Đăng nhập

CHÚC CÁC ACE LUÔN MẠNH KHỎE VÀ NHIỀU ƠN LÀNH CỦA THIÊN CHÚA

KỸ NĂNG KỂ CHUYỆN

A.     TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHUYỆN KỂ :

 -  Chuyện kể có một ưu thế rất lớn là: Tâm lý chung, ai cũng thích nghe kề chuyện. Một câu chuyện hay sẽ gây ấn tượng và tác động mạnh đến người đọc, người nghe, họ có thể khóc, cười, giận, phấn chấn . . . với nhân vật và tình tiết của câu chuyện.

-  Chuyện kể có tầm quan trọng rất lớn trong việc giáo dục : Qua một câu chuyện, ta có thể giúp các em dễ hiểu và nhớ lâu một bài học về giáo lý hay nhân bản.

-  Đặc biệt gưông của Chúa Giêsu : Trong suốt thời gian đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu thường dùng những ngụ ngôn ngắn, dễ hiểu, qua đó giúp cho mọi người, kể cả những người ít học có thể hiểu được mầu nhiệm nước trời cao siêu.

 I.    NHỮNG CHUẨN BỊ CẦN THIẾT:

   1. Nguồn truyện – Cách sưu tầm :

       a-  Nguồn truyện : Sách – báo – dẫn chứng trong cuộc sống . .

       b-  Cách sưu tầm truyện :

­            Làm thành cuốn “hưông liệu”, ghi lại xuất xứ, nội dung, thể loại. . . phân loại những câu chuyện đã đọc trong sách , báo.

­            Quan sát chính trong cuộc sống và ghi nhận lại.

    2.   Nội dung :

       a-  Lành mạnh – Thánh thiện – Hướng thiện. . .

       b-  Chủ đề phải am hợp từng lứa tuổi khác nhau.

**  Lưu ý : Khi kể chuyện, có thể thêm “mắm muối” vào câu chuyện cho thêm phần hấp dẫn, nhưng không được đi lạc ý chính hoặc xuyên tạc nội dung cốt chuyện.

     3. Hình Thức :

Tuỳ theo lứa tuổi, người kể chuyện áp dụng những hình thức diễn đạt khác nhau :

       a-  Từ 6 – 10 T      : Chuyện cổ tích, ngũ ngôn (rối, hình ảnh, bảng)

       b-  Từ 11 – 14T     : Chuyện phiêu lưu, mạo hiểm (hoạt cảnh, kịch) .

      c-   Từ 15 – 18T     : Tâm lý, tình cảm, truyện các thánh, danh nhân .

    4.        Tập kể trước ở nhà :

 Có thể kể cho em, cháu trong gia đình hoặc kể một mình trước gưông.

II. MỘT SỐ KỸ THUẬT KỂ CHUYỆN :

    1.   Nắm vững nội dung câu chuyện :Nắm vững nội dung câu chuyện để tránh kể sai, hoặc đang kể phải dừng lại để bổ túc thêm một số tình tiết ban đầu.

    2.   Nhập vai : Phải kết hợp với cung giọng và điệu bộ để thể hiện từng tình tiết của câu chuyện :

       a-  Cung giọng : To, nhỏ, trầm, bổng . . . phù hợp với tình tiết câu chuyện đang kể.

       b-  Điệu bộ :

­            Nét mặt và đôi mắt phải thể hiện thật linh động.

­            Bàn tay và đi đứng, cử động phù hợp với lời kể.

        c- Ngôn ngữ :

Từ ngữ phải được thời sự hóa và phổ biến rộng rãi, phù hợp với lứa tuổi của các em.

      3.  Khắc phục những cố tật :           (Như : gãi đầu, gẩy mũi, sờ cằm, nâng kính)

Những cố tật đó dễ làm các em đội viên chú ý, không tập trung nghe lời kể của các em (người đang kể chuyện).

      4. Luôn nhớ tôn giáo hóa hoặc rút ra bài học giáo dục :

Có hai cách :

­           Trực tiếp : Chính người kể sẽ đúc kết câu chuyện.

­           Gián tiếp : Cho các em nhận xét trước, người kể sẽ đúc kết sau. (Qua lời nói của nhân vật trong chuyện).

 Qua đó, chúng ta nhận thấy, kễ chuyện đóng vai trò khá quan trọng trong việc hổ trợ cho bài học, vì thế chúng ta cố gắng sưu tầm thật nhiều những mẫu chuyện liên quan đến các bài học càng nhiều càng tốt, để đến khi cần thiết đem ra áp dụng thực là lợi ích lắm thay.

B.  KỂ CHUYỆN CHO THIẾU NHI TRONG BÀI GIÁO LÝ

Bài giáo lý được trình bày theo lối quy nạp. Vì thế trong bài giảng này thường lấy một câu chuyện cụ thể để làm khởi điểm, rồi dựa vào câu chuyện để trình bày đề tài giáo lý.

I. CÁC LOẠI CHUYỆN

Các câu chuyện trong bài giáo lý được chia làm 3 loại :

  • Chuyện Thánh Kinh

Trong Thánh Kinh Cựu Ước cũng như Tân Ước, có rất nhiều chuyện.  Phần đông tất cả mọi tín hữu đều biết. Những chuyện này thường dùng để trình bày trong bài giáo lý rất tốt và thích hợp nhất nhờ tính chất và nội dung tôn giáo của chúng.

Khi dùng các câu chuyện Thánh Kinh để trình bày giáo lý thì việc chuyển sang áp dụng vào đề tài giáo lý rất dễ dàng, tự nhiên và mạch lạc. Do đó, khi soạn bài giáo lý cần dùng ưu tiên cho loại truyện này.

Ví dụ:

  • Chuyện Cain: Thiên Chúa thấu hiểu mọi sự.
  • Noe và lục đại hồng thủy: Thiên Chúa không chấp nhận tội lỗi.
  • Abraham: Tin và vâng phục Thiên Chúa vô điều kiện và để Thiên Chúa dẫn dắt.
  • Lửa trong bụi gai: Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống.
  • Vượt Biển Đỏ: Chúa Giêsu giải thoát chúng ta và đưa chúng ta về đất hứa.
  • Chuyện lịch sử Giáo Hội và cuộc đời các Thánh

Đây cũng là kho tàng chứa đựng rất nhiều sự kiện có thể dùng để trình bày các đề tài giáo lý. Tuy nhiên cần trung thực: nhất là khi dùng chuyện các Thánh, những chi tiết ly kỳ, phi lịch sử, thuộc loại huyền thoại, có thể làm cho các em thích thú lúc đó, nhưng có thể làm hại đức tin của các em sau này. Phải lựa chọn kỹ lưỡng và áp dụng cho khéo.

Ví dụ:

  • Cuộc đời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
  • Cuộc hiện ra của Đức Mẹ với 3 vị Thánh trẻ ở Bồ Đào Nha.

………………

       3.      Những chuyện thường nhật hoặc thời sự

Những việc xảy ra hằng ngày, những biến cố có tính cách thời sự cũng có thể đưa vào làm khởi điểm để suy nghĩ về một đề tài giáo lý. Tuy nhiên, việc lựa chọn những chuyện này khó hơn. Cần hội đủ hai điều kiện:

      -  Thích hợp, hoặc ít nhất cũng không mâu thuẫn với chủ đề tôn giáo.

      -  Có thể chuyển từ câu chuyện sang đề tài giáo lý một cách dễ dàng,không gượng ép giả tạo.

Ví dụ: Nàng Mũ Lau; Lấy tóc mặt trời; Chàng dũng sĩ.

II. CÁCH THUẬT CHUYỆN

 1. Chủ đích

Thuật chuyện trong giờ học giáo lý không nhằm mục đích mua vui cho học sinh hoặc cho học sinh giải trí. Câu chuyện đây được dùng làm phưông thế dẫn tới Tin Mừng và truyền đạt Tin Mừng. Vì thế phải chọn những câu chuyện có thể áp dụng vào bài giáo lý.

2. Cách thức

Cũng vì nhằm mục đích mới xác định ở trên, nên câu chuyện phải được trình bày một cách ngắn gọn, cụ thể. Cần loại bỏ những chi tiết dư thừa không trực tiếp liên quan đến vấn đề được trình bày, chỉ giữ những nét có thể làm nổi bật những điểm mình muốn đem áp dụng vào bài giáo lý.

3. Nội dung

Các bạn phải thực sự hoá thân vào câu chuyện để giúp các em cuốn hút vào câu chuyện mình kể để làm cho câu chuyện thêm sinh động vui tươi nhất là phải nắm bắt được tâm lý của trẻ để dẫn đưa trẻ đến câu chuyện kể và áp dụng vào cuộc sống của em đối với Chúa và đối với bản thân.

Bảng So Sánh Ưu Khuyết Điểm giữa các Phưông Pháp

Phưông Pháp

Thích hợp Ngành

Ưu điểm

Khuyết Điểm

Giảng bài

Ấu / Thiếu / Nghĩa

  • Trình bày được nhiều trong thời gian tối thiểu.
  • Thích hợp cho số đông các em.
  • Thời gian trong lớp được dành trọn vẹn cho đề tài.
  • Dễ nhàm chán.
  • Học sinh thụ động không tham gia vào khóa học.
  • Khó kiểm soát được mức độ tiếp thu của các em.
 

Kể Chuyện

Ấu / Thiếu

  • Gây thích thú và sự chú ý
  • Giúp các em dễ tiếp thu và nhớ bài lâu hơn.
  • Kể chuyện cần phải có khiếu (talent).  Không phải ai cũng có thể kể chuyện hấp dẫn được.
  • Thường không kiểm soát được thời gian.
 

Trò chơi giáo dục

Ấu / Thiếu

  • Gây thích thú và sự tham gia
  • Hoạt động tay chân nhiều tốt cho sức khỏe
  • Tập nhanh nhẹn, tinh thần đồng đội, kỷ luật.
  • Dễ mất trật tự nếu không biết kiểm soát
  • Nhiều khi mãi vui chơi, quên đi mục đích của bài học.
 

Tường Trình / Tường Thuật

Thiếu / Nghĩa

  • Tập trí nhớ lâu cho các em.
  • Trong khi tường thuật là lúc các em được học lại một lần nữa -> giúp các em hiểu bài hơn.
  • Mất nhiều thời giờ trong khóa.
  • Dễ gây hiểu lầm / lạc đề khi các em tường thuật lại.
 

Thực Hiện Dự Án

Nghĩa Sỹ

  • Tăng thêm giờ giác học tập
  • Tạo tinh thần đồng đội, ý thức trách nhiệm chung
  • Tạo được sự tự tin qua công việc
  • Tốn nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cũng như theo dõi và đốc thúc
  • Nhiều dự án đòi hỏi nhiều tốn phí
 

Vấn Đáp

Ấu / Thiếu / Nghĩa

  • Giúp kiểm soát được sự tiếp thu hoặc hiểu biết của các em.
  • Tạo tinh thần tự học và thi đua.
  • Không lôi cuốn.
  • Tạo sự lẫn lộn hoặc chán nản khi câu hỏi không rõ ràng hoặc khó quá.
 

 



Xứ đoàn Thánh Tâm - Giáo xứ Quang Lâm - Giáo hạt Phương Lâm - Giáo phận Xuân Lộc

Địa chỉ: ấp Thanh Trung xã Thanh Sơn huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.

Website http://xudoanthanhtamquanglam.mov.mn. Email: xudoanthanhtam@yahoo.com.

Email hỗ trợ: xthangdn@yahoo.com. Điện thoại: 0917792020 .

Tự tạo website với Webmienphi.vn