lời nói và hành động của Ðức Giêsu trong cuộc sống trần thế đã mang giá trị cứu độ. Những lời nói và hành động ấy thực hiện trước năng lực của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Và khi mọi sự được hoàn thành, Ngài trao ban năng lực ấy cho Hội Thánh, để rồi qua các thừa tác viên trong Hội Thánh, Chúa Kitô tiếp tục ban phát năng lực cứu độ cho con người khi họ lãnh nhận Bí tích. Vì thế, các Bí tích là những k?ông của Thiên Chúa trong Giao ước mới và vĩnh cửu.

II. Bí Tích của Hội thánh

Chúa Kitô đã không ấn định cách minh nhiên (rõ ràng) con số 7 của Bí tích. Nhưng theo dòng thời gian, trong sự hướng dẫn của Thánh Thần và với tư cách là người quản lý trung thành các Mầu nhiệm của Thiên Chúa (1Cr 4,1), Hội Thánh đã xác định 7 Bí tích. Hội Thánh cử hành Bí tích qua các thừa tác viên của mình, nhờ Bí tích Thánh tẩy, mọi tín hữu được tham dự vào chức năng tư tế của Chúa Kitô. Ngoài ra, nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, còn có một số tín hữu lãnh nhận chức tư tế thừa tác, bắt nguồn từ sứ mạng Chúa Kitô trao phó cho các Tông đồ, và các Tông đồ trao lại cho các người kế vị. Vì thế, thừa tác viên cử hành là sợi dây nối kết hành động Bí tích với chính Chúa Kitô, suối nguồn và nền tảng mọi Bí tích. Ngoài ân sủng được trao ban, khi lãnh nhận ba Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Truyền Chức Thánh, người tín hữu còn được ghi dấu đặc biệt, gọi là Tích Ấn, nhờ đó họ tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô và đời sống Hội Thánh, với những nhiệm vụ khác nhau. Tích Ấn là dấu không thể xóa nhòa, và vì thế, đối với 3 Bí tích này, người tín hữu chỉ lãnh nhận một lần mà thôi.

III. Bí Tích Ðức Tin

Bí tích còn được gọi là Bí tích Ðức Tin, vì lãnh nhận Bí tích giả thiết phải có đức tin, đồng thời cử hành Bí tích là diễn tả và nuôi dưỡng đức tin. Khi Chúa Kitô trao phó sứ mạng cho các tông đồ, Ngài nói: "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (Mt 18, 18-20). Như thế, để được thanh tẩy, nghĩa là cử hành Bí tích, phải được nghe Lời Chúa và qui thuận với Lời, tức là đức tin. Ðồng thời, khi cử hành Bí tích, Hội Thánh tuyên xưng đức tin được đón nhận từ các Tông đồ, vì thế mới có câu "Lex orandi, lex credendi" (Luật cầu nguyện là Luật tin). Hội Thánh tin khi Hội Thánh cầu nguyện và cử hành Bí tích. Và khi người tín hữu lãnh nhận Bí tích Hội Thánh cử hành, đức tin của họ được nuôi dưỡng và phát triển.

IV. Bí tích ban ơn cứu độ và sự sống đời đời.

Thánh Âu Tinh định nghĩa Bí Tích là Dấu chỉ hiệu nghiệm, vì không những Bí tích là dấu chỉ hữu hình diễn tả ân sủng vô hình, mà Bí tích còn chuyển thông ân sủng nữa. có được như thế, là vì chính Chúa Kitô hành động trong Bí tích nhờ Thánh Thần của Ngài (PV 7). Cũng vì thế, hiệu quả của Bí tích được gọi là Hiệu quả do sự (ex opere operato), nghĩa là do chính việc cử hành Bí tích phù hợp với ý muốn của Hội Thánh, chứ không phải do sự thánh thiện của cá nhân thừa tác viên cử hành. Tuy nhiên hiệu quả của Bí tích cũng còn tùy thuộc vào thái độ và tình trạng của người lãnh nhận. Hội Thánh xác quyết rằng: đối với người tín hữu, các Bí tích của Giao Ước mới cần thiết để được cứu độ. Ân sủng Bí tích chính là Thánh Thần làm cho ta nên con cái Thiên Chúa, giúp ta được kết hợp với Ðấng Cứu độ, và được thần hóa, được tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa (x. 2Pr. 1,4). Cũng vì thế, khi nhận lãnh ân sủng Bí tích, ta đã được tham dự vào sự sống đời đời ngay từ bây giờ "trong khi mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Ðức Giêsu Kitô, Ðấng cứu độ chúng ta ngự đến" (Tt 2,13). Maranatha, "Lạy Ðức Giêsu, xin ngự đến" (Kh 22,20).

V. Bí tích trong đời sống Kitô hữu.

Bảy Bí tích trải suốt cuộc sống con người, và thánh hóa những thời điểm quan trọng nhất của đời người: sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lìa đời. Như thế, qua cử hành Bí tích, ở những thời điểm quyết định nhất, và mỗi ngày, Chúa Kitô nói với ta: "Cha ở với con". Ngày xưa Chúa Kitô đã ở với những người cùng thời để chữa lành bệnh tật, xoa dịu khổ đau, thứ tha tội lỗi, tặng ban sự sống. Ngày nay, Chúa Kitô vẫn tiếp tục ở với ta, và có ngài là có tất cả. "Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Chúa Kitô, và được kết hợp với Ngài" (Phil 3,8-9). Ý thức đó thúc đẩy ta đón nhận và cử hành các Bí tích với tất cả đức tin, để đi vào cuộc gặp gỡ chính Chúa Kitô qua Hội Thánh, cuộc gặp gỡ hồng phúc, vì là cuộc gặp gỡ ban Ơn Cứu Ðộ.

 


Bài 28
HỘI THÁNH CỬ HÀNH PHỤNG VỤ
(x. SGLC từ 1136 đến 1209)

 

"Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Hội Thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội Thánh.... Nhưng muốn thâu đạt được hiểu năng toàn vẹn ấy, tín hữu cần đến tham dự Phụng vụ Thánh với tâm hồn chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp với tâm trí mình, với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng nhận lãnh ơn sủng đó cách vô ích". (PV 10.11)

I. Ai cử hành?

Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô toàn thể, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Ngài (PV 7). Có những chi thể đang được chung hưởng hạnh phúc trọn vẹn với Thiên Chúa, ở đó, các ngài cử hành Phụng vụ Thiên quốc nhờ Chúa Kitô "đang ngự bên hữu Thiên Chúa như thừa tác viên của Cung Thánh, của Nhà Trạm đích thực" (PV 7). Còn Phụng vụ trần gian là nơi chúng ta tham dự bằng cảm mến trước Phụng vu Thiên quốc, nơi chúng ta hợp cùng toàn thể đạo binh trên trời đồng thanh ca ngợi tôn vinh Chúa. Vì Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô toàn thể, nên sinh hoạt phụng vụ không phải là sinh hoạt riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh. Cũng chính vì thế, Hội Thánh khuyến khích việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành đơn độc, và có vẻ riêng tư (PV 26-27). Cộng đoàn cử hành phụng vụ là cộng đoàn những người đã được rửa tội và được chia sẻ chức năng tư tế của Chúa Kitô (GH 10). Tuy nhiên khi cử hành, không phải ai cũng có chức năng như nhau. Các Giám mục, Linh mục và phó tế là những người được tuyển chọn và thánh hiến qua Bí tích Truyền Chức Thánh; vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Ðầu, để phục vụ cho mọi chi thể. Ngoài ra, còn có các thừa tác vụ khác: đọc sách, dẫn giải, giúp lễ, ca đoàn. Tất cả mọi người "chỉ thi hành trọn những gì thuộc lãnh vực của mình tùy theo bản chất sự việc và những qui tắc phụng vụ" (28).

II. Cử hành thế nào?

1. Dấu chỉ và biểu tượng:

Dấu chỉ và biểu tượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và sinh hoạt của con người. Vì vừa có tinh thần, vừa có thể xác, con người diễn tả nội dung tinh thần qua những dấu hiệu của thân xác và vật chất. Ðồng thời những dấu hiệu đó còn là phương thế để con người trao đổi, giao tiếp với tha nhân. Khi Thiên Chúa nói với con người, Ngài cũng nói qua các tạo vật hữu hình. Qua thế giới vật chất, con người nhận ra quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Cũng vì thế, những thực tại vật chất có thể trở thành phương thế diễn tả hoạt động của Thiên Chúa thánh hóa con người: dội nước, xức dầu, bẻ bánh. Trong Cựu Ước, dân Chúa lãnh nhận từ Thiên Chúa những dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt, diễn tả giao ước cũng như k?ông của Thiên Chúa. Có thể nhắc đến những dấu chỉ và biểu tượng: cắt bì, xức dầu, đặt tay, hiến lễ, và đặc biệt là lễ Vượt Qua. Khi Chúa Kitô đến, Ngài đã dùng những hình ảnh trong sinh hoạt đời thường của con người, để giúp họ hiểu về Nước Trời; Ngài đã thực hiện các phép lạ qua những cử chỉ biểu tượng và dấu chỉ thể lý. Ðồng thời Ngài mang lại ý nghĩa mới cho những dấu chỉ thời Cựu ước. Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục thực hiện công cuộc thánh hóa ngang qua các dấu chỉ Bí tích. Các dấu chỉ này được lấy ra từ sinh hoạt thiên nhiên và đời sống xã hội cũng như từ Cựu Ước, nhưng Hội Thánh thanh tẩy chúng để diễn tả và hiện tại hóa công cuộc cứu độ của Chúa Kitô.

2. Lời và hành động:

Cử hành Bí tích là thực hiện cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa là Cha, và chúng ta là con cái. Cuộc gặp gỡ và đối thoại ấy được thể hiện qua lời nói và hành động. Vì thế, trong cử hành Bí tích, phụng vụ Lời Chúa và những cử chỉ gắn liền với nhau: lời diễn tả ý nghĩa của hành động, và hành động thực hiện nội dung của lời. Ðể nuôi dưỡng đức tin của tín hữu, cần nhấn mạnh đến những dấu chỉ kèm theo việc công bố Lời như: Rước sách Lời Chúa, Nơi công bố Lời, bài giảng của chủ tế, lời đáp trả của cộng đoàn.

3. Thánh nhạc trong Phụng vụ:

Ngay từ trong Cựu Ước, cử hành Phụng vụ đã gắn liền với việc hát Thánh vịnh, cùng với nhạc khí kèm theo; và Hội Thánh tiếp nối truyền thống tốt đẹp này. Ðể thực hiện đúng chức năng của mình, Thánh nhạc phải hội đủ ba yếu tố cần thiết: giúp phát triển lời cầu nguyện, cổ võ sự đồng thanh nhất trí của cộng đoàn, và làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng (PV 112). Hội Thánh cũng khuyến khích việc đưa âm nhạc truyền thống của mỗi dân tộc vào cử hành phụng vụ, và nhờ đó cử hành phụng vụ sẽ sinh động và ích lợi hơn. "Phải quí trọng âm nhạc ấy đúng mức, và dành cho nó địa vị thích hợp; đồng thời đào tạo cho họ có một quan niệm tôn giáo, cũng như thích ứng năng khiếu của họ vào Phụng vu (PV 119).

4. Ảnh tượng:

Mục đích của ảnh tượng là để trình bày Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, và sứ điệp Tin Mừng của Ngài. Những ảnh tượng tôn kính Mẹ Maria và các Thánh cũng qui về mục đích ấy. Chiêm ngắm ảnh tượng cùng với suy gẫm Lời Chúa và hát thánh thi phụng vụ, tất cả tạo nên sự hài hòa nhằm đưa mầu nhiệm được cử hành vào sâu trong tâm khảm người tín hữu, để rồi được diễn đạt ra trong cuộc sống hằng ngày.

III. Cử hành khi nào?

1. Mùa Phụng vụ:

Ngay từ thời Cựu ước, dân Chúa đã có những ngày lễ cố định hằng năm để tưởng nhớ và tạ ơn Chúa vì những k?ông Ngài thực hiện; đồng thời giáo huấn các thế hệ sau. Hội Thánh hôm nay cũng cử hành phụng vụ vào những ngày cố định để tôn vinh mầu nhiệm Chúa Kitô, nhờ đó "Hội Thánh rộng mở cho các tín hữu sản nghiệp nhân đức và công nghiệp của Chúa, khiến cho những mầu nhiệm này có thể nói là hiện diện qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu tiếp xúc với mầu nhiệm đó sẽ được đầy tràn Ơn Cứu Chuộc" (PV 102).
2. Chúa Nhật:

Chúa Nhật là ngày của Chúa, ngày Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh. Vì Chúa Nhật có tầm quan trọng đặc biệt nên "phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc" (PV 106). Tâm điểm của Chúa Nhật là Thánh lễ "Trong ngày đó, các tín hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống lại và vinh quang của Ðức Giêsu; đồng thời cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã dùng sự phục sinh của Ðức Giêsu Kitô từ trong cõi chết, mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động" (PV 106).

3. Năm Phụng vụ:

Lễ Phục Sinh là cao điểm của năm Phụng Vụ, trong đó Hội Thánh cử hành hết sức trọng thể mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh, cùng với cuộc thương khó hồng phúc của Ngài. Ngoài ra, Hội Thánh còn "trình bày trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu k?ột năm, từ Nhập thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện xuống, cùng với sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến" (PV 102).

Như vậy, mỗi năm Phụng vụ, theo thứ tự, người tín hữu sẽ đi qua các Mùa:

  • Mùa Vọng
  •  Mùa Giáng Sinh
  •  Mùa Chay
  •  Mùa Phục Sinh
  •  Mùa Thường Niên.

Ngoài ra, trong Năm Phụng vụ, Hội Thánh còn "tôn vinh Ðức Maria vinh hiển - Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly". Ðồng thời Hội Thánh cũng kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác; qua đó, Hội Thánh công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các ngài và trình bày cho các tín hữu những gương mẫu tuyệt vời, lôi kéo họ đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô (PV 103-104).

4. Phụng vụ các giờ kinh:

Kinh Nhật tụng là tiếng nói của Hội Thánh, nghĩa là của toàn thể Nhiệm thể công cộng ngợi khen Thiên Chúa và cầu bầu cho phần rỗi của cả thế giới (PV 83-99). Ðồng thời Kinh Nhật tụng còn nhằm mục đích thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa (PV 84), và là nguồn đạo đức, của ăn cho kinh nguyện riêng tư. Vì thế, Kinh Nhật tụng chiếm vị trí quan trọng trong sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh. Ðể việc cử hành phụng vụ các giờ kinh mang lại kết quả phong phú, không những người đọc cần hòa hợp tâm trí với lời mình đọc, mà còn phải trau dồi kiến thức về phụng vụ và Kinh Thánh, nhất là về các Thánh Vịnh (PV 90).

IV. Cử hành ở đâu?

"Việc thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý" (Ga,4,24) không bắt buộc phải gắn bó với nơi chốn cố định nào. Vì chính Thân Mình Chúa Kitô Phục Sinh là đền thờ thiêng liêng, tuôn chảy dòng nước ban sự sống, nên khi các tín hữu tụ họp lại, liên kết với Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, họ trở thành đền thờ sống động của Thiên Chúa (x. 2Cr. 6,16). Tuy nhiên, khi hoàn cảnh cho phép, người tín hữu xây dựng các nhà thờ làm nơi thờ phượng. Nhà thờ là Nhà Cầu Nguyện, là nơi ở của Chúa, cụ thể hóa hình ảnh của Hội Thánh đang hiện diện nơi đó, và chính nơi đó Chúa Kitô hiện diện và hành động để cứu độ con người. Cuối cùng, nhà thờ mang ý nghĩa cánh chung. Nhà thờ là biểu trưng cho nhà Cha trên trời mà chúng ta đang đi tới. Bước qua ngưỡng cửa để vào bên trong, nhà thờ là biểu tượng cho việc đi từ thế giới tội lỗi mà vào đời sống mới. Vì thế, nhà thờ là nhà của mọi con cái Thiên Chúa, luôn luôn rộng mở và chào đón mọi người.

V. Sống tâm tình phụng vụ.

1. "Các hoạt động phụng vụ không phải là hoạt động riêng tư, nhưng là cử hành của Hội Thánh... phải quí chuộng việc cử hành cộng đồng hơn là cử hành đơn độc và có vẻ riêng tư" (PV 26,27) Như thế mỗi khi cử hành phụng vụ, cụ thể nhất là phụng vụ Thánh Lễ, chúng ta cần tham dự thật tích cực, bằng lời kinh, tiếng hát, những câu tung hô và cả những cử chỉ bên ngoài; để diễn tả ý nghĩa cộng đoàn của cử hành phụng vụ.

2. Thiên Chúa vẫn đến với ta qua những dấu chỉ. Hầu hết các gia đình công giáo đều trưng bày ảnh tượng Thánh trong nhà, để nhắc nhở mọi người về sự hiện diện của Chúa. Hơn thế nữa, nếu chúng ta nhậy bén, có thể nhận ra Chúa đang hiện diện qua nhiều dấu chỉ khác của đời thường: từ phong cảnh thiên nhiên đến nụ cười của trẻ thơ, nỗi đau của người nghèo... Tất cả đều có thể nhắc nhở ta về sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa.

 

Bài 29
BÍ TÍCH THÁNH TẨY
(x. SGLC từ 1213 đến 1284)

 

"Thật, tôi bảo thật ông: không có ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: Các ông cần được sinh ra bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết nó từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần khí mà sinh ra thì cũng vậy" (Ga 3, 15-16) "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 15, 15-16).

Bí tích Thánh Tẩy là bước đầu tiên trong hành trình gia nhập Kitô giáo. Ðời sống Kitô hữu chỉ thực sự bắt đầu với Thánh Tẩy. Bởi vì Bí tích Thánh tẩy là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô giáo, là cửa ngõ dẫn vào đời sống thần linh, và các Bí tích khác.

I. Ý nghĩa của Bí Tích Thánh Tẩy

Tên gọi "Thánh Tẩy" bắt nguồn từ nghi thức chính yếu của việc cử hành Bí tích này: người dự tòng được "dìm xuống nước", "ngụp lặn trong nước hay được đổ nước trên đầu, nói lên ý nghĩa được mai táng với Ðức Giêsu trong cái chết, để được sống lại với Người, trở thành "thọ tạo mới" (2Cr 5,17; G1 6,5). Ðây cũng là "Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới" (Tt 3,5). Nhờ "sinh ra bởi nước và Thần Khí", người được rửa tội nhận được "Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người (Ga 1,9), họ trở thành "con cái ánh sáng (1Tx 5,5) và là ánh sáng" (Ep 5,8).

II. Bí tích Thánh tẩy trong công cuộc cứu rỗi.

Trong Phụng vụ Ðêm Vọng Phục Sinh, khi thánh hóa nước rửa tội, Hội Thánh nhắc lại những biến cố lớn trong lịch sử cứu độ, báo trước Bí tích Thánh tẩy. Ngay từ buổi đầu sáng thế, Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên nước, để ban cho nước có khả năng phát sinh sự sống (x. St 1,1-2). Nước đại hồng thủy vừa hủy diệt tội lỗi, vừa cứu thoát gia đình ông Nôê. Hội Thánh thấy con tàu Nôê báo trước ơn cứu độ nhờ Bí tích Thánh tẩy. Nước Biển Ðỏ đã giết chết dân tội lỗi, và giải thoát dân Thiên Chúa (x. Xh 14, 1-31). "Chúa đã giải thoát con cháu Abraham khỏi vòng nô lệ, mà dẫn qua Biển Ðỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được Thánh tẩy sau này" (Vọng Phục Sinh, làm phép Nước Rửa Tội).

Nước tượng trưng cho sự sống, nhưng nước cũng tượng trưng cho sự chết. Bởi vậy, nước Thánh Tẩy có thể tượng trưng cho Mầu Nhiệm Vượt Qua: được rửa tội là cùng chết với Ðức Kitô, và cùng sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Ðức Giêsu đã đến để thực hiện và hoàn tất những hình ảnh về Bí tích Thánh Tẩy được loan báo trong Cựu Ước. Người đã tự nguyện hạ mình để cho ông Gioan làm phép rửa tại sông Giođan, hầu báo trước Bí tích Thánh Tẩy mà Người sẽ thiết lập trong mầu nhiệm Phục Sinh. Máu và Nước từ cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh trên thập giá (x.Ga 19,3-4) ám chỉ Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể. Và từ giây phút ấy, chúng ta có thể được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" để "có thể được vào Nước Thiên Chúa" (Ga 3,5.)

Ngay từ Lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành Bí tích Thánh Tẩy (x. Cv 2,38), sau đó các tông đồ và những cộng tác viên đã ban phép Thánh tẩy cho tất cả những ai kính Ðức Giêsu: người Do Thái cũng như người ngoại giáo (x. Cv 2,41; 8, 12-13; 10, 48; 16, 15).

III. Sự cần thiết của Bí tích Thánh tẩy

Chính Ðức Giêsu khẳng định Bí tích Thánh tẩy là cần thiết để được cứu độ (x. Ga 3,5), và Hội Thánh cũng quả quyết theo Chúa mình, vì Hội Thánh không có phương thế nào khác ngoài Bí tích Thánh tẩy, bảo đảm cho con người được hưởng hạnh phúc đời đời. Vì thế, Thánh tẩy được coi là Bí tích quan trọng nhất, và cần thiết nhất, mặc dù không cao trọng bằng bằng Bí tích Thánh Thể.

Cha mẹ Kitô giáo phải lo cho con cái sinh ra được rửa tội trong vòng một tháng. Thừa tác viên thông thường của Bí tích Thánh Tẩy là Giám mục, Linh mục và Phó tế. Trong trường hợp khẩn thiết, thì bất cứ ai (kể cả người ngoại) cũng có thể rửa tội, miễn là có ý muốn làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội, và sử dụng công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.

Tuy nhiên không chỉ có Thánh Tẩy bằng nước mới đưa đến ơn cứu độ: đây là đường lối chính thức và thông thường. "Thiên Chúa đã liên kết ơn cứu độ với Bí tích Thánh Tẩy, nhưng chính Người không bị các bí tích ràng buộc". Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người (x. 1Tm 2,4) nên ai sống theo lương tâm và thi hành ý muốn Thiên Chúa, cũng có thể được cứu độ (x. GH 16). "Vì Chúa Kitô đã chết cho tất cả, và vì mọi người chỉ có một ơn gọi cuối cùng là kết hợp với Thiên Chúa, nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh, cách nào đó, chỉ có Chúa biết thôi" (MV 22). Những người chịu chết vì đức tin mà chưa được rửa tội, thì được coi như Thánh Tẩy bằng máu (thí dụ các Thánh Anh Hài). Những người ước muốn được Thánh tẩy, dù chưa theo đạo hay đang thời kỳ dự tòng, mà chết trước khi được toại nguyện, được kể vào trường hợp Thánh tẩy bằng ước muốn. Riêng các trẻ em chết mà chưa được rửa tội, Hội Thánh tin tưởng phó thác các em cho lòng thương xót của Thiên Chúa, và hy vọng có một con đường cứu độ dành cho các em (x. Nghi thức an táng trẻ nhỏ).

IV. Ân sủng của Bí tích Thánh tẩy.

Người Kitô hữu đã chịu Thánh tẩy là người đã chết cho tội lỗi để sống cho Thiên Chúa (x. Rm 6,11), do vậy hai hiệu quả chính của Bí tích Thanh tẩy là rửa sạch tội lỗi và sinh lại trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Ga 3,5).

• Ðược tha thứ tội lỗi: Mọi tội lỗi đều được tha: tội nguyên tổ, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội. Tuy nhiên, vẫn còn đau khổ, bệnh tật, yếu đuối và sự hướng chiều về tội lỗi. vì thế, cuộc sống Kitô hữu là cuộc chiến đấu cam go và liên tục, chống lại tội lỗi và các khuynh hướng xấu.

• Trở nên thụ tạo mới: (x. 2Cr 5,7) Bí tích Thánh tẩy làm cho một người thành một con người mới, thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. G1 4,5-7) "được thông phần bản tính Thiên Chúa" 2Pr 1,4), thành chi thể của Chúa Kitô (x. 1Cr 6,19; 12,27), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x 1Cr 6,19). Thiên Chúa Ba Ngôi ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa và ơn công chính hóa, cùng với ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, các hồng ân Chúa Thánh Thần, và các nhân đức khác. Tất cả đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ Bí tích Thánh tẩy.

• Tháp nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô: Bí tích Thánh tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô, là Hội Thánh (x. 1Cr 12,13) "thành những viên đá sống động... để xây nên đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế Thánh" (x 1pr 2,5). Họ tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Trở thành phần tử của Hội Thánh, người Kitô hữu liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô và với anh em. Họ được quyền lãnh nhận các Bí tích sự sống, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh trợ giúp thiêng liêng. Ðồng thời họ có bổn phận xây dựng Hội Thánh bằng tình hiệp thông và phục vụ nhau, vâng lời các vị lãnh đạo, tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của dân Thiên Chúa (x. GH 17; TG 7,23). Cũng phải nói thêm là: Bí tích Thánh tẩy không chỉ là mối giây hiệp nhất giữa những người Công giáo, mà còn giữa tất cả các Kitô hữu, những anh em Chính Thống, Tin Lành và Anh giáo, đã được rửa tội đúng phép, nhưng chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công giáo.

• Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa: Ðược trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Kitô (x Rm 8,29) nhờ Thánh Tẩy, người Kitô hữu được ghi một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa. Vì thế, mỗi người chỉ nhận Bí tích Thánh tẩy một lần mà thôi. Dấu ấn này xác nhận người Kitô hữu thuộc về Chúa Kitô, hiến thánh họ để thi hành chức tư tế cộng đồng bằng việc tham dự vào việc phụng vụ của Hội Thánh, bằng đời sống thánh thiện và chứng nhân. Người Kitô hữu phải gìn giữ dấu ấn này cho đến cùng, nghĩa là trung thành với những đòi hỏi của Bí tích Thánh Tẩy, để được hưởng sự sống và vinh quang Thiên Chúa.

V. Cử hành Bí tích Thánh tẩy

Ý nghĩa và ân sủng của Bí tích Thánh tẩy được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Qua các cử chỉ và lời nói, chúng ta hiểu được sự phong phú mà Bí tích biểu thị và thực hiện nơi người tân tòng.

• Dấu Thánh giá được ghi trên trán người dự tòng, cho thấy họ thuộc về Chúa Kitô, Ðấng cứu chuộc nhân loại nhờ Thánh Giá.

• Việc công bố Lời Chúa soi sáng Người dự tòng và cộng đoàn, đồng thời gợi lên lời đáp trả của đức tin.

•  Lời nguyện trừ tà được vị chủ sự đọc cùng với việc xức dầu dự tòng giải thoát họ khỏi tội lỗi và khỏi ma quỉ, rồi họ công khai từ bỏ Xatan.

•  Nước rửa tội được thánh hiến nhờ quyền năng Thánh Thần, để người dự tòng được "sinh ra bởi nước và Thần Khí" (Ga 3,5).

•  Nghi thức chính yếu là đổ nước ba lần trên đầu người dự tòng (hoặc dìm xuống ba lần) nói lên và thực hiện việc chết đối với tội lỗi, và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

• Việc xức dầu Thánh làm cho người tân tòng trở nên Kitô hữu, nghĩa là "được xức dầu" bằng Chúa Thánh Thần, để tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô.

• Áo trắng trao cho người tân tòng, tượng trưng "mặc lấy Chúa Kitô" (G1 3,27).

• Nến sáng được thắp từ cây nến Phục Sinh, biểu thị Chúa Kitô soi sáng người tân tòng, và nhờ đó trở thành "ánh sáng cho trần gian" (mt 5,14); xP1 2,15).

• Sau cùng là Kinh Lạy Cha và phép lành trọng thể.

 


VI. Ai có thể nhận lãnh Bí tích Thánh tẩy?

Tất cả những người chưa được rửa tội đều có thể nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy. Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh Công giáo thường được ban cho người lớn cũng như trẻ em.

a. Rửa tội cho người lớn:

Ngay từ thời các tông đồ, người lớn nhập đạo phải trải qua thời kỳ dự tòng gồm nhiều giai đoạn. Công đồng Vatican II đã tái lập thời kỳ dự tòng dành cho người lớn (x. Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn - 1972). Thời kỳ dự tòng hoặc thời gian huấn luyện gồm việc dạy giáo lý kèm theo những nghi thức phụng vụ, có mục đích giúp đương sự đáp lại lời mời cứu độ của Thiên Chúa, và hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh, hoán cải và tiến đến một đức tin trưởng thành, để sẵn sàng nhận lãnh ba Bí Tích nhập đạo. "Ðây chính là thời gian huấn luyện đời sống Kitô giáo đầy đủ... để nhờ đó, môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Các người dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin phụng vụ và bác ái của dân Chúa" (x. PV 64-65).

b. Rửa tội cho trẻ em:

Có nhiều người đề nghị hoãn việc rửa tội cho trẻ sơ sinh tới khi chúng biết lựa chọn và ý thức được điều cam kết. Truyền thống rửa tội cho trẻ em được Hội Thánh xác nhận là bắt đầu từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ đầu, các Tông đồ cũng đã rửa tội cho trẻ em, khi có những gia đình mà "cả nhà" đều chịu phép rửa (x. Cv 16, 15 .. 33; 18,8; 1Cr 1,16). Cả người lớn lẫn trẻ em đều cần được tẩy xóa tội lỗi, và sinh ra trong đời sống mới, nhờ Bí tích Thánh tẩy. Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn toàn nhưng không cho con người, cho nên nếu không cho trẻ em lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy để trở nên con cái Thiên Chúa là một thiệt thòi rất lớn. Do đó, Hội Thánh và cha mẹ phải lo cho các em được rửa tội càng sớm càng tốt sau khi sinh (x. G1 8,67).

VII. Ðức tin và Bí tích Thánh tẩy

Cũng như mọi Bí tích, Bí tích Thánh tẩy là Bí tích Ðức tin. Bí tích Thánh Tẩy không những đòi hỏi phải có đức tin để lãnh nhận, mà còn thông ban đức tin. Hội Thánh ban Thánh tẩy cho trẻ nhỏ dựa trên đức tin của cộng đoàn, nhất là của cha mẹ và người đỡ đầu. Dù là của người lớn hay của trẻ nhỏ, đức tin của mỗi người tín hữu đều khơi nguồn và gắn liền với đức tin của Hội Thánh. Ðức tin của những người đã được rửa tội chỉ mới là mầm mống và khởi đầu, cần được lớn lên tới mức trưởng thành. Cha mẹ và người đỡ đầu được Hội Thánh trao cho trách nhiệm giúp đỡ những người đã được rửa tội (người lớn cũng như trẻ nhỏ) để ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy được phát triển. Họ phải dùng lời nói cũng như gương sáng của một đời sống đạo tốt lành, để giúp đỡ con cái hay con đỡ đầu. Hơn nữa, họ còn phải lo cho con cái hay con đỡ đầu được theo học giáo lý thích hợp với hoàn cảnh và tuổi tác. Toàn thể cộng đoàn Hội Thánh cũng có phần trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát triển ơn Thánh tẩy. Vì thế, hằng năm trong Ðêm Vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội.

VIII. Sống Bí tích Thánh tẩy

Người Kitô hữu chỉ lãnh nhận Thánh tẩy một lần trong đời, nhưng họ phải cố gắng sống ơn Thánh tẩy suốt cuộc đời. Sống ơn Thánh tẩy là nên Thánh. Công Ðồng Vatican II đã kêu gọi mọi tín hữu nên Thánh như sau: "Ðược Thiên Chúa kêu gọi, và được công chính hóa trong Ðức Giêsu.... các môn đệ Chúa Kitô, nhờ lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, bí tích Ðức Tin, đã thực sự trở nên con cái Thiên Chúa, và được thông phần vào bản tính Người. Và do đó, thực sự đã trở nên Thánh. Cho nên với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được thánh Tông đồ khuyên:

 • Sống xứng đáng là các Thánh (Ep. 5,3).

 • "Là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại" (C1 3,12).

 • Và dùng hoa trái của Thánh Thần để thánh hóa mình (x. G1 5,22; Rm 6,22). "Nhưng vì chúng ta ai cũng có nhiều lỗi lầm (x. Gc 3,2) nên chúng ta luôn cần đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, và hằng ngày phải cầu nguyện "xin tha nợ chúng con" (Mt 6,12). Ðể đạt tới sự trọn lành đó, tín hữu phải sử dụng những sức lực mà Chúa Kitô đã ban, nhiều ít tùy ý Người, để nên giống Người khi theo vết chân Người, và khi thực hành thánh ý Chúa Cha trong tất cả mọi sự, họ sẽ hết lòng tìm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân. (GH 40).

 


Bài 30
BÍ TÍCH THÊM SỨC
(x. SGLC từ 1285 đến 1321)

 

"Nhờ ơn Bí tích Thêm sức, tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn, và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô". (GH 11).

Cũng như sự sống tự nhiên của thân xác, sự sống thần linh của người Kitô hữu do phép Thánh tẩy, cần lớn lên và đạt tới mức trưởng thành (x. Ep 4,13; C1 1,28). Bí tích Thêm sức được coi là Bí tích trưởng thành của đời sống Kitô hữu. Bí tích Thêm Sức củng cố và hoàn tất những hiệu quả của Bí tích Thánh tẩy. Cả hai Bí tích này biệt lập với nhau, nhưng bổ túc cho nhau và cùng với Bí tích Thánh Thể, làm nên bộ ba, hoàn thành hành trình gia nhập Kitô giáo.

I. Nguồn gốc Bí tích Thêm Sức.

Ðược thụ thai bởi Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria, và được Chúa Thánh Thần ngự xuống khi chịu phép rửa tại sông Giođan, lúc khai mạc cuộc đời hoạt động công khai, Ðức Giêsu luôn hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần nơi bản thân, cũng như khi thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ðiều này chứng tỏ Ðức Giêsu chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến, Ðấng Mêsia (x. Mt 3,13-17); Ga 1,33-34). Nhưng Ðức Giêsu không lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần cho riêng mình, mà còn cho tất cả những ai tin vào Người: đó là dân của Ðấng Mêsia (x. Ed 36, 25-27; Ge 3, 1-2). Vì thế, Chúa Phục Sinh đã thông ban Thánh Thần cho các Tông Ðồ vào buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, và tràn đổ ơn Thánh Thần cách đặc biệt vào ngày lễ Ngũ Tuần như Người đã hứa (x. Cv 2,1-4). Sau đó, để thi hành ý muốn của Chúa Kitô, các Tông đồ đã đặt tay trên những người mới theo đạo, để ban Chúa Thánh Thần, nhằm hoàn tất ơn Thánh Tẩy (x. Cv 8, 15-17; 19, 5-6). Việc đặt tay ban Thánh Thần của các Tông Ðồ, được coi là nguồn gốc Bí tích Thêm Sức trong Hội Thánh. Sau đó, một thời gian việc xức dầu thánh được thêm vào cùng với việc đặt tay. Cả hai nghi thức này làm nên thành phần chủ yếu của Bí Tích Thêm Sức.

II. Nghi thức và thừa tác viên của Bí tích Thêm Sức.

Nghi thức Bí Tích Thêm Sức chính yếu ở việc xức Dầu Thánh trên trán người đã chịu Thánh Tẩy, và việc đặt tay cùng với lời đọc: "Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần".
Việc xức dầu nói lên ý nghĩa của tên gọi Kitô hữu (Người được xức dầu) bắt nguồn từ Chúa Kitô, "Ðấng được xức dầu", vì "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người" (Cv 10,38). Từ thời xa xưa, việc xức dầu mang nhiều tính biểu tượng. Dầu có sức thanh tẩy, chữa lành và tăng thêm sức mạnh. Trong Cựu ước, các vua và các tư tế đều được xức dầu tấn phong. Chúa Kitô là "Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận" (Ga 6,27), nên người Kitô hữu cũng được ghi dấu ấn của Chúa Thánh Thần, nhờ việc xức dầu, để xác nhận người đó hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô, và sống cho Người, đồng thời được Thiên Chúa bảo đảm trong cơn thử thách của ngày tận thế. Dấu ấn này thiêng liêng và không thể tẩy xóa, nên người Kitô hữu chỉ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức một lần trong đời mà thôi.

Trước nghi thức chủ yếu của Bí tích Thêm Sức, Ðức Giám mục giơ hai tay trên những người lãnh nhận bí tích này. Cử chỉ này là dấu hiệu ban Chúa Thánh Thần, có nguồn gốc từ thời các Tông đồ. Kết thúc nghi thức Bí tích Thêm Sức là cái hôn bình an (ở Việt Nam, thường là cái vả nhẹ lên má), nói lên và bày tỏ mối hiệp thông với Ðức Giám mục, và với tất cả mọi tín hữu.

Thừa tác viên chính thức và thông thường của Bí tích Thêm Sức là các Ðức Giám mục, và khi có lý do chính đáng, các giám mục có thể ủy quyền cho các Linh mục. Khi một linh mục rửa tội cho người lớn, thì cũng chính linh mục đó có quyền ban Phép Thêm Sức trong cùng một lần cử hành duy nhất. Nếu một Kitô hữu có nguy cơ tử vong, thì bất cứ linh mục nào cũng phải ban phép Thêm Sức cho người đó.

III. Hiệu quả Bí tích Thêm Sức.

Bất cứ Bí tích nào cũng ban ơn Chúa Thánh Thần, nhưng trong Bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên các người lãnh nhận, cũng như xưa đã xuống trên các Tông đồ ngày lễ Ngũ Tuần. Như vậy, Bí tích Thêm Sức đào sâu và làm cho lớn lên ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy:

            •Ơn làm con cái Thiên Chúa nhờ Thánh tẩy, được sâu xa và bảo đảm hơn,

            • Làm tăng thêm những ân huệ của Chúa Thánh Thần,

            • Gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn,

            • Kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô,

            • Và làm thành chứng nhân của Chúa Kitô, để bảo vệ và ban truyền đức tin bằng lời nói và việc làm, để can đảm tuyên xưng Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh.

IV. Ðiều kiện lãnh nhận Bí tích Thêm Sức

Tất cả những người đã chịu Thánh Tẩy đều có thể và phải lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, để việc gia nhập Kitô giáo được hoàn tất. Tuy nhiên, để lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức cách hiệu quả, cần có những điều kiện sau đây:

• Người lãnh nhận đã đến tuổi khôn, tức là tuổi biết phân biệt lành dữ. Bí tích Thêm Sức được gọi là "Bí tích trưởng thành Kitô giáo". Nhưng cũng nên lưu ý rằng: trưởng thành siêu nhiên là do ơn Chúa, không nhất thiết lệ thuộc vào sự trưởng thành tự nhiên của tuổi tác.

• Phải học giáo lý một thời gian để chuẩn bị lãnh Thêm sức. Giáo lý Thêm Sức nhằm dẫn đưa người Kitô hữu kết hợp với Chúa Kitô thân mật hơn, yêu mến và sẵn sàng với tiếng gọi của Chúa Thánh Thần, ý thức và sống mầu nhiệm hiệp thông với Hội Thánh toàn cầu, và cụ thể là với cộng đoàn giáo xứ.

• Phải ở tình trạng ân sủng, không vướng mắc tội nặng. Tốt hơn là nên đi xưng tội, và tha thiết cầu nguyện, để có thể lãnh nhận ân sủng Chúa Thánh Thần cách thích hợp.

• Ngoài ra, cần chọn một người làm cha hay mẹ đỡ đầu, để nâng đỡ đời sống đức tin. Nên giữ lại cha hoặc mẹ đỡ đầu khi chịu Thánh Tẩy, để nêu rõ tính thống nhất của hai bí tích này.

V. Bổn phận của những người đã lãnh bí tích Thêm sức

Nhờ Bí tích Thêm Sức, người Kitô hữu được tăng cường sức mạnh để bảo vệ và mở rộng đức tin của mình. Việc đọc và suy gẫm Lời Chúa thường xuyên, không những nuôi dưỡng mà còn phát triển đức tin nơi người Kitô hữu. Trung thành và thường xuyên đến với cộng đoàn Hội Thánh trong các cử hành Phụng vụ (x. Dt 10,25), nhất là cộng đoàn Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, đó là cách liên kết với Hội Thánh có hiệu quả, để duy trì và phát triển đức tin. Tham gia các hội đoàn, hoặc lãnh nhận một công việc phục vụ trong giáo xứ (như dạy giáo lý), sẽ giúp người Kitô hữu thi hành bổn phận Thêm Sức.

Ngoài ra, người đã lãnh Thêm Sức cũng có bổn phận làm tông đồ, nghĩa là làm cho người khác nhận biết, yêu mến và phục vụ Chúa Kitô, đối với những người cùng đức tin, cũng như với những người chưa tin. "Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt" (Dt 10,24). "Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô, và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên, có sức lôi kéo người ta đến đức tin, và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5,16). Tuy nhiên, việc tông đồ này không chỉ tại ở việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin, để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn, vì "tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2Cr 5,14) (TÐ 6).

  

Bài 31
B Í TÍCH THÁNH THỂ
(x. SGLC từ 1322 đến 1344)

 

"Trong bữa tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu chuộc chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng Mình Máu Người, để nối dài Hy tế Khổ giá qua các thời đại, cho tới khi Người lại đến, và để trao cho Hội Thánh, hiền thê yêu quí của Người, việc tưởng niệm sự chết và sống lại của Người: đó là Bí tích Tình Yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái. Bữa tiệc Vượt Qua trong đó Chúa Kitô được tiếp nhận như lương thực, tâm hồn được tràn đầy ân sủng, và ta có đảm bảo được vinh quang tương lai" (PV 47).

I. Bí tích Thánh Thể: nguồn suối và chóp đỉnh đời sống Hội thánh.

Ngày Chúa Nhật người ta thấy Kitô hữu tấp nập tới nhà thờ dự lễ. Đó là một sinh hoạt nổi bật và thường xuyên trong đời sống Kitô hữu. Vì dự lễ là cử hành Bí tích Thánh Thể, cử hành chính Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, tâm điểm của kế hoạch cứu độ. Thực vậy, "các bí tích khác cũng như tác vụ trong Hội Thánh, và các nhiệm vụ tông đồ, đều liên kết và qui hướng về Bí tích Thánh Thể; vì Bí tích ấy chứa đựng toàn kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, là chính Chúa Kitô, Mầu nhiệm Vượt Qua của chúng ta. Người là Bánh Hằng Sống ban sự sống cho nhân loại" (LM 5). Bí tích Thánh Thể còn là chóp đỉnh toàn thể việc Phúc Âm hóa (x. LM 5). Phúc Âm hóa là sứ mệnh của Hội Thánh, Hội Thánh phải loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa, nghĩa là loan báo và xây dựng sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người và vũ trụ vạn vật. Thế mà Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa thực hiện sự hiệp thông với Thiên Chúa, và sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa, nhờ đó mà Hội Thánh thực sự là Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể vừa là tuyệt đỉnh của hành động Thiên Chúa thánh hóa thế giới trong Chúa Kitô, vừa là tuyệt đỉnh của việc tôn thờ mà loài người nhờ Chúa Thánh Thần dâng lên Chúa Kitô, và nhờ Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha.

II. Bí tích Thánh Thể là gì?

Bí tích Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô, và là chóp đỉnh sứ vụ của Hội Thánh, nên chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và phong phú, không thể hiểu hết được. Hội Thánh dã luôn tuyên xưng: "Đây là mầu nhiệm Đức Tin". Tuy nhiên ta có thể hiểu được một số khía cạnh chính của Bí tích, nhờ các tên quen dùng để gọi Bí tích ấy, như:

1. Lễ tạ ơn (1Cr 11,24), vì dân Do Thái quen chúc tụng cảm tạ, thường là trong bữa ăn, để ca ngợi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện, như sáng tạo, cứu độ, thánh hóa.

2. Tiệc của Chúa (1Cr 11,20), vì nhớ đến bữa Tiệc ly Chúa đã dự với các Tông đồ trước khi chịu khổ nạn, và cũng nhắc tới bữa tiệc cưới của Chiên Con trong Nước Trời (Kh 19,9).

3. Lễ Bẻ Bánh (Cv 2,42), vì cử chỉ này Đức Giêsu thường làm khi chúc lành và chia Bánh (Mt 14,19), nhất là trong Bữa Tiệc Ly (Mt 26,26), và khi hiện ra với hai môn đệ đi về Emmau (Lc 24,30).

4. Hội họp Tạ ơn (1Cr 11, 17.33) nói đến việc các tín hữu họp lại thành cộng đoàn, để cử hành Thánh lễ Tạ Ơn. Đó là dấu chỉ hữu hình về Hội Thánh.

5. Cuộc tưởng niệm (1Cr 11,25) để nhắc nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, là Mầu nhiệm Vượt Qua, tâm điểm của lịch sử cứu độ.

6. Hiến tế, Thánh Lễ, Hiến tế Tạ Ơn... Vì Bí tích Thánh thể hiện tại hóa hiến tế độc nhất của Chúa Kitô, để Hội Thánh có thể cùng dâng lên Thiên Chúa (Dt 13,15).

7. Phụng vụ Thánh, Mầu nhiệm Thánh, Mầu Nhiệm Đức tin (SGLC 1330), vì việc cử hành Bí tích Thánh Thể vừa là tâm điểm của toàn thể đời sống Phụng vụ, vừa diễn đạt Phụng vụ một cách cô đọng nhất. Tuy nhiên, Bí tích Thánh Thể vẫn luôn là mầu nhiệm Đức Tin.

8. Hiệp thông, Hiệp lễ (1Cr 10, 16-17) Vì Bí Tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ sự hiệp thông, vừa là dụng cụ để hiệp thông con người với Chúa Kitô. Khi rước lễ hay hiệp lễ là ta được thông phần Mình và Máu Chúa, để trở thành một Thân Thể. Ta còn được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và với mọi người nữa.

9. Lễ Misa (tiếng Latinh là Missa, lấy trong lời chúc kết lễ: Ite Missa est), vì việc cử hành Mầu nhiệm Cứa độ trong Phụng vụ được kết thúc bằng việc sai các tín hữu đi vào cuộc sống thường ngày, để thực thi ý Chúa. Theo Hiến chế về Phụng vụ, Chúa Kitô đã lập Bí tích Thánh Thể để ủy thác cho Hội Thánh:

  • Việc tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Người,
  • Bí tích Tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái,
  • Bữa tiệc Vượt Qua, trong đó khi rước chúa, tâm hồn được đầy ơn sủng và
  • Đảm bảo cho ta được vinh quang tương lai (PV 47).

 
III. Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể

1. Khi nào? Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh thể trong Bữa Tiệc sau hết với các Tông đồ, cũng là Tiệc Vượt Qua của người Do Thái, trước khi Người chịu khổ hình (x. Lc 22,14-16).

2.  Thế nào? Bài tường thuật của Thánh Phaolô là văn kiện Tân ước tiên khởi cho biết: "Trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy" (1Cr 11, 23-25).

IV. Đức Giêsu ban quyền cử hành Bí tích Thánh Thể.

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu đã truyền cho các Tông đồ rằng: "Hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ Thầy". Người không chỉ muốn các Ngài tưởng niệm Người, cũng như công việc Người làm mà thôi, nhưng theo ý nghĩa của Tân Ước, tưởng niệm vừa là nhớ đến, vừa là hiện tại hóa điều mình tưởng niệm. Như thế, Người muốn để hiến tế Người dâng chỉ một lần trên thập giá được hiện tại hóa, và công trình cứu độ được thực hiện (x. GH 3). Nhờ các tông đồ, Người đã làm cho các Giám mục, những vị kế nghiệp các tông đồ, có thể tham dự vào cuộc thánh hiến, và vào sứ mệnh của Người. Các giám mục lại trao nhiệm vụ thừa tác của mình một cách hợp pháp cho các Linh mục. Giám mục và Linh mục trở thành tư tế đích thực của Giao ước mới. (x. GH 28). Đức Giêsu đã ban quyền cử hành Bí Tích Thánh thể cho các tông đồ và các vị kế nghiệp các tông đồ là các Giám Mục. Các giám mục lại trao quyền cho các linh mục qua Bí Tích Truyền Chức. Do đó, chỉ các linh mục được phong chức thành sự mới có thể chủ sự để cử hành Bí tích Thánh Thể, và thánh hiến bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa.

V. Đức Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể

1. Khi nào? Đức Giêsu ngự trong hình bánh hình rượu khi Truyền Phép, và Người ngự ở đó bao lâu hình bánh hình rượu còn.

2. Thế nào? Đức Giêsu Kitô hiện diện bằng nhiều cách: trong Lời Chúa, trong kinh nguyện của Hội Thánh "Khi có hai ba người họp lại nhân danh Thầy" (Mt 18,20), trong người nghèo, bệnh nhân, tù nhân (Mt 25, 31-46), trong các bí tích mà Người thiết lập, trong Thánh lễ và trong bản thân thừa tác viên. Nhưng ở đỉnh cao nhất là Người hiện diện trong hình bánh rượu (PV 7).

Cách Người hiện diện như thế chỉ có một không hai. "Bí tích Thánh Thể chứa đựng thực sự Mình và Máu cùng linh hồn và thiên tính của Đức Giêsu Kitô, nghĩa là trọn vẹn Chúa Kitô" (DS 1651). Nhờ Lời Chúa Kitô và tác động Chúa Thánh Thần khi truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, và Chúa Kitô hiện diện trong đó. "Tất cả bản thể bánh được biến đổi thành bản thể Mình Chúa Kitô, và tất cả bản thể rượu thành bản thể Máu của Người; sự biến đổi này được Hội Thánh Công Giáo gọi một cách chính xác là biến bản thể (DS 1642). "Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn trong mỗi hình, và trọn vẹn trong mỗi phần nhỏ của hình bánh, hình rượu, đến nỗi có bẻ bánh cũng không chia Chúa Kitô được" (x. DS 1641).

VI. Kitô hữu với Bí tích Thánh Thể

Kitô giáo là đạo dẫn đưa con người vào mối hiệp thông với Chúa Kitô, nhờ đó được hiệp thông với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ vạn vật trong tình yêu và hạnh phúc. Kitô giáo lại có Bí tích Thánh Thể do Chúa Kitô thiết lập, để Bí tích này vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa là phương thế xây dựng và bảo tồn sự hiệp thông kể trên. Bí tích Thánh Thể thực là mầu nhiệm Đức Tin. Vì thế, Kitô hữu cần tìm hiểu suy niệm mỗi ngày sâu sắc hơn, để có thái độ thích đáng đối với Bí tích cao quí tuyệt vời này.

1. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu: "Hội Thánh hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào Mầu nhiệm Đức Tin này, không như những khách bàng quan câm lặng, nhưng là những người thấu đạt mầu nhiệm đó" (PV 48). Kitô hữu phải nhờ các nghi lễ, các kinh nguyện, Lời Chúa, và nhất là hiệp thông với Thánh Thể Chúa, để ngày càng cảm nghiệm hơn rằng:

• Tình yêu Chúa Kitô là cao sâu, vì Người là Thiên Chúa mà lại muốn cho ta là người phàm được hiệp thông với Người, Người còn lập Bí tích Thánh Thể để ta hiệp thông với Người cách dễ dàng hơn. Nhờ đó, ta được "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2Pr 1,4).

• Tình yêu Người thật là rộng lớn, vì Người mời gọi tất cả mọi người thuộc mọi dân nước, không phân biệt giai cấp xã hội, không phân biệt chủng tộc hay màu da; bất cứ ai đều có thể tiếp nhận Người thật trọn vẹn, để được cứu độ (x. GH 13).

• Tình yêu Người thật chung thủy vững bền, vì từng giây từng phút, suốt dòng lịch sử, Người hằng ở cùng chúng ta cho tới ngày cánh chung (Mt 28,20). - Tình yêu Người còn đi đến tận cùng (Ga 13,1) của lòng yêu mến, yêu đến chết "để làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45), để họ được sống bởi Người (Ga 6,57), được sự sống đời đời (Ga 6,51), và còn được sống lại ngày sau hết (Ga 6,54), để hưởng hạnh phúc vĩnh hằng (MV 39).

2. Kitô hữu tôn thờ Bí tích Thánh Thể: Đối với Bí Tích Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin, và là Bí tích Tình Yêu, Hội Thánh mời gọi Kitô hữu lấy tình yêu đáp trả lại bằng việc tôn thờ Thánh Thể Chúa. Tôn thờ là yêu mến tha thiết, là nhìn nhận mình chỉ là thụ tạo trước Đấng Sáng Tạo toàn năng và cao cả, để thờ lạy, cảm tạ, tôn vinh, và hoàn toàn vâng phục ý Người. Tôn thờ Thánh Thể trong Phụng vụ Thánh Lễ là biểu lộ niềm tin Chúa hiện diện trong hình Bánh Rượu, bằng thái độ quì gối hoặc bái sâu. Và đỉnh cao nhất của lòng yêu mến tôn thờ là hiệp thông với Chúa bằng "ăn thịt và uống Máu Người" (Ga 6,56) (Rước Lễ), hoặc ước ao hiệp thông với Người (Rước lễ thiêng liêng). Ngoài Thánh Lễ, Hội Thánh còn hết sức cẩn thận gìn giữ Mình Thánh, để đem cho các tín hữu tôn thờ trọng thể (Chầu Mình Thánh, Giờ Thánh), hoặc kiệu Thánh Thể long trọng, hoặc để trao cho các bệnh nhân hay những người vắng mặt. Việc viếng Thánh Thể cũng là bằng chứng lòng biết ơn, là dấu chỉ tình yêu, và là bổn phận tôn thờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta. (SGLC 1418).

 

Bài 32  THÁNH LỄ
(x. SGLC từ 1345 đến 1419)

 

"Điều tôi đã lãnh nhận từ Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn... đây là Mình Thầy hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao ước mới: mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa" (1Cr 11, 23-27). "Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6, 54).

Trong Thánh Lễ, Đức Giêsu dâng Mình lên Thiên Chúa Cha làm lễ vật giao hòa, và ban Mình làm lương thực nuôi sống các tín hữu. Thánh Lễ vừa là hiến tế, vừa là Tiệc Thánh.

I. Thánh lễ là Hiến tế của Chúa Kitô.

Đức Giêsu đã hiến dâng chính mình trên thập giá, làm lễ tế hy sinh, để đền tội cho muôn dân, và "chỉ dâng một lần là đủ" (Dt 7,27). Nhưng Người muốn nối dài hiến tế thập giá trong Thánh Lễ, để liên kết chúng ta và chi thể của Người vào hiến tế độc nhất vô song của Người. Tính chất hiến tế thể hiện rõ trong những lời truyền phép: "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". "Này là chén Máu Thầy, Máu Giao ước mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội" (Lc 22, 19-20). Chúa Kitô dâng mình trên thập giá cũng chính là Chúa Kitô được Hội Thánh hiến dâng trong Thánh Lễ, nhờ thừa tác vụ Linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng: "Ngày xưa, Chúa Kitô dâng chính mình trên bàn thờ thập giá cách đẫm máu; trong Thánh Lễ, hy tế thần linh cũng là Chúa Kitô, nhưng được dâng lên không đổ máu" (DS 1743).

II. Thánh lễ là bàn tiệc Hiệp thông.

Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh. Trong Thánh lễ, Chúa Kitô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Người vào hy lễ chúc tụng và tạ ơn. Bí tích Thánh thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh, là hiệp thông vào đời sống của Thiên Chúa, và hiệp nhất dân Thiên Chúa" (Huấn thị "Mầu Nhiệm Thánh Thể" 6). Bởi vì trong Chúa Kitô "Hội Thánh là Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (GH 1). Nhờ kết hợp với Mình và Máu Chúa Kitô, tất cả mọi tín hữu trở nên một thân thể (x. 1Cr 10, 16-17). Bí tích Thánh Thể là Bí tích hiệp thông: các tín hữu hiệp thông với Chúa Kitô là Đầu, và các tín hữu hiệp thông với nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc yêu thương hiệp nhất, và nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ, chúng ta được kết hiệp với Phụng vụ trên trời, và dự trước cuộc sống vĩnh cửu.

III. Hội thánh dâng Thánh lễ vì ý nào?

Ngay từ những ngày đầu, cộng đoàn Hội Thánh đã ý thức cử hành Thánh Lễ theo như lệnh tuyền của Chúa Kitô, bao lâu còn lữ hành trên trần thế. Vì vậy trong Thánh Lễ, Hội Thánh tuyên xưng rằng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến" (Lời tung hô sau truyền phép). Hội Thánh dâng lễ vì những ý nào?

1. Để tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa Cha:

Bí tích Thánh Thể trước hết là "hy tế tạ ơn". Trong hy tế Thánh Thể, nhờ Chúa Kitô đã chết và đã sống lại, Hội Thánh tạ ơn Thiên Chúa vì mọi ân huệ Người đã ban qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể còn là "hy tế ca ngợi", vì "chính nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô, và trong Chúa Kitô", Hội Thánh dâng lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, nhân danh toàn thể thọ sinh.

2. Để tưởng niệm hy tế của Chúa Kitô và của Hội Thánh:

Bí tích Thánh Thể là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, hiện tại hóa và hiến dâng trong Phụng vụ của Hội Thánh là thân thể Người. Theo Kinh Thánh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại, mà còn làm cho những biến cố đã qua thành hiện tại và hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể, cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Chúa Kitô trên thập giá luôn sống động, để đem lại ơn cứu độ cho mọi người ở mọi thời đại. "Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (GH 3). Đàng khác, Thánh Lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Là thân thể của Chúa Kitô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Chúa Kitô là Đầu. Trong Thánh lễ, hy tế của Chúa Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong thân thể. Toàn thể đời sống của các tín hữu: bản thân, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công ăn việc làm, đều được kết hợp với Chúa Kitô trong lễ dâng toàn hiến.

3. Để chuyển cầu cho các tín hữu và toàn thể nhân loại:

Trong Thánh Lễ, toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Chúa Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu. Cộng đoàn Phụng vụ Thánh Thể nhắc nhở và cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Giám mục giáo phận, Linh mục chủ tế cũng như mọi tín hữu. Và không phải chỉ có những tín hữu còn tại thế, mà cả những vị được hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hiệp với hy tế của Chúa Kitô. Hội Thánh dâng lễ trong tâm tình kính nhớ "Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, các tông đồ và toàn thể các Thánh". Thánh Lễ cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời, để họ chóng được vào hưởng ánh sáng và bình an của Chúa Kitô. Sau cùng toàn thể nhân loại, cũng như tất cả vũ trụ cũng được hưởng nhờ ơn phúc của Thánh Lễ.

VI. Thánh Lễ có mấy phần?

Thánh Lễ diễn tiến theo một cấu trúc cơ bản được duy trì nhiều thế kỷ cho đến nay. Thánh Lễ chia làm hai phần chính, nhưng liên kết chặt chẽ với nhau thành một thể thống nhất: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, được đóng khung bằng nghi thức đầu lễ và nghi thức kết lễ.

Nghi thức đầu lễ:

Cộng đoàn tín hữu tụ họp lại một nơi để cử hành Thánh Lễ. Chính Chúa Kitô triệu tập cộng đoàn, và chủ tọa buổi lễ. Đại diện hữu hình của Người là Đức Giám mục hay Linh mục chủ tọa cộng đoàn, diễn giảng các bài đọc, tiếp nhận lễ vật, và đọc kinh Tạ Ơn. Nghi thức đầu lễ bao gồm việc sám hối.

1. Phụng Vụ Lời Chúa:

  •  Đọc các bài Kinh Thánh rút ra từ Cựu ước và Tân ước.
  •  Bài diễn giảng giúp mọi người hiểu, đón nhận và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống.
  •  Lời nguyện tín hữu (hay Lời nguyện chung) cầu cho mọi người (x. 1Tm 2,1-2).

 2. Phụng vụ Thánh Thể:

a. Chuẩn bị lễ vật: bánh, rượu được đem lên bàn thờ, và chủ tế dâng lên Thiên Chúa, lễ vật sẽ trở thành Mình Máu Chúa Kitô. Cùng với bánh rượu, các tín hữu có thể mang theo tặng phẩm, để giúp đỡ những người túng thiếu.

b. Kinh Tạ Ơn (Kinh nguyện Thánh Thể): là trung tâm của cuộc cử hành Thánh Thể.

•  Kinh tiền tụng: Hội Thánh tạ ơn Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, về tất cả công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Toàn thể cộng đoàn tung hô: Thánh, Thánh, Thánh.

•  Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần: Hội Thánh cầu xin Chúa Thánh Thần đến, làm cho bánh rượu trở nên Mình Máu Đức Giêsu Kitô.

•  Trình thuật việc lập Bí tích Thánh Thể: nhờ hiệu lực Lời và cử chỉ của Chúa Kitô, cũng như quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Kitô.

• Kinh tưởng niệm: Hội Thánh tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn, phục sinh và quang lâm của Đức Giêsu Kitô.

 • Kinh chuyển cầu: hy lễ tạ ơn được cử hành trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, kẻ sống cũng như người đã qua đời. Hội Thánh địa phương cũng như Hội Thánh toàn cầu.

c. Hiệp lễ: Kinh Lạy Cha và việc bẻ bánh đi trước phần Hiệp Lễ. Các tín hữu rước lễ tức là lãnh nhận chính Mình Máu Chúa Kitô, Đấng tự hiến "để cho thế gian được sống" (Ga 6,51).

Nghi thức kết lễ:

Chủ tế ban phép lành và giải tán cộng đoàn.

V. Điều kiện rước lễ.

Việc cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Chúa khẩn thiết mời gọi chúng ta đón rước Người: "Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình" (Ga 6,53). Hội Thánh khuyên các tín hữu có đủ điều kiện, rước lễ mỗi khi tham dự Thánh Lễ: "Nên khuyến khích tín hữu tham dự Thánh Lễ trọn vẹn hơn, qua việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa ngay trong Thánh Lễ, sau khi linh mục rước lễ" (PV 55). Hơn nữa, Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật, Lễ Trọng và rước lễ mỗi năm ít là một lần vào Mùa Phục Sinh (x. G1 920).

Để chuẩn bị rước lễ cho xứng đáng, các tín hữu cần:

1. Tra vấn lại lương tâm, để khỏi rước lễ cách bất xứng là lãnh án phạt (x.1Gr 11, 27-29). Nếu mắc tội trọng, phải đi xưng tội trước khi lên rước lễ.

2. Khiêm tốn và tin tưởng như viên đại đội trưởng: "Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con..." (Mt 8,8).

3. Giữ chay Thánh Thể: nghĩa là không ăn hay uống (trừ nước lã và thuốc chữa bệnh) một giờ trước khi rước lễ.

4.Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui được Chúa ngự đến. Ngoài ra cần làm hòa với người khác trước khi nhận lãnh Bí tích hiệp nhất yêu thương (x. Mt 5, 23-24).

VI. Hiệu quả của việc Rước Lễ.

1. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô, sống nhờ Người và nên một với Người. "Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy" (Ga 6, 56-57). "Bởi vì việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không có công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta nhận lãnh" (Thánh Lêô Cả) (GH26).

2. Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lấy Mình của Đấng Phục sinh cũng gìn giữ, phát triển và canh tân đời sống ân sủng đã nhận lãnh trong Bí tích Thánh Tẩy. Bánh Thánh Thể dưỡng nuôi người tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế, và thành Của Ăn Đàng cho họ lúc lâm chung.

3. Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi, nhờ kết hợp với Chúa Kitô, Đấng tẩy xóa tội lỗi loài người. Thánh Thể khơi dậy đức mến sống động trong tâm hồn, có thể xóa đi các tội nhẹ, và gìn giữ ta khỏi phạm tội trọng.

4. Hiệp nhất các Kitô hữu trong Hội Thánh (x. GH 11). Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh; Bí tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này. Việc rước lễ kết hiệp người tín hữu với Chúa Kitô, Đấng kết hiệp tất cả các tín hữu với Chúa Kitô, Đấng kết hiệp tất cả các tín hữu thành một thân thể duy nhất là Hội Thánh (x. 1Cr 10, 16-17). Hơn nữa, Bí tích Thánh Thể còn là lời mời gọi khẩn thiết các tín hữu đã ly khai, hiệp nhất trong một Hội Thánh duy nhất. Thánh Âu tinh đã thốt lên: "Ôi Bí tích Tình Yêu! Dấu chỉ Hiệp Nhất! Mối dây Bác ái!". Sau cùng việc lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô, đòi buộc chúng ta nhận ra Người nơi những người nghèo khổ nhất, để chăm sóc (x. Mt 25, 40).

5. Bảo chứng cho vinh quang mai sau. Chúa đã long trọng hứa: "Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi thi được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết" (Ga 6, 54). Vì là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, Bí tích Thánh Thể còn là tiền dự vào vinh quang thiên quốc. Trong một Kinh Nguyện cổ, Hội Thánh ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau: "Ôi Tiệc Thánh! Chúa Kitô đã trở thành lương thực cho chúng ta: tiệc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người, ban cho ta hồng ân viên mãn, và bảo chứng cho vinh quang mai sau".

VII. Sống Thánh lễ trong cuộc đời.

1. Người giáo dân Việt Nam rất siêng năng "đi lễ", nhưng vì thiếu hiểu biết, họ chỉ "xem lễ" như khán giả xem kịch. Khi đi dâng lễ, người tín hữu không chỉ dâng Đức Giêsu lên Thiên Chúa Cha, mà còn phải liên kết với Đức Giêsu mà dâng chính mình thành của lễ, để lễ tế vô giá của Con Một Thiên Chúa, cũng trở thành lễ tế của mỗi tín hữu qua các thời đại: "Trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục, mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình" (PV 48).

2. Thánh lễ là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu" (GH 11), nên mọi hoạt động của người Kitô hữu đều phải bắt nguồn nơi Thánh Lễ, và qui hướng về Thánh Lễ. Cuộc đời là Thánh Lễ nối dài, nghĩa là những ân phúc nhận được nơi Thánh Lễ qua Lời Chúa, qua việc kết hợp với Thánh Thể và hiệp thông với cộng đoàn, phải trở thành ánh sáng soi dẫn và sức mạnh nâng đỡ cho mọi hoạt động tôn giáo cũng như trần thế. Ngược lại, người Kitô hữu phải làm cho tất cả cuộc đời thành Thánh Lễ: Lễ Dâng Cuộc Đời! "Mọi hoạt động, Kinh nguyện và công cuộc tông đồ, đời sống hôn nhân và gia đình, công ăn việc làm thường ngày, việc nghỉ ngơi thể xác và tinh thần, nếu họ chu toàn trong Thánh Thần, và cả đến những thử thách của cuộc sống nếu họ kiên trì đón nhận, thì tất cả đều trở nên hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô (x. 1Pr 2,5), được thành kính dâng lên Chúa Cha cùng với Mình Thánh Chúa, khi cử hành Phép Thánh Thể" (GH 34).

  


Bài 33
BÍ TICH HÒA GIẢI
(x. SGLC từ 1420 đến 1484)

 

"Những ai đến lãnh nhận bí tích Hòa giải, đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Người. Đồng thời họ được giao hòa cùng Hội Thánh mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Hội Thánh hằng nỗ lực lấy Đức Ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ" (GH 11) Bí tích Hòa giải còn được gọi là Bí tích Giải tội, bí tích Cáo giải, bí tích Sám Hối. Nhưng dù tên gọi nào chăng nữa, vẫn luôn hàm chứa hai nội dung chính yếu: sự hoán cải của hối nhân và tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Tìm hiểu bí tích Hòa giải là cơ hội giúp ta khám phá tình thương của Thiên Chúa, và cảm nghiệm đó thúc đẩy ta sám hối, mỗi ngày và mọi ngày trong suốt cuộc đời.

I. Tiếng gọi hoán cải.

"Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1,15). Tiếng gọi hoán cải là thành phần thiết yếu trong lời công bố Nước Trời. Tiếng gọi ấy trước hết được gửi đến những ai chưa nhận biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Vì thế, Thánh Tẩy là bí tích tha tội và dẫn đưa ta vào đời sống mới.

Tuy nhiên, tiếng gọi ấy vẫn tiếp tục được gửi đến cho những người đã chịu Thánh Tẩy, vì kinh nghiệm cuộc sống cho thấy ta vẫn tiếp tục phạm tội sau khi đã chịu Thánh Tẩy. "Nếu ta nói rằng mình không có tội, ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta" (1Ga 1,8). Chính Đức Giêsu cũng dạy ta cầu nguyện: "Xin Cha tha tội chúng con" (x. Lc 11,4). Bởi vì tuy bí tích Thánh Tẩy dẫn ta vào đời sống mới, nhưng không hủy diệt sự yếu đuối và hướng chiều về tội nơi con người tự nhiên. Chính vì thế, hoán cải là cả một hành trình dài và cuộc sống người tín hữu là cuộc chiến đấu liên lỉ chống lại tội lỗi. "Hội Thánh ôm ấp những kẻ có tội trong lòng mình, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Hội Thánh luôn thực hiện việc sám hối và canh tân" (GH 8).

Sự hoán cải mà Đức Giêsu mời gọi là sự hoán cải nội tâm, hoán cải của con tim. Chỉ khi nào có sự hoán cải sâu xa đó, những việc làm bên ngoài mới có ý nghĩa: những cử chỉ, lời kinh, việc làm đền tội. Sự hoán cải ấy là sự thay đổi sâu xa hướng đi của cả cuộc đời: một đàng là buồn phiền, hối hận vì tội, và dứt khoát với cái xấu; đàng khác là quyết tâm thay đổi đời sống, trông cậy và tín thác vào Chúa. Hoán cải như thế không phải là việc dễ dàng. Vì thế, hoán cải trước hết là công việc của ân sủng Thiên Chúa. Chính Chúa nâng đỡ, để ta có thể làm lại cuộc đời. Càng khám phá tình thương của Chúa, ta càng khinh ghét tội lỗi và không muốn bị xa cách Chúa. Thánh Thần vừa là Đấng soi sáng giúp ta nhận ra con người thật và tội lỗi của mình, vừa là Đấng An ủi giúp ta ăn năn sám hối.

II. Bí tích Hòa giải.

Tội là bẻ gãy mối hiệp thông không những với Chúa mà với cả Hội Thánh. Vì thế, ta cần được Thiên Chúa tha thứ và cần giao hòa với Hội Thánh. Ý nghĩa đó được thể hiện đầy đủ trong Bí tích Hòa giải. "Không ai có quyền tha tội ngoại trừ một mình Thiên Chúa" (Mc 2,7). Đúng như thế. Nhưng Chúa Kitô chính là Thiên Chúa nên Ngài có quyền tha tội: "Tội lỗi của con đã được tha" (Mc 2,5).

Sau đó, Ngài ban cho Hội Thánh quyền tha tội nhân danh Ngài (x. Ga 20,21-23). Đồng thời trong cuộc sống trần thế, khi Đức Giêsu tha tội cho ai, Ngài cũng đưa họ hội nhập cộng đoàn dân Chúa. Vì thế, khi trao cho các quyền tha tội, Ngài cũng trao cho các ông quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh: "Các con cầm buộc ai, trên trời cũng cầm buộc. Các con cởi mở cho ai, trên trời cũng cởi mở" (Mt 16,19). Hội Thánh đã thực thi quyền bính Đức Giêsu trao phó trong cử hành Bí tích Hòa giải.

Trong suốt chiều dài lịch sử, hình thức cử hành có thể thay đổi, nhưng vẫn luôn luôn giữ cơ cấu nền tảng với hai yếu tố quan trọng: một đàng là hành vi của hối nhân: thống hối, xưng tội, đền tội; đàng khác là hành động của Thiên Chúa qua Hội Thánh: Giám mục và Linh mục nhân danh Chúa mà tha tội và ra việc đền tội cho hối nhân. Công thức tha tội chứa đựng nội dung chính yếu của Bí tích: "Thiên Chúa là Cha hay thương xót đã nhờ sự chết và sống lại của Con chúa mà giao hòa thế gian với Chúa, và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho con ơn tha thứ và bình an. Vậy cha tha tội cho con, Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".

III. Hành vi của hối nhân.

1. Thống hối:

Thống hối là buồn phiền, chê ghét tội đã phạm và dốc lòng không phạm tội nữa (x. CĐ Trentô). Người ta thường phân biệt: thống hối toàn vẹn và thống hối bất toàn. Thống hối toàn vẹn là thống hối vì lòng mến, mến Chúa trên hết mọi sự. Lòng thống hối đó khiến hối nhân được tha các tội nhẹ và tha cả tội trọng nếu cương quyết lãnh nhận Bí tích Hòa giải sớm hết sức có thể. Thống hối bất toàn là thống hối vì sợ, sợ án phạt đời đời và sợ các hình phạt khác. Lòng thống hối ấy cũng là ân huệ của Thiên Chúa, thúc đẩy hối nhân làm hòa với Chúa và Hội Thánh cách trọn vẹn trong Bí tích Hòa giải.

2. Xưng tội:

Bằng việc xưng tội, hối nhân nhìn thẳng vào tội lỗi của mình, nhận trách nhiệm và mở lòng ra với Chúa cũng như với Hội Thánh, để sống đời sống mới. Đây là thành phần thiết yếu của Bí tích Hòa giải. Vì thế, Hội Thánh đòi hối nhân phải xưng thú mọi tội trọng, kể cả những tội thầm kín, vì "nếu bệnh nhân mà xấu hổ nên che dấu vết thương, làm sao lương y có thể biết mà chữa lành" (x. CĐ Trentô).

Ngoài ra, còn có những đòi hỏi liên quan đến Bí tích Hòa giải:

  • Mỗi tín hữu bó buộc phải xưng các tội trọng một năm ít là một lần.
  • Khi biết mình đang mắc tội trọng, không được rước Mình Thánh Chúa nếu chưa xưng tội, trừ khi không thể đi xưng tội, có thể giục lòng ăn năn sám hối.
  • Trước khi được Rước Lễ lần đầu, trẻ em phải lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

            Hội Thánh cũng khuyên tín hữu xưng các tội nhẹ. Việc xưng tội thường xuyên giúp ta huấn luyện lương tâm, chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, được Chúa Kitô nâng đỡ và tiến bước trong đời sống mới.

3. Đền tội:

Tội là hành động nằm trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân. Tội gây thiệt hại cho tha nhân, vì thế phải đền bù; chẳng hạn: trả lại đồ vật đã lấy cắp, khôi phục danh dự cho người khác... Ngoài ra, tội còn làm cho chính bản thân ta yếu đi và mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân bị tổn thương. Chính vì thế, cùng với ơn tha tội, hối nhân còn phải làm việc gì đó đền bù, và phục hồi sức mạnh thiêng liêng. Đó là ý nghĩa đền tội. Việc đền tội có thể là kinh nguyện, việc bác ái, hãm mình, phục vụ tha nhân... Cha giải tội sẽ tùy theo mức độ tội phạm của hối nhân mà ra việc đền tội cho thích hợp và ích lợi. Việc đền tội giúp ta nên giống Chúa Kitô, Đấng duy nhất đền thay tội lỗi cho ta.

IV. Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải.

Thừa tác viên của Bí tích Hòa giải là các Giám mục kế vị các Tông đồ, và các linh mục là những người cộng tác của hàng Giám mục. Nhờ ân sủng lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức Thánh, các ngài tha thứ mọi tội lỗi "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần". Nhờ ơn tha thứ này, các hối nhân được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Khi cử hành Bí tích Hòa giải, cha giải tội đóng vai trò Người Mục tử tốt lành kiếm tìm con chiên lạc, người Samari nhân hậu băng bó vết thương, người cha giàu lòng thương xót đợi chờ và hân hoan đón tiếp đứa con hoang đàng trở về; đồng thời là vị thẩm phán công bằng và thương xót. Tóm lại linh mục là dấu chỉ và khí cụ của tình thương Thiên Chúa dành cho hối nhân. Vì là tôi tớ phục vụ cho ơn tha thứ của Thiên Chúa, cha giải tội phải mang trong mình những tâm tình và ý tưởng của Chúa Kitô. Ngài phải có hiểu biết và kinh nghiệm về cuộc sống con người, phải biết tôn trọng và nhạy cảm với những ai sa ngã; đồng thời ngài phải yêu mến sự thật, trung thành với giáo huấn của Hội Thánh, và kiên nhẫn giúp hối nhân đi lên trên con đường thánh thiện. Vì sự cao cả của Bí tích và vì lòng kính trọng đối với con người, Hội Thánh đòi buộc cha giải tội phải giữ bí mật tuyệt đối về những tội hối nhân đã xưng thú. Bí mật đó được gọi là Ấn Tòa Giải Tội và cha giải tội phải tôn trọng tuyệt đối.

V. Cử hành và hiệu quả của Bí tích Hòa giải.

1. Cử hành:

Thông thường, Bí tích Hòa giải được cử hành theo thể thức như sau: linh mục chào hỏi và chúc lành cho hối nhân, đọc Lời Chúa để soi sáng lương tâm và khơi dậy tâm tình thống hối; sau đó hối nhân xưng thú tội lỗi, rồi linh mục ra việc đền tội và giải tội. Cuối cùng là kinh tạ ơn và chúc lành của linh mục. Bí tích Hòa giải cũng có thể được cử hành trong khung cảnh sám hối cộng đồng. Cộng đoàn cùng cử hành Phụng vụ Lời Chúa, nghe giảng, xét mình và sám hối chung, nhưng sau đó mỗi người sẽ xưng tội riêng với linh mục. Việc cử hành này làm nổi bật ý nghĩa Hội Thánh của Bí tích Hòa giải. Trong trường hợp khẩn thiết như nguy tử, hoặc không đủ các linh mục giải tội, khiến giáo dân không thể Rước Lễ, có thể cử hành hòa giải cộng đồng và tha tội chung. Tuy nhiên, xưng tội và giải tội riêng vẫn là hình thức thông thường nhất; trong đó Chúa Kitô nói với từng người: "Cha tha tội cho con". Ngài là Thầy Thuốc chăm sóc từng bệnh nhân và dẫn đưa họ trở về với sự hiệp thông huynh đệ. Cho dù giải tội riêng, đừng quên rằng ở tự bản chất, cử hành bí tích là một hành vi phụng vụ, và vì thế mang tích công khai và Cộng đoàn Hội Thánh.

2. Hiệu quả

Mục đích và hiệu quả của Bí tích Hòa giải là cho ta được làm hòa với Chúa. Đây là ơn phục sinh thiêng liêng, hồi phục tư cách và phẩm giá làm con Thiên Chúa của hối nhân. Ai lãnh nhận bí tích với lòng thống hối chân thành còn cảm nhận được sự bình an và thanh thản trong tâm hồn. Cùng với hiệu quả trên, Bí tích còn hòa giải ta với Hội Thánh. Tội lỗi làm tổn thương và có khi bẻ gẫy mối hiệp thông huynh đệ. Bí tích Hòa giải khôi phục lại mối hiệp thông đó, và như thế, không những Bí tích chữa lành hối nhân mà còn ảnh hưởng tốt đẹp đến cả Hội Thánh. Đồng thời nhờ sự hiệp thông những của cải thiêng liêng trong Hội Thánh, ta được mạnh sức hơn trên đường về Quê Trời. Vào buổi xế chiều cuộc sống, mỗi chúng ta sẽ phải ra trước Tòa Chúa. Nhưng ngay từ hôm nay, khi nhận lãnh Bí tích Hòa giải, ta đã ra trước Tòa Chúa, và nhờ ơn Bí tích, ta được ngang qua cõi chết mà vào cõi sống: "Quả thật Ta bảo các ngươi: ai nghe Lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời và khỏi đến Tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống" (Ga 5,24).

VI. Để sống lòng sám hối.

1. Ngày nay nhiều người trẻ ngại đi xưng tội, và các bạn lý luận: xưng xong rồi lại tiếp tục phạm tội, thà không xưng thì hơn. Ẩn bên trong lý luận ấy lại là sự thất vọng về chính mình, và thiếu lòng cậy trông vào Chúa. Cần ý thức rằng hoán cải là cả một hành trình dài, và phải dám tin vào tình thương tha thứ của Chúa, tình thương của người cha hằng chờ đợi chúng ta..

2. Xét mình hằng ngày, chân thành thống hối và quyết tâm gắn bó với Chúa là điều ta có thể và phải làm mỗi ngày. Những việc làm đó giúp ta luôn sống trong Ơn Hòa giải, và thúc đẩy ta sống đời Kitô hữu tốt đẹp hơn.

3.Không những làm việc đền tội mỗi khi đi xưng tội, Hội Thánh còn khuyên ta thực hiện nhiều hình thức đền tội khác trong cuộc sống hằng ngày. Ba hình thức quen thuộc nhất: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Những hình thức này vừa giúp ta chế ngự bản thân, vừa dẫn ta vào cuộc sống hài hòa với Chúa, với mọi người.

 


Bài 34
Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân
(x. SGLC từ 1499 đến 1532)

 

"Bằng Phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các Linh mục, toàn thể Hội Thánh phó thác bệnh nhân cho Đức Kitô đau khổ và hiển vinh, để Người an ủi và cứu rỗi họ. Hơn nữa, Hội Thánh còn thúc giục họ saün sàng kết hợp với Đức Kitô chịu đau khổ và chịu chết để mưu ích cho dân Thiên Chúa". (HT 11)

I. Ý nghĩa và hiệu quả của Bí tích Xức Dầu bệnh nhân.

1. Ý nghĩa Bí tích Xức Dầu bệnh nhân:

Bệnh tật và đau khổ luôn là những lo âu triền miên của con người. Khi bệnh tật, con người càng cảm nghiệm được giới hạn và bất lực của mình. Có khi bệnh tật đưa con người tới chỗ tuyệt vọng, nhưng bệnh tật cũng có thể dẫn đưa con người tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Dân Thiên Chúa trong thời Cựu ước than van về bệnh tật của mình trước nhan Thiên Chúa, cầu khẩn Ngài chữa lành, vì tin tưởng Ngài là Chúa của sự sống và sự chết: "Lạy Giavê, xin dủ thương vì tôi thân tàn sức kiệt, xin chữa tôi. Lạy Giavê, vì xương tôi rã rời" (Tv 6,3). Con người thời Cựu ước còn quan niệm: tội lỗi là căn nguyên của bệnh tật và sự chết, nên họ thống hối và cầu xin Thiên Chúa cứu chữa, như trường hợp vua Ê-giê-ki-a. Ông nói: "Ôi, lạy Giavê, xin nhớ lại là tôi đi trước nhan Người cách trung tín, một lòng thành, điều đẹp mắt Ngài tôi đã làm" (Is 38,3, và Thiên Chúa đã cứu chữa ông: "Ta đã nghe lời ngươi khẩn cầu. Ta thấy nước mắt của ngươi. Này Ta sẽ thêm cho đời ngươi mười lăm năm nữa" (Is 38,5).

Tình thương của Thiên Chúa với bệnh nhân càng rõ nét nơi Chúa Kitô. Ngài chữa lành mọi loại bệnh tật: "Tiếng tăm Ngài đồn khắp xứ Syri. Người ta đem đến cho Ngài những người đau ốm mắc đủ thứ bệnh tật: những người bị quỷ ám, kinh phong, bất toại, và Ngài đã chữa lành họ" (Mt 4, 24). Chẳng những chữa lành bệnh tật, Ngài còn có quyền tha tội lỗi (x. Mc 2, 5-12). Vì Ngài đến để chữa lành con người toàn diện hồn và xác. Sự cảm thương của Ngài với bệnh nhân tới mức Ngài đã đồng hóa với họ: "Ta đau yếu và các ngươi đã đến thăm ta" (Mt 25,36); và "Ngài đã nhận lấy những tàn tật của chúng ta, và đã gánh lấy những bệnh nạn của chúng ta" (Is 53, 4). Nhưng không phải lúc nào Ngài cũng chữa lành bệnh tật, vì sự chữa lành bệnh tật chỉ là những dấu chỉ loan báo sự chữa lành triệt để: đó là chiến thắng tội lỗi và cái chết, nhờ sự phục sinh của Ngài. Vì như chúng ta đã biết, bệnh tật chỉ là một hậu quả của tội lỗi, nhưng Chúa Kitô "đã xóa tội trần gian" (Ga 1,29). Vì thế, đau khổ bệnh tật có thể làm cho con người trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô.

Vì tình thương xót các bệnh nhân, Chúa Kitô mời gọi các môn đệ của Ngài chia sẻ thừa tác vụ cảm thương và chữa lành của Ngài. Vì thế: "Các ông ra đi giảng dạy để người ta sám hối, và các ông xua đuổi nhiều ma quỷ, các ông xức dầu cho nhiều bệnh nhân và chữa họ lành" (Mc 6, 12-13). Sau khi phục sinh, Chúa Kitô vẫn lập lại: "Nhân danh Thầy, họ sẽ đặt tay trên các bệnh nhân, và những người này được chữa lành" (Mc 16, 17-18). Qua lời xác quyết của Marcô (Mc 6, 12-13): "Họ ra đi rao giảng cho người ta hối cải, và xua trừ nhiều ma quỷ, cùng đã xức dầu mà chữa lành nhiều kẻ ốm đau". Và lời của Giacôbê 5,14: "Ai trong anh em yếu liệt, hãy mời các vị niên trưởng của Hội Thánh, để họ cầu nguyện cho người đó. Sau khi đã xức dầu cho người đó nhân danh Chúa, lời cầu nguyện của đức tin sẽ cứu chữa người đau ốm, và Chúa sẽ vực người đó dậy... ". Nên Hội Thánh tin tưởng và tuyên xưng Xức Dầu Bệnh nhân là một trong bảy Bí tích Đức Giêsu đã thiết lập, mà Hội Thánh luôn cử hành để thêm sức mạnh cho các bệnh nhân.

2. Hiệu quả của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

Ân sủng đặc biệt của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân mang lại những hiệu quả sau đây:

  •  Kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, để sinh ơn ích cho chính bệnh nhân và cho Giáo Hội.
  •  Niềm an ủi, sự bình an và lòng can đảm, để chịu đựng những đau khổ của bệnh tật hoặc của tuổi già với tinh thần Kitô giáo.
  • Ơn tha thứ tội lỗi, nếu bệnh nhân chưa nhận được ơn tha thứ nhờ Bí tích Hòa giải.
  •  Phục hồi sức khỏe, nếu điều này phù hợp với ơn cứu độ cho linh hồn bệnh nhân.
  •  Chuẩn bị cho cuộc vượt qua sang đời sống vĩnh cửu (GLCG).

 
II. Thụ nhân và Thừa tác viên.

1.Thụ nhân của Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

        Xức dầu bệnh nhân không chỉ là bí tích cho những Người sắp chết, nhưng còn dành cho những ai có nguy cơ tử vong do bệnh tật hoặc vì tuổi già. Khi bệnh nhân đã được xức dầu, rồi khỏe lại, sau đó bị bệnh nặng, họ có thể lãnh Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân lần nữa. Cả trước khi chịu cuộc giải phẫu nặng, bệnh nhân cũng nên nhận phép Xức Dầu.

2.Thừa tác viên Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân:

        Chỉ có các vị tư tế, nghĩa là Giám mục hay Linh mục mới có quyền ban Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân. Dù cử hành tại tư gia, hay bệnh viện, Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân luôn là một cử hành phụng vụ có tính cách cộng đoàn. Nhưng yếu tố chính của Bí tích này là: "Các Linh mục của Hội Thánh" (GL 5,14) đặt tay, cầu nguyện cho bệnh nhân trong niềm tin của Hội Thánh" (x GL 5,15), rồi linh mục xức dầu đã thánh hiến cho bệnh nhân.

III. Của Ăn Đàng.

        Cùng với việc xức dầu, Hội Thánh trao cho bệnh nhân Mình Thánh Chúa như của ăn đàng. Thông hiệp với Mình Máu Chúa Kitô trong giây phút đó có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vì Mình Máu Chúa là sự sống và sức mạnh đặc biệt. Vì Mình Máu Chúa là sự sống và sức mạnh phục sinh, đưa bệnh nhân từ cõi chết đến cõi sống. Nếu ba Bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể hợp lại thành "các bí tích dẫn vào Kitô giáo" thì Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân, Bí tích Hòa giải và ban Của Ăn Đàng hợp lại thành "các bí tích chuẩn bị về Quê Trời".

IV. Thái độ người Kitô hữu trước bệnh tật và đau khổ.

      1. Nếu biết đón nhận trong lòng mến, bệnh tật có thể làm cho ta nên giống Chúa Kitô. Khi thánh Phaolô than phiền về bệnh tật của ngài, Chúa đã nói: "Sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của con" (2CR 12,9). Chúng ta cố gắng chống trả mọi bệnh tật, nhưng khi phải đón nhận, hãy cố gắng đón nhận bằng lòng mến như thánh Phaolô diễn tả: "Tôi vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô mãi trong xác tôi" (2Cr 12,9).

      2. Bệnh tật có thể là sức mạnh Chúa ban, nhờ đó ta trải rộng tình thương cho người khác và giúp họ đạt đến Quê Trời. Vì thế thánh Phaolô nói: "Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thánh Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh" (C1 1,24).

 

Bài 35
Bí Tích Truyền Chức Thánh
(x. SGLC từ 1536 đến 1600)

 

"Đức Giêsu lên núi và gọi lại với Người những kẻ mà Người muốn chọn. Và các ông đến với Người. Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai đi rao giảng với quyền được trừ quỷ". (Mc 3, 13-15; x. 6, 6-13)

I. Nguồn gốc Bí tích Truyền Chức Thánh.

Được chọn và đặt làm "một vương quốc tư tế, một dân thánh" (Xh 19,6), dân Israel theo lệnh Chúa, dành riêng chi tộc Lê-vi để lo việc phụng vụ. Các tư tế của dân Chúa được đặt lên bằng một nghi thức đặc biệt, để "làm đại diện cho loài người trong mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội" (Dt 5,1).

Tuy nhiên, hàng tư tế của Giao ước cũ gồm các tư tế theo phẩm trật Aharon, các thầy Lê-vi (x. Ds 1, 48-53) và hàng kỳ mục (x. Ds 11, 24-25), vốn bất toàn và chỉ là hình ảnh báo trước chức tư tế thánh trong Giao ước mới, do Chúa Kitô thiết lập. Lễ tế trong Cựu ước không thể xóa được tội, để đem lại ơn cứu độ, mà chỉ có lễ tế hy sinh của Chúa Kitô mới thực hiện được mà thôi. Trong các môn đệ đi theo, Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai "để các ông ở với Người, và để Người sai đi rao giảng" (Mc 3,14). Chúa đã trao quyền cử hành Thánh Thể cho các ông trong Bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,19), ban quyền tha tội khi từ cõi chết sống lại (x.Ga 20,23), và dạy các ông làm Phép Rửa cho muôn dân, trước khi lên trời (x. Mt 28,19). Sau đó, các Tông đồ đặt tay ban Thánh Thần cho những người được chọn kế vị các ngài. Và chính các giám mục là những người kế vị các Tông đồ liên tục qua các thời đại, với đầy đủ quyền bính (x. 2Tm 1,6; T1 1,5).

II. Chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác.

a.  Chức tư tế chung

Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1Tm 2,5) được Thiên Chúa đặt làm Thượng tế đến muôn đời, vì Người đã "làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa" (Kh 5,10; x. 1,6). "Thực vậy, những người đã lãnh nhận Phép Rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng, và nhận chức tư tế thánh" (GH 10). Đây là chức tư tế chung mà tất cả các Kitô hữu tham dự. Cộng đoàn Hội Thánh thi hành chức tư tế chung bằng việc tham dự vào các Bí tích, và làm chứng cho đức tin (x. GH 11-12).

b.   Chức tư tế thừa tác

Nhưng ngay giữa cộng đoàn dân Chúa được Bí tích Thánh Tẩy thánh hiến, để lãnh nhận chức tư tế chung, Thiên Chúa còn tuyển chọn một số người lãnh nhận chức tư tế thừa tác, được thánh hiến nhờ một bí tích riêng là Bí tích Truyền Chức Thánh. "Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình" (GH 10). Chức tư tế thừa tác nhằm phục vụ cộng đoàn dân Chúa, để các tín hữu (có chức tư tế chung) phát huy ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy. Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh vẫn luôn luôn hiện diện và hành động qua con người và thừa tác vụ của các Linh mục.

Nhờ Bí tích truyền chức Thánh, linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu. Cho nên trong các cử hành Phụng vụ, Chúa Kitô luôn có mặt và trở thành hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu, qua các thừa tác viên và thừa tác vụ của họ. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong con người thừa tác viên khi cử hành Phụng Vụ, luôn bảo đảm đem lại kết quả thiêng liêng của các Bí tích, chứ không lệ thuộc vào tư cách thánh thiện hay bất xứng của thừa tác viên.

Đàng khác, chức tư tế này mang tính thừa tác, nghĩa là để phục vụ. Vì quyền hành chức thánh là quyền của chính Chúa Kitô, nên sử dụng quyền hành này cũng phải theo cách và rập khuôn mẫu của Chúa Kitô, Đấng "đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45).

Sau cùng, chức tư tế thừa tác không những đại diện cho Chúa Kitô thủ lãnh, nhưng còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh, và nhất là khi dâng Thánh lễ.

III. Ba cấp bậc trong Bí tích Truyền Chức Thánh.

Ngay từ đầu, thừa tác vụ thánh Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập gồm ba bậc: Giám mục, Linh mục và Phó tế. Bậc Phó tế là để giúp đỡ các tư tế là Giám mục và Linh mục. Tuy nhiên, cả ba bậc đều được ban qua Bí tích Truyền Chức Thánh.

1. Các Giám mục:

Các Giám mục là những thừa tác viên ở địa vị thứ nhất trong ba bậc của thừa tác vụ thánh. Các Giám mục kế vị các Tông đồ, lãnh nhận chức tư tế tối cao (Thượng tế) và sung mãn, gia nhập giám mục đoàn, và trở thành thủ lãnh hữu hình của Hội Thánh đã được ủy thác. Được hiến thánh qua việc đặt tay cùng với lời kinh dành riêng, các Giám mục lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, thay mặt Chúa Kitô với trách nhiệm thánh hóa, giảng dạy và cai quản "Nhờ Thánh Thần mà các Ngài đã lãnh nhận, các Giám mục trở thành thầy dậy đức tin, thượng tế, chủ chăn thực thụ và chính thức" (GM 2).

Vì cũng là đại diện Chúa Kitô, và cùng kế vị các Tông Đồ, các Giám mục liên kết với nhau thành Giám Mục đoàn, dưới quyền lãnh đạo của Giám mục Rôma. Tính cách liên đới trong Giám mục đoàn được biểu lộ qua việc truyền chức thánh cho một Giám mục, và qua việc họp Công đồng chung do Đức Giáo Hoàng triệu tập. Vì thế, mỗi Giám mục ở giáo hội địa phương đều chia sẻ trách nhiệm tông đồ và sứ mạng của toàn thể Hội Thánh. "Với tư cách là phần tử của Giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp của tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận ân cần săn sóc đến toàn thể Hội Thánh" (GH 23).

2. Các Linh Mục

Bậc thứ hai trong chức tư tế thánh là các Linh Mục. Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục hiệp nhất với chức tư tế sung mãn của Giám mục, và trở thành cộng tác viên trực tiếp của hàng Giám mục, trong việc chu toàn sứ mạng tông đồ do Chúa Kitô ủy thác. "Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy cả Thượng phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9, 11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa, với tư cách tư tế đích thực của Tân ước" (GH 28).

Được tham dự vào chức tư tế tối cao của Giám mục, các Linh mục chỉ có thể thi hành thừa tác vụ của mình trong sự phục tùng Đức Giám Mục, và hiệp thông với ngài. Các Linh mục cũng làm thành Linh Mục đoàn, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giám mục giáo phận. Do đó các linh mục phải tôn kính, yêu mến và vâng lời Đức Giám mục như những người cộng tác viên, những người con, những anh em và bạn hữu của Giám mục. Ngoài ra, giữa các Linh mục với nhau cần có sự hiệp nhất yêu thương, và giúp đỡ nhau bằng tình huynh đệ do bí tích.

3. Các Phó tế

Các Phó tế là bậc sau cùng của Bí tích Truyền Chức Thánh. Các Phó tế không lãnh nhận chức tư tế thừa tác, nhưng họ cộng tác với các Giám mục và Linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của Chúa Kitô Thượng tế, và với ấn tín của Bí tích Truyền Chức Thánh, các Phó tế trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô, Tôi tớ phục vụ mọi người. (x. Mc 10-45). "Các Phó tế được cử hành trọng thể Phép Rửa, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội, chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh kinh cho giáo hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các Á Bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng" (GH 29) và hiến thân cho công việc Bác Ái.

IV. Giáo dân đối với các Giám mục và Linh mục

1. Cầu nguyện: Trách nhiệm của các vị chủ chăn trong Hội Thánh rất nặng nề. Các ngài cần được cầu nguyện và nâng đỡ để chu toàn công việc chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó. "Không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy, nêu gương sáng cho đoàn chiên" (x. 1Pr 5, 2-3). "Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh" (Dt 10,18; x. Ep 6, 19-20). Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỉ mà không than van thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dt 13,17) (GH 37).

2. Tôn kính, yêu mến và vâng lời: Các chủ chăn là những người đại diện Chúa Kitô, nên phải đối xử với các ngài bằng niềm tin, nghĩa là tôn kính, yêu mến và vâng lời, để Thiên Chúa được tôn vinh và các chủ chăn được vui vẻ chu toàn nhiệm vụ. "Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em" (Dt 13,17). "Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quí trọng những ai đang vất vả vì anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy" (1Tx 5, 12-13).

3. Cộng tác: "Các giáo dân cũng có thể cảm thấy mình được kêu gọi, hoặc thực sự được kêu gọi để cộng tác với các chủ chăn, phục vụ cho cộng đoàn Hội Thánh, giúp cho sự tăng trưởng và sinh hoạt của cộng đoàn, bằng cách thi hành những tác vụ rất khác nhau, tùy theo ân sủng và những đặc sủng mà Chúa sẽ ban cho họ" (LBTM 11). "Hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn" (GH 37).

 


Bài 36
Bí tích Hôn Phối
(x. SGLC từ 1601 đến 1666)

 

"Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại... Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau" (MV 48).


I. Hôn nhân trong chương trình của Thiên Chúa

Hôn nhân là sinh hoạt quen thuộc của con người ở mọi nơi và mọi thời. Tuy nhiên, cách nhìn về hôn nhân lại có thể rất khác nhau. Đối với người tín hữu Kitô, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người, nhưng trước hết và trên hết là của chính Thiên Chúa, vì chính Ngài tác tạo hôn nhân (x. MV 48). Chính vì thế, ơn gọi hôn nhân đã được khắc sâu vào bản tính nhân loại, và ẩn bên trong những khác biệt về văn hóa, xã hội, vẫn luôn luôn có những đặc tính chung và thiết yếu cho cuộc sống hôn nhân. Đặc tính ấy là tình yêu bền vững và sự kết hợp bất khả phân ly "người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (St 2,24); đồng thời mở ra cho sự sống qua việc sinh sản con cái "Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1,28).

Tuy nhiên, dọc dài lịch sử nhân loại và ngay trong cuộc sống hôm nay, ta lại thường xuyên chứng kiến quá nhiều đổ vỡ của cuộc sống hôn nhân gia đình. Theo cách nhìn của Kinh Thánh, sự đổ vỡ ấy không phát xuất từ bản tính nhân loại, hay từ bản chất của hôn nhân, nhưng từ tội lỗi. Khi con người bẻ gãy mối quan hệ với Thiên Chúa, thì mối quan hệ nam nữ cũng bị tổn thương. Không còn phải là quan hệ yêu thương thực sự, nhưng là quan hệ thống trị và thèm khát (St 3,16). Ơn gọi mở ra với sự sống cũng trở thành nặng nề vì phải đau đớn khi sinh nở và vất vả trong lao công (St 3, 16-19).

Cho dẫu con người xa lìa Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài tiếp tục nâng đỡ và giáo dục ý thức luân lý liên quan đến hôn nhân và gia đình. Cho dẫu còn bất toàn và phải nhượng bộ "sự cứng lòng của con người" (Mt 19,8), luật Môsê đã giúp bảo vệ người phụ nữ đối với sự thống trị độc đoán của người chồng, cũng như giúp đỡ vợ chồng thoát khỏi xu hướng ích kỷ, đi tìm khoái lạc riêng mình, đồng thời biết mở ra cho một lối sống tự hiến, cho đi. Khi các ngôn sứ đến, các ngài giúp dân Chúa đào sâu ý nghĩa về tính chất duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân (x.Hs 1-3; Is 54, 62). Các tác phẩm trong Cựu ước như sách Ruth, Tôbia, Diệu ca là những tác phẩm mang tính giáo dục cuộc sống hôn nhân rất cao.

Tuy nhiên chỉ với Đức Giêsu, hôn nhân mới tìm lại được phẩm giá đích thực và trọn vẹn của mình. Tin Mừng ghi nhận Đức Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên trong khung cảnh một tiệc cưới (x.Ga 2, 1-11). Như thế, Ngài xác quyết tình thiện hảo của hôn nhân, và hôn nhân trở thành dấu chỉ hiệu nghiệm cho sự hiện diện của Chúa Kitô. Đồng thời trong giáo huấn của Ngài, Đức Giêsu xác lập lại tính bất khả phân ly của sự kết hợp vợ chồng, vì "Điều gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly" (Mt 19,6). Đòi hỏi này có thể vượt quá sức tự nhiên của con người. Nhưng khi tái lập ý định nguyên thủy của Thiên Chúa về hôn nhân, Đức Giêsu cùng nâng đỡ đôi vợ chồng bằng ân sủng và sức mạnh của Ngài, ân sủng tuôn chảy từ thập giá cứu độ (x. Mt 19, 11). Chính vì thế, Thánh Phaolô đã trình bày giao ước hôn nhân trong mối liên kết với giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5, 25-26). Hôn nhân trở thành Bí tích của giao ước mới, nghĩa là hôn nhân vừa diễn tả giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, vừa chuyển thông ân sủng để đôi vợ chồng sống ý nghĩa giao ước đó.

II. Cử hành Hôn phối và sự ưng thuận tự do

Chính vì hôn nhân là Bí tích của giao ước giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, nên hôn lễ của đôi bạn công giáo thường được cử hành trong Thánh lễ, vì Thánh lễ là sự tưởng niệm Giao ước Mới. Nhờ đó, đôi hôn phối kết hiệp sự hiến dâng cho nhau với hiến tế của Chúa Kitô, và vì cùng thông phần với Mình Máu Chúa Kitô, họ trở nên "một thân mình" trong Chúa Kitô (x. 1Cr 1o, 17). Vì bí tích là hành động thánh hóa, nên để cử hành Bí tích Hôn phối cách xứng đáng và có hiệu quả (Tông Huấn GD 67), đôi hôn phối phải chuẩn bị trước bằng cách lãnh nhận Bí tích Hòa giải.

Trong Bí tích Hôn phối, chính đôi bạn làm nên Bí tích khi họ bày tỏ sự ưng thuận này tự do trước Hội Thánh, nghĩa là họ không bị ép buộc bất cứ vì lý do gì, cũng không bị ngăn cản bởi luật tự nhiên hay luật Hội Thánh. Việc trao đổi sự ưng thuận này là yếu tố tối cần thiết và làm nên hôn phối. Sẽ không có hôn phối nếu không có sự ưng thuận này (x. Gl 1057). Hôn phối không thành sự nếu thiếu tự do. Linh mục hay Phó tế chủ sự nghi thức sẽ đón nhận lời trao đổi ưng thuận của đôi hôn phối, và chúc lành cho họ nhân danh Hội Thánh.

Sự hiện diện của thừa tác viên Hội Thánh nói lên ý nghĩa kết hôn là một hành động mang ý nghĩa Hội Thánh. Đồng thời, vì Bí tích Hôn phối là một hành vi Phụng Vụ, và hôn nhân là một lối sống trong Hội Thánh, nên Hội Thánh yêu cầu đôi bạn cử hành hôn phối theo nghi thức của Hội Thánh. Để cho sự ưng thuận của đôi hôn phối thực sự là hành vi tự do và có trách nhiệm, để cho giao ước hôn nhân có được nền tảng vững chắc và bền vững về mặt nhân bản cũng như tôn giáo, việc chuẩn bị cho các đôi tân hôn là công việc rất quan trọng. Đây là bổn phận không những của các chủ chăn, nhưng còn của các bậc cha mẹ và mọi thành phần dân Chúa.

III. Hiệu quả của Bí tích Hôn phối.

Sự ưng thuận mà đôi bạn trao cho nhau được chính Thiên Chúa đóng ấn. Như vậy, giao ước hôn nhân hội nhập giao ước giữa Thiên Chúa với con người, và "tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa" (MV 48). Vì thế, sợi giây hôn phối liên kết hai người mãi mãi không bị cắt đứt, và Hội Thánh không có quyền đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. "Chúa Kitô ban dồi dào ân phúc cho tình yêu vợ chồng... Như xưa kia Thiên Chúa đến gặp gỡ dân Ngài bằng một giao ước yêu thương và trung thành; ngày nay Đấng Cứu Thế, bạn Trăm Năm của Hội Thánh, cũng đến với đôi vợ chồng qua Bí tích Hôn phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Hội Thánh và đã nộp mình vì Hội Thánh" (MV 48). Như thế, ân sủng được ban trong Bí tích Hôn phối nhằm kiện toàn tình yêu vợ chồng, và kiên cường sự hiệp nhất bất khả phân ly.

IV. Ích lợi và đòi hỏi.

1. Đơn nhất và bất khả phân ly

"Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một thân mình" (Mt 19,6). Tình yêu hôn nhân liên kết hai người nam nữ thành một, không chỉ trong thân xác, nhưng trong con người toàn diện: thân xác, tình cảm, tinh thần và ý chí. vì thế, sự kết hợp giữa hai người phải mang tính đơn nhất và bất khả phân ly, nghĩa là một vợ một chồng và gắn bó với nhau đến trọn đời. Đòi hỏi này phát sinh từ chính bản chất của tình yêu, nhưng được kiên cường, thanh tẩy và kiện toàn nhờ hiệp thông với Đức Giêsu Kitô. Đòi hỏi đó cũng diễn tả sự bình đẳng nhân vị giữa người nam và người nữ. Vì thế, chế độ đa thê đi ngược lại với tình yêu hôn nhân đích thực.

2. Trung tín

Ở tự bản chất, hôn nhân gọi mời trung tín. Hơn thế nữa, ích lợi của con cái cũng đòi hỏi đôi vợ chồng phải trung tín với nhau. Nhưng đối với người tín hữu, lý do sâu xa nhất của đòi hỏi này là sự trung tín của chính Thiên Chúa trong giao ước với con người và của Chúa Kitô với Hội Thánh. Nhờ Bí tích Hôn phối, đôi vợ chồng khám phá ý nghĩa sâu xa của đòi hỏi trung thành, đồng thời diễn tả ra bên ngoài và làm chứng bằng chính cuộc đời mình. Hội Thánh biết rằng sống được tình yêu trung tín như thế không phải là điều dễ dàng, nhất là trong thời đại hôm nay. Tuy nhiên với ơn Chúa và sự nâng đỡ của cộng đoàn, đôi vợ chồng có thể chia sẻ và làm chứng cho tình yêu trung tín của chính Thiên Chúa và Hội Thánh biết ơn các đôi vợ chồng. Trong một vài trường hợp, khi cuộc sống chung không thể tiếp tục được vì nhiều lý do, Hội Thánh có thể cho phép ly thân. Hai người vẫn là vợ chồng trước mặt Chúa, và hy vọng nhờ tinh thần hòa giải, một ngày nào đó, họ có thể tiếp tục cuộc sống chung như trước. Đối với một số đôi hôn phối đã li dị và kết hôn một lần nữa theo luật dân sự, Hội Thánh không nhìn nhận cuộc hôn nhân mới là thành sự, và vì thế, họ không được Rước Lễ, không được thi hành một vài trách nhiệm trong Hội Thánh, và chỉ được lãnh nhận Bí tích Hòa giải khi ăn năn sám hối và cương quyết sống tiết dục hoàn toàn. Đồng thời Hội Thánh mong ước các Linh mục và cộng đoàn tín hữu quan tâm chăm sóc những anh chị em sống trong hoàn cảnh khó khăn đó, để họ không mang mặc cảm bị tách rời khỏi Hội Thánh, nhưng tiếp tục tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa, kiên trì cầu nguyện và thực thi việc bác ái (x. Tông huấn GĐ 84).

3. Trách nhiệm sinh sản

"Tự bản tính, hôn nhân và tình yêu vợ chồng hướng tới việc sinh sản và giáo dục con cái. Con cái vừa là ân huệ cao quí nhất của hôn nhân, vừa góp phần rất lớn vào hạnh phúc của cha mẹ" (MV 58). Việc sinh sản và giáo dục ở đây không chỉ nhằm đến đời sống thể lý nhưng cả đời sống luân lý, tinh thần và tâm linh của con cái. Vì thế, cha mẹ lãnh nhận trách nhiệm giáo dục rất lớn. Đối với những đôi vợ chồng hiếm muộn, cuộc sống hôn nhân của họ vẫn có thể mang đầy ý nghĩa. Thay cho hoa trái là con cái, hoa trái trong cuộc đời họ là lòng bác ái, sự phục vụ và chính hi sinh của họ.

V. Hội thánh tại gia

Thiên Chúa đã làm người trong khung cảnh một gia đình, và Hội Thánh chẳng là gì khác hơn "gia đình của Chúa". Trong thời đại hôm nay, gia đình tín hữu chiếm vị trí quan trọng đặc biệt, là trung tâm tỏa sáng đức tin. Vì thế, Hội Thánh gọi gia đình là "Giáo Hội tại gia". Chính trong khung cảnh gia đình, người tín hữu sống và thể hiện những chức năng chính yếu của Hội Thánh: tư tế, ngôn sứ và vương đế. Gia đình là nơi cha mẹ làm chứng đức tin cho con cái, và giúp con cái khám phá ơn gọi Chúa dành cho nó. Gia đình là nơi các thành viên kết hợp với nhau trong kinh nguyện, trong sự bỏ mình và đời sống thánh thiện. Gia đình cũng là nơi chúng ta học tập những đức tính nhân bản và Kitô giáo, nhất là tinh thần phục vụ, yêu thương, quảng đại và tha thứ. Đối với những anh chị em không kết hôn và phải sống cô độc vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, lời của Đứa Gioan Phaolô II thật đáng ghi nhớ: "Trong thế giới này, không ai là không có gia đình. Hội Thánh là ngôi nhà và gia đình của tất cả mọi người, nhất là những ai phải gồng gánh nặng nề" (Tông huấn CĐ 85). Những anh chị em ấy gần gũi với Trái Tim Chúa cách riêng, và các mục tử cần dành cho họ sự chăm sóc đặc biệt.

VI. Sống ơn gọi hôn nhân

1. Trong truyền thống lâu dài của mình, Hội Thánh Công Giáo luôn chú tâm đến cuộc sống hôn nhân gia đình. Ngày nay, cuộc sống hôn nhân đang bị đe dọa trầm trọng, và nhiều gia đình đã hoặc đang có nguy cơ đổ vỡ. chính vì thế, việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân trở nên cần thiết hơn bao giờ. Ở một số giáo xứ, các Linh mục đã tổ chức những khóa chuẩn bị hôn nhân, giúp các bạn trẻ ý thức về nhiều mặt trong cuộc sống gia đình: tâm lý, thiêng liêng, phái tính, kinh tế... Những công việc đó thật đáng khuyến khích và cần nhân lên nhiều hơn nữa.

2. Chúa Kitô ban những ân sủng cần thiết cho đôi vợ chồng trong cuộc sống hôn nhân, nhưng Ngài không cưỡng ép. Chính đôi vợ chồng phải biết đón nhận ân sủng đó, qua tình thương chăm sóc cho nhau, qua kinh nguyện và việc lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể. Bí tích Hòa giải giúp họ vượt qua những lỗi lầm trong quan hệ vợ chồng và trong trách nhiệm làm cha mẹ. Bí tích Thánh Thể giúp họ đi sâu hơn vào mối hiệp thông với Chúa, nhờ đó sống mối hiệp thông trong gia đình tốt đẹp hơn.

3. "Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ ngôn sứ của người giáo dân, đó là đời sống hôn nhân và gia đình. Gia đình là môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân" (GH 35). Chính trong gia đình, con cái lãnh nhận những bài học đầu tiên về đức tin, qua gương sáng của cha mẹ. Các bậc cha mẹ cần ý thức điều này, và như thế, bằng chính bổn phận gia đình, họ góp phần vào sứ mạng chung của Hội Thánh.

 

Bài 37
Các cử hành Phụng Vụ khác
(x. SGLC từ 1667 đến 1690)

 

"Hội Thánh còn thiết lập những phụ tích. Đó là những dấu chỉ thánh, vì một phần nào phỏng theo những Bí tích; nhờ đó biểu trưng những hiệu quả, nhất là những hiệu quả thiêng liêng - và thông ban hiệu quả đó nhờ sự bầu cử của Hội Thánh" (PV 60).

I. Các Phụ Tích (Á Bí Tích)

1. Đặc tính:

Phụ tích được Hội Thánh thiết lập phỏng theo các bí tích, nhằm mục đích thánh hóa một số thừa tác vụ và bậc sống trong Hội Thánh, cũng như một vài hoàn cảnh và đồ vật có ích cho con người. Việc cử hành phụ tích thường gồm một lời cầu nguyện và một dấu chỉ đặc trưng như: đặt tay, làm dấu Thánh giá, rẩy Nước Thánh (x.SGLC 1668). Các phụ tích không chuyển thông ân sủng giống như các bí tích (hiệu quả do sự) nhưng chuẩn bị cho ta đón nhận các bí tích và cộng tác với ân sủng Thiên Chúa. Nhờ đó "hầu hết mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa... và hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào mà lại không thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa" (PV 61).

2. Những hình thức:

Trước hết phải kể đến việc chúc phúc (cho người, thực phẩm, đồ vật, nơi chốn). Trong Chúa Kitô, mọi Kitô hữu được Thiên Chúa chúc phúc (Ep 1,3). Vì thế, Hội Thánh xin Thiên Chúa chúc phúc bằng cách khẩn cầu danh thánh Chúa Giêsu. Phải quan tâm đặc biệt đến một số phụ tích nhằm thánh hiến một con người hoặc một nơi chốn, đồ vật nào đó. Thánh hiến con người như nghi thức tuyên khấn, hoặc ban các thừa tác vụ nhỏ như đọc sách, giúp lễ. Thánh hiến đồ vật và nơi chốn, như nhà thờ, bàn thờ, dầu thánh, lễ phục....

Việc trừ quỷ cũng là một phụ tích. Trong cử hành Bí tích Thánh Tẩy, đã có nghi thức trừ quỷ, nhưng nghi thức trọng thể chỉ được cử hành do một linh mục với sự cho phép của Giám mục.

3. Lòng đạo bình dân:

Bên cạnh phụng vụ bí tích và các phụ tích, còn có những hình thức diễn tả lòng đạo đức trong sinh hoạt của dân Chúa, như: hành hương, rước kiệu, đường Thánh giá, lần chuỗi, tôn kính các thánh tích. Những hình thức này không thay thế nhưng nối dài đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Các mục tử cần có sự sáng suốt để nâng đỡ lòng đạo bình dân nơi các tín hữu; đồng thời nếu cần, giúp cho cảm thức tôn giáo đó đi đúng hướng tức là đi sâu vào sự hiểu biết và gắn bó với mầu nhiệm Chúa Kitô. Vì thế phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ Thánh Thể.

II. Nghi thức an táng Kitô giáo

Trong ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, ý nghĩa của sự chết được bày tỏ. Đối với người Kitô hữu, chết là "lìa bỏ thân xác để được ở bên Chúa" (2Cr 5,8); ngày chết là ngày hoàn thành ơn tái sinh đã bắt đầu trong Bí tích Thánh tẩy, là ngày dự Tiệc Nước Trời đã bắt đầu trong Bí tích Thánh Thể. Hội Thánh là một người mẹ đã cưu mang con trong suốt hành trình trần thế, cũng đi theo người con ấy cho tới điểm cuối của cuộc hành trình, hiến dâng người con đó cho Chúa, trao gởi người con đó cho lòng đất, với niềm hy vọng sẽ được phục sinh vinh hiển (x. 1Cr 15, 42-44). Vì thế, nghi thức an táng của Kitô giáo tràn ngập niềm tín thác và hy vọng. Nghi thức an táng là cử hành phụng vụ chính thức, nhằm diễn tả sự hiệp thông của cộng đoàn với người đã khuất, đồng thời công bố Tin Mừng về đời sống vĩnh cửu và ơn phục sinh trong Chúa Kitô.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 


Xứ đoàn Thánh Tâm - Giáo xứ Quang Lâm - Giáo hạt Phương Lâm - Giáo phận Xuân Lộc

Địa chỉ: ấp Thanh Trung xã Thanh Sơn huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Website http://xudoanthanhtamquanglam.mov.mn. Email: xudoanthanhtam@yahoo.com.

Email hỗ trợ: xthangdn@yahoo.com. Điện thoại: 0917792020 .

Tự tạo website với Webmienphi.vn